“Vương gia.”

Triệu Hữu Trí cung kính thấp giọng gọi một tiếng, đưa chàng từ trong hồi ức xa xưa trở về thực tại.

Dự Thân Vương ngước mắt lên, Triệu Hữu trí nói:

“Hoàng Thượng cho truyền Vương gia vào.”

“Phương nội yến an” này mỗi ngày chàng đều đến, quen thuộc đi dọc theo đoạn đường lát gạch đen bóng như gương. Ngoài hành lang, hoa ngọc lan trắng vừa thay bông, một cánh rơi vào trong cái chậu cảnh có cây lựu vừa trồng, lá cây xanh mướt điểm vài nụ hoa đỏ sẫm, như ai vẩy ai hắt lên. Mặc  dù hoa chưa nở, đã làm cho người ta cảm nhận được sắc màu rực rỡ như lửa, tươi đẹp tựa  tấm vải đang được xe sợi, cơ hồ muốn đâm vào mắt.

Mới vòng qua tới cửa Tĩnh Hư Thất, đã nghe thấy giọng nói của Hoàng Đế vang lên:

“Lão Thất, đệ tới thật đúng lúc, có trà ngon uống.”

Chàng theo quy củ hành lễ trước, sau mới đáp:

“Đa tạ hoàng huynh ban cho.”

Lập tức có một cung nữ rót một chén trà đưa tới, chàng tiếp nhận xong còn muốn tạ ơn, Hoàng Đế vội nói:

“Đừng có khách sáo như thế, đệ cũng ngồi xuống đây đi.”

Giống như bình thường, nội quan lại bưng ghế lại mời chàng ngồi xuống.

Hoàng Đế xưa nay không chịu được nóng, mới đến tháng tư mà đã thay đổi xiêm y áo lụa, nửa dựa nửa ngồi ở trên tràng kỷ, dáng vẻ  rất nhàn hạ:

“Đệ nếm thử trà này đi, đây chính xác là chắt từ những giọt sương trên cánh hoa, thật sự là có hương vị cực kỳ thanh nhã.”

Dự Thân Vương chỉ khẽ nhấp một ngụm, đầu hơi cúi thấp, bỗng nhiên nhìn thấy trên chiếc bàn con bên tay Hoàng Đế, tùy tiện để một chiếc quạt lụa của con gái. Tay cầm bằng bạch ngọc kết những tua rua dài khoảng vài tấc màu mận chín rủ xuống, cực kỳ bắt mắt.

Còn chưa quá tiết Đoan Ngọ, khí trời cũng chưa đến mức phải dùng quạt. Nhưng những người con gái chốn khuê phòng, dù vào mùa đông, trên tay vẫn luôn cầm khư khư một chiếc quạt lụa dùng để che mặt. Chiếc quạt này là loại tơ lụa trắng nõn quý giá, hai mặt đều thêu hoa lan bươm bướm, đường thêu tinh xảo khéo léo, con bướm trắng kia trông như chỉ muốn tung cánh bay đi. Khoảng trắng bên dưới hoa văn đột nhiên lại có một vết hoen màu đỏ, không phải bướm cũng chẳng phải hoa, cũng không phải màu thuốc nhuộm...

Dự Thân Vương lén nhìn, thấy rõ không phải đường thêu, bất chợt nhận ra đó là một vết son, có lẽ trong lúc cầm che mặt đã lơ đãng quẹt qua... Vành tai hốt nhiên nóng bừng, trà vừa chạm vào răng đã vội vàng nuốt xuống, căn bản cũng không cảm nhận được chút mùi vị gì.

Chàng tới đây đương nhiên là vì có công việc, liền quay trở lại vần đề chính, tâu rằng:

“Sổ sách mật tấu đưa lên, quả thực là có chuyện không tốt. Quân lương từ trước tới nay đã tiêu tốn hơn phân nửa, quân ở Lưỡng châu. Công trình thủy lợi hao hụt một trăm tám mươi vạn lượng, một hai tháng nữa sẽ đúng vào mùa lũ, trước phải tìm cách chi bốn mươi vạn lương vào đó. Ngoài ra còn có Bộ công xin chỉ, ban xây lăng miếu xin thêm vật liệu đá, mà gần đây cũng tăng cường khai thác đá ngang sông, bởi vậy phí cho công vận chuyển chuyên chở cũng tăng gấp bội.”

Hoàng Đế cười khẽ:

“Ngoại trừ việc đòi tiền, còn gì nữa không?”

Dự Thân Vương thấy tâm tình chàng rất tốt, cũng cười nói:

“Còn có một công chuyện thì không đòi tiền, nhưng lại đòi người, chức vụ tổng quản thu hoạch mùa màng mà Vương Đỉnh Chi vì nhà có đại tang vừa xin nghỉ hiện giờ vẫn bỏ trống.”

Vương Đỉnh Chi là người của Duệ Thân Vương, tổng quản đốc mùa màng thu hoạch, thu cả Lưỡng châu, mà nơi đây vốn thiên hạ  giàu có sung túc.

Ánh mắt Hoàng Đế chớp động, chàng là kiểu người có khí chất bình tĩnh, không biết là đang  vui hay giận.

Dự Thân Vương đang định muốn nói gì, vừa ngẩng đầu lên đã nghẹn lại, một lúc lâu không phát ra được lời nào. Hoàng Đế lúc này mới cảm thấy bất thường, quay đầu lại. 

Bởi vì trên mặt đất trải thảm dày, nàng bước đi lại cực nhẹ, lụa tơ màu mật ong mỏng manh xuyên thấu thấp thoáng một đoạn váy dài chữ phúc như làn sóng muốn gợn lên mà không thể, ngay cả một đôi ngọc linh lung buông treo bên dải đai lưng cũng im lìm không một tiếng động. Bước sen khoan thai như vậy, chỉ có thể có ở những khuê nữ xuất thân danh gia vọng tộc, thuở nhỏ đã được dạy dỗ mà thành.

Hoàng Đế không khỏi hỏi:

“Nàng ra đây làm gì?”

Dự Thân Vương sớm đã buông mắt xuống, trong vội vàng chỉ nghĩ, nàng vẫn đang là một cung nữ, hẳn không cần phải đứng dậy chào, mà trên thực tế cũng không có nghi thức thân vương gặp phi tần phải hành lễ.

Như Sương cũng chẳng trả lời, cầm lấy chiếc quạt trên bàn xoay người muốn đi. Hoàng Đế có chút dở khóc dở cười, chỉ đành gọi nàng lại:

“Chậm chút đã, Thất đệ không phải người ngoài, qua chào Dự Thân Vương đi.”

Con ngươi đen trắng rõ ràng của Như Sương rốt cuộc cũng nhìn về phía Dự Thân Vương, liền chỉnh đốn vạt áo thi lễ. Cũng không nói lời nào, không quan tâm Dự Thân Vương đang chần chừ không biết có nên đáp lễ hay không, cũng không tiến đến trước Hoàng Đế cáo lui, trong nháy mắt xoay người rời đi.

Bởi vì tránh để không có hiềm nghi phát sinh, Dự Thân Vương vẫn luôn không nhìn thẳng vào nàng. Thấy được vạt váy thướt tha chuyển động sau  tấm bình phong đã khuất, mới nhẹ nhàng thở ra một cái, ngẩng đầu lên, đã bắt gặp ý cười trên khóe môi Hoàng Đế:

“Cái kiểu tính nết như vậy, trẫm cũng đành bó tay.”

Dự Thân Vương chỉ thiếu điều khom lưng, nói:

“Thần đệ đang có một chuyện muốn bẩm tấu. Trong cung đã từng đại tu một lần vào thời điểm năm Thiên Hữu thứ mười, hiện thời cũng đã qua hơn bốn mươi năm rồi, một vài cung điện đền đài cũng đã bị mai một. Như Hiệt An điện, Trường Ninh cung, chỉ e cũng phải dọn dẹp một phen. Muốn tu sửa, có lẽ phải thỉnh các vị nương nương trong điện dời đi nơi khác một thời gian.”

Lời nói bất ngờ này, Hoàng Đế nghe đã hiểu, lời này là Dự Thân Vương bắc thang cho mình leo xuống.

Lúc trước chàng trong cơn giận trục xuất Hàm phi đi Vạn Phật Đường, Dự Thân Vương sợ rằng chàng đã hối hận, cho nên có một câu như vậy. Kỳ thực đó cũng là một lời khuyên bảo khéo léo. Tuy rằng chưa từng có chiếu chỉ phế phi, nhưng trong cung phát sinh một loại sự tình này, chung quy không thể không thành một giai thoại để đời. Lời nói vừa nãy của Dự Thân Vương, ý là đến lúc đó có thể danh chính ngôn thuận mà nói rằng, chỉ là vì muốn tu sửa Trường Ninh cung mà chuyển Hàm phi đi, đến khoảng mười ngày nửa tháng sửa xong,lại tiếp Hàm phi trở về, dàn xếp ổn thỏa.

Hoàng đế lắc đầu, nói:

“Một động chẳng bằng một tĩnh, huống chi tháng sáu này sẽ đi Đông Hoa kinh, hà tất phải nhiều chuyện như thế.”

Dự Thân Vương lại nói:

“Hoàng huynh, Hàm phi cũng không có làm sai điều gì to tát lắm, hơn nữa, cũng coi như huynh vì tình thương với    hoàng trưởng tử.”

Hoàng Đế dứt khoát nói:

“Lão Thất, ta biết đệ muốn nói gì, song việc này chủ ý ta đã quyết, đừng phí công khuyên ta nữa. Năm đó phi tần của phụ hoàng cũng phải đến mười người, cả ngày tranh giành cấu xé lẫn nhau, còn không phải gây ra bao nhiêu chuyện? Đã khiến cho tuổi thơ của chúng ta nhận bấy nhiêu những nhơ nhớp bẩn thỉu còn chưa đủ hay sao? Trẫm là trẫm không đồng ý để cho nhi tử của trẫm phải trải qua những tháng ngày như thế, cho nên hậu cung mới chỉ có vài người kia. Mà mới có chừng ấy, cũng đã chẳng cho trẫm sống yên ổn một ngày rồi. Thường ngày các nàng ấy làm mấy cái chuyện gì đó, miễn là không đi quá giới hạn, trẫm cũng sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua. Nhưng là không thể nhịn thêm một lần nữa, con giun xéo lắm cũng quằn, vừa rồi dạy cho nàng một bài học, cũng là muốn tốt cho nàng. Nếu để nàng tùy tiện làm bừa, không phải sẽ hủy hoại cả hoàng tử của trẫm hay sao?”

Đã nói đến như vậy, đồng nghĩa với việc không còn xoay chuyển được gì nữa rồi. Dự Thân Vương trong bụng rầu rĩ hiện cả lên mặt, khuyên được người này thì cũng chỉ có chàng mà thôi, bởi thái hậu thì đã qua đời, mà Hoàng Đế với đứa em trai ruột cùng mẹ là Kính Thân Vương thì đã như nước với lửa. Thân chi cận quý trung (thân cận dễ tin), không còn ai có thể bàn chuyện trong nhà với Hoàng Đế nữa. Lúc này chàng lại thay đổi xưng hô:

“Tứ ca, Hàm phi giờ cũng đã chịu đủ giáo huấn rồi mà, vả lại nàng là mẹ đẻ của  hoàng trưởng tử.”

Một phi tần đã được sắc phong đàng hoàng, lại chỉ vì phạt một cô cung nữ mà bị biếm truất, thực không hợp lễ chế tí nào.

Hoàng Đế cũng tỏ tường ý tứ của chàng, một hồi lâu sau chỉ thở dài, trong giọng nói đượm vẻ  muộn phiền  khó tả:

“Đệ không hiểu.”

Dự Thân Vương yên lặng không nói nữa, không phải không hiểu, mà là vô cùng hiểu.

Đêm ấy mưa trút xối xả, đã gần canh bốn, đột nhiên ngoài cửa thông báo có người muốn gặp. Chàng và Hoàng Đế cực kỳ gần gũi, chuyện không hay lại xảy ra nhiều, loại triệu tập khẩn cấp đêm khuya này cũng từng có, vì thế một mặt vừa thay quần áo, một mặt vừa lệnh cho kẻ đưa tin tiến vào.

Người tới cũng chẳng phải người ngoài, chính là Trình Viễn – một tên đồ đệ đắc lực của thái giám tổng quản Triệu Hữu Trí. Gã tuy chỉ mới mười sáu mười bảy tuổi, cũng chưa có phẩm hàm gì, song ở trong điện Chính Thanh của Hoàng Đế cũng là một kẻ cực kỳ được việc.

Bên ngoài trời quả thực mưa quá to, Trình Viễn cởi áo mưa, bên trong cũng đã bị ướt hơn phân nửa, ánh đèn chiếu lên khuôn mặt trắng bệch lạnh toát của gã, trông sắc mặt rất thảm hại, bước lên hành lễ, chỉ nói:

“Triệu sư phụ thỉnh mời Vương gia vào cung một chuyến ạ.”

Dự Thân Vương vốn đang tưởng gã đến truyền chiếu chỉ, lúc nghe được một câu như thế, cảm thấy bất ngờ. Nhưng chợt nghĩ, Triệu Hữu Trí đã sai người đến, chắc chắn là Hoàng Đế ở bên kia đã gặp chuyện gì. Tâm trạng trùng xuống, không chần chờ nữa, lập tức thay đổi trang phục, đi theo Trình Viễn.

Cơn mưa đã kéo dài tám ngày qua bây giờ trút xuống, kiệu muốn đi nhanh cũng chẳng được, chàng sốt ruột mấy lần vén rèm lên xem, chỉ thấy trước kiệu có một đôi đèn khẳng khiu bị gió cuốn, giữa mưa đêm chập chờn hai ánh lửa, chiếu qua làn mưa rơi xuống như tên, một màn trắng xóa.

Lúc kiệu hạ xuống ở trước cửa cung, mưa vẫn không giảm. Dự Thân Vương sớm đã định sẽ cưỡi ngựa vào cấm nội, nhưng mưa quá lớn, lại giữa đêm hôm, nếu một con ngựa chạy vào, chỉ sợ sẽ làm kinh động cả lục cung. Triệu Hữu Trí lại đã sắp đặt đâu đó, hai nội quan đứng chờ sẵn tự lúc nào bấy giờ vội tiến lên, hành lễ:

“Chỉ đành kính mời Vương gia lên xe trước.”

Đây là loại xe ngựa hằng ngày bọn cung nhân thường đi, Dự Thân Vương liền ngồi xuống, trời tối nhìn không rõ phương hướng, xe đi hồi lâu mới dừng. Màn che vừa vén, chỉ thấy trước mắt sáng ngời, thì ra là có một ngọn đèn ngọc lưu ly dát vàng tinh xảo, chiếu sáng dưới chân cho chàng, thấy được cả cơn mưa như trút nước xuống mặt đất làm nổi lên vô số bong bóng, chẳng khác gì nước sôi trong nồi.

Dự Thân Vương thấy người cầm đèn là một tên nội quan khác trong điện  Chính Thanh, im lặng giúp đỡ mình xuống xe, lại có một người đã giương ô sẵn. Chàng ngẩng đầu nhìn xung quanh, chỉ thấy mái hiên nhà nối tiếp chạy về xa, tường trổ sừng sững, mới biết đang ở trước cửa Thái Bình.

Lúc đến dưới lầu thành, mới thấy Triệu Hữu Trí tiến lên hành lễ, bởi vì lạnh, giọng nói có phần cứng ngắc lại:

“Nô tỳ tự ý mời Vương gia, thỉnh Vương gia thứ tội.”

Dự Thân Vương đáp:

“Nói những lời khách sáo đó làm gì nữa, Hoàng Thượng đâu?”

Vẻ mặt Triệu Hữu Trí trông càng khó coi:

“Thưa, đang trên lầu thành.”

Dự Thân Vương ngẩn người, hỏi:

“Xảy ra chuyện gì?”

“Là Hoàng quý phi đã qua đời.”

Bốn phía đèn vây quanh, trong lầu sáng ngời, chiếu thẳng vào khiến mặt Dự Thân Vương khẽ động, nhưng cũng không bất ngờ lắm. Chuyện cả nhà Mộ gia bị tịch thu tài sản tống vào ngục, vì Mộ phi đang mang thai rồng, cho nên luôn luôn giấu cô ấy tin tức nhà họ Mộ.

Triệu Hữu Trí cười khổ nói:

“Vương gia, ngài nghĩ xem, loại chuyện như thế làm sao mà giấu cho được. Một cung nữ vừa lỡ miệng nói ra, quý phi nương ngương lúc ấy còn đang thở không nổi, lập tức hôn mê. Chờ được ngự y và bà đỡ đến nơi, đã loang đỏ thẫm, máu chảy mãi đến tận giờ hợi, quý phi nương nương cùng hoàng tử rốt cuộc là không thể cứu được.”

Đèn lồng u ám, sắc mặt Dự Thân Vương cũng khó lường. Triệu Hữu Trí nói:

“Hoàng thượng không chịu khởi kiệu về điện Chính Thanh, trời thì mưa to như vậy. Vương gia, dù thế nào đi nữa cũng mong ngài nghĩ một biện pháp.”

Dự Thân Vương thoáng vẻ trầm ngâm, liền nói với lão:

“Có áo mưa đấy không, ta muốn hai cái, lại thêm một cái đèn không ngấm nước nữa.”

“Vâng, có, đều có cả.”

Triệu Hữu Trí liên tục đáp có, một nội quan nhanh chóng đem đến, hầu hạ Dự Thân Vương mặc áo mưa vào. Dự Thân Vương cầm lấy ngọn đèn trong tay, phân phó:

“Ta một mình đi lên, các ngươi ai cũng không được theo.”

Triệu Hữu Trí đã sớm biết chàng sẽ dặn như thế, nên chỉ lập tức thi lễ, đáp:

“Bọn nô tì tuân mệnh.”

Vừa bước lên lầu thành, gió táp mưa sa đã quất vào người làm chàng thấy hơi ê ẩm, vô số những giọt nước len lỏi theo khe hở của mũ trùm đầu ngấm vào. Trên lầu thành, những cây đèn lớn đựng trong giỏ đan bằng cành liễu đã bị mưa tạt vào tắt ngúm từ lâu, bốn phía đều đen như mực, chỉ nghe mưa gió thổi từng đợt vi vút, thổi như muốn cuốn bay cả người.

Dự Thân Vương đi về trước hơn mười bước, chỉ thấy Hoàng Đế đang đứng nơi trước tường thành thấp, mũ trùm đầu đã sớm bị thổi bay tung về phía sau vai, nước trườn theo gò mà chảy xuống. Dự Thân Vương thấy cảnh trước mắt như vậy, chỉ kêu một tiếng “Tứ ca”, rồi xông về trước phủ thêm áo mưa cho chàng. Hoàng Đế cũng để yên như thế mặc chàng làm gì thì làm, nhìn chàng mãi, sau mới hỏi:

“Sao đệ lại đến đây?”

Dự Thân Vương nói:

“Trời mưa lớn như vậy, thời tiết lại lạnh, Hoàng Thượng trước tiên phải trở về điện Chính Thanh cái đã.”

Vẻ mặt Hoàng Đế lạnh nhạt, quay đầu nhìn ra bóng đêm bên ngoài thành mưa sa gió giật, bất chợt hỏi một câu:

“Định Loan, đệ còn nhớ hay không, hồi trước chúng ta ở trên lầu nầy, đã từng nói gì?”

Dự Thân Vương chỉ đành đáp:

“Làm sao có thể không nhớ, khi đó, ta đã hạ quyết tâm sẽ theo Tứ ca, bất luận Tứ ca làm gì ta cũng đều theo.”

Hoàng Đế ngẩng đầu lên, nước mưa chảy ngang dọc trên khuôn mặt, nhìn cũng không ra thái độ gì:

“Ngày ấy ta đã từng thề rằng, thiên hạ này nhất định phải là của ta! Ta muốn tất cả đều đòi về, bất kể bọn họ đã đoạt cái gì của ta, ta cũng đều từng cái từng cái một đòi lại. Ta muốn ai cũng không dám khinh thường, ai cũng không dám đoạt đi bất cứ thứ gì thuộc về ta. Trẫm hiện thời đã là Hoàng Đế, là con trời, giàu có bốn bể, vạn dân kính phục, thế nhưng tại vì sao cái gì trẫm yêu thương đều bỏ mà đi?”

“Tứ ca.”

Dự Thân Vương nắm lấy cánh tay chàng:

“Hoàng quý phi bạc phận,  huynh cũng không nên quá đau lòng.”

Hoàng Đế dùng sức cự lại, lực đạo thật lớn, làm Dự Thân Vương cơ hồ lảo đảo suýt ngã. Giọng nói của chàng hòa trong mưa gió một nỗi đau đớn vô cùng vô tận:

“Không phải nàng bạc phận, mà là ta. Thuở nhỏ phụ hoàng không thích ta, trong tất cả mười mấy đứa con, trong mắt phụ hoàng chỉ có duy nhất một Định Trạm. Nhưng sao ngay cả mẫu phi cũng không ưa ta? Bà là người mẹ thân sinh ra ta, vì sao cả bà cũng không muốn thấy ta? Định Loan, đệ tuy khổ, nhưng còn có tình yêu thương của mẫu phi, còn ta? Đã nhiều năm trôi qua, đã hơn hai mươi mấy năm qua, trong mắt cha mẹ, ta chỉ là một đứa sống cũng vậy mà không sống cũng chẳng sao.”

Dự Thân Vương lặng yên, lời nói của Hoàng Đế lại càng thê lương:

“Chỉ có nàng, cho tới bây giờ chỉ có nàng hiểu ta... nhưng ngay cả nàng ta cũng không giữ đươc. Thời điểm hạ chiếu trừng phạt Mộ gia, bàn tay cầm bút cũng phát run, nhưng ta không thể không làm. Giẫm lên máu của nhiều người như vậy, đạp lên tro cốt của nhiều người như vậy, một kẻ đứng trên vạn người như trẫm, không có một ai hiểu tâm tình của trẫm. Trẫm có cả thiên hạ này, nhưng trẫm bất kể cái gì cũng không có!”

“Tứ ca.”

Dự Thân Vương lại kêu một tiếng:

“Nếu huynh khổ sở trong lòng, vậy hãy khóc to một hồi cũng tốt.”

Hoàng Đế ngẩng mặt, mặc cho mưa táp vào, nước mưa trôi theo cằm, rơi xuống trên áo bào minh hoàng của chàng.

Giọng nói của chàng lạnh lẽo đến rùng mình:

“Trẫm đã nói rồi, trẫm sẽ từng cái một đòi lại, bất kể bọn họ cướp đoạt cái gì, trẫm cũng sẽ đòi về tất cả.”

Thời gian đã trôi qua lâu rồi, nhưng Dự Thân Vương vẫn nhớ như in khuôn mặt của Hoàng Đế trong khoảnh khắc ấy, lạnh lùng như đao chặt rìu chém, từng tơ máu trong mắt đều lộ ra thần sắc đáng sợ. Thật giống như chàng ngày đó bị Định Đường đè trong tuyết mà đánh đấm, chàng cũng có chính xác loại căm phẫn cùng nổi điên như vậy, mang theo tuyệt vọng dữ tợn, biến hết thảy những đau đớn trong thẳm sâu trở thành cừu hận, cuối cùng không thể đè nén mà bùng phát.

Đứa con mồ côi của Mộ thị đang ở bên Hoàng Đế lúc bấy giờ, lại càng khiến cho người ta cảm thấy có một nỗi lo lắng thầm kín. Xem tình cảnh này, nhất định là toàn toàn bộ áy náy cùng thương tiếc Hoàng Đế đều đặt trên người nàng ta. Dọc trên đường trở về từ Thượng Uyển, Dự Thân Vương ngồi trên yên ngựa mà dòng suy nghĩ dồn dập, ngay cả tên kéo ngựa cho chàng là Đa Thuận cũng nhìn ra được, gã cầm dây cương, điều khiển cho con ngựa đi vừa ổn định nhưng lại vừa nhanh.

Nghi thức dành cho thân vương cực kỳ nghiêm chỉnh, hai tên đi trước dẫn đường, tiếng ngựa của thân vệ lóc cóc hộ tống theo sau, trong tràng âm thanh của kim la mở đường vang dội ra tận phía xa xa, cũng không nghe một ai nói chuyện hoặc ho khan nửa tiếng. Bỗng nhiên có một tiếng ngựa hí, Dự Thân Vương lúc bấy giờ mới sực tỉnh, chỉ thấy đã đi qua ngã tư, lại đi quá mất một con phố, vội nhìn bao quát xung quanh.

Dự Thân Vương đột nhiên thay đổi quyết định, nói:

“Đi Nhĩ Viên.”

Vào thời tiên hoàng còn sống, các chư hoàng tử đều được ban thưởng các trang viên ở gần Thượng Uyển, mà “Nhĩ Viên” của Duệ Thân Vương chính là một trong những nơi hoành tráng đẹp đẽ nhất, không chỉ hơn hẳn chỗ của các hoàng tử khác, mà so với “Minh Uyển” của thái tử cũng chỉ có hơn chứ không có kém.

Duệ Thân Vương tính thích xa xỉ, nhiều năm thiết kế, nơi đây trồng bao cây cảnh lại càng ngày càng tinh xảo mỹ lệ đến cực điểm, tuy rằng không bằng được Thượng Uyển  lộng lẫy đồ sộ, thế nhưng lầu gác đình đài thì đẹp không sao tả xiết, vô số kỳ hoa dị thảo biến hóa, cơ hồ mỗi tấc đất đều trị giá cả lượng hoàng kim.

Lúc này tiết trời hơi nóng, Duệ Thân Vương cùng vài vị quý tử dòng dõi, ở nơi ven hồ Tri Nguyệt giữa vườn bình luận khúc “Vân Thiên thắng cảnh”. Ngồi đối diện mặt hồ sắc xanh nhàn nhạt, gió mát như ngọc, mỹ nữ ca hát giọng oanh vàng như châu, quả thực phong cảnh kiều diễm không sao tả hết. Nghe bọn tôi tớ bẩm báo Dự Thân Vương đến thăm, Duệ Thân Vương không khỏi khẽ nhíu cặp mày, khóe miệng lại ẩn chứa ý cười:

“Hắn là khách quý hiếm gặp, mau mau mời vào.”

...

“Chén ngọc áo tà nâng rất khẽ

Bóng hồng năm ấy vẫn còn e.

Mưa sa cành liễu lầu Tâm Nguyệt

Hát đợi cánh đào theo gió the.

Lúc biệt ly,

Mong gặp lại.

Mấy đêm hồn mơ thấy cùng nàng

Đêm nay đèn tỏ ánh ngân quang

Chứ ngỡ gặp nhau là mộng...”  

(Giá cô thiên – Yến Kỷ Đạo  - dịch thơ: Đông Y Lâm)

Xướng đến chữ mộng, âm thanh đã cực thấp, tựa như trong mộng ảo, kỹ thuật múa cực uyển chuyển, chỉ như gió vờn cành liễu, cơn mưa hoa rơi lác đác đầy trời xa vắng, theo tiếng ngân tha thướt xoay một vòng, ống áo lụa nhẹ nhàng như mây, dàn trải bay bay, cuối cùng thì cuộn lại thành một đóa hoa thật kiều diễm, nở rộ trên chiếc áo lông dệt màu đỏ. Khuôn mặt thanh tú trong trẻo hé lộ, như nhị vàng giữa bông hoa, từ trong tà áo một đôi mắt sáng lúng liếng, ánh nhìn lưu loát, trông bên nọ ngó bên kia, trong lúc đó có vài người đã uống đến hoa cả mắt.

Dự Thân Vương bước một mạch vào, chỉ thấy được một cảnh đàn sáo ca thổi như thế, phấn son tươi đẹp, Duệ Thân Vương thì đang  hứng khởi tràn trề bắt lấy tay chàng:

“Huynh đệ khó mà tới viếng thăm được một chuyến, tới đây, nghe qua một khúc mới của Cẩm Quy. “Hát có Cẩm Quy, múa có Tử Phủ, tiêu  có Bích San, đàn có Phi Ngâm”, vốn là “Trường Kinh tứ tuyệt” *, mà hôm nay trong bản phủ đã có song tuyệt rồi, tuyệt đối không thể bỏ lỡ. Người đâu, mau gọi người mang  vò rượu ngon ủ dưới gốc mai đến đây, hôm nay hai huynh đệ ta không say không về.”

Dự Thân Vương chỉ mỉm cười:

“Thịnh tình của Lục ca, từ chối thì bất kính.”

********************************

* ”Trường kinh tứ tuyệt” là bốn tuyệt tác của kinh thành Tây Trường. Bạn “e dít tờ” đọc đến đây không khỏi nhớ đến câu ”Cẩu, hùng, dã, trư, Thanh Thành tứ thú” mà cười đau bụng. Vốn là mấy tên Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng, Vu Nhân Hào với La Nhân Kiệt của phái Thanh Thành tự xưng  ”Anh hùng hào kiệt, Thanh Thành tứ tú”, nổi danh với chiêu võ cực kỳ bá đạo gọi là”Thí cổ hướng hậu, bình sa lạc nhạn thức” (“Ghé đầu chổng đít, gà bay chó chạy”, khửa khửa) đã bị bố Lệnh Hồ Xung nhào nặn lại thành như thế, hố hố (bạn hơi bị cuồng già Dung^^)
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện