--- ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ------ ---------
Ông Ta-rơ-cốp-xki cũng như ông Rô-li-xơn, vốn yêu thương cô bé Nen hơn cả cuộc sống của mình, rất vui mừng khi bọn trẻ đến. Đôi trẻ cũng vui sướng được gặp lại cha, nhưng chỉ lát sau đã bắt đầu đi thăm các căn lều bên trong đã được bài trí xong hoàn toàn và sẵn sàng chờ đón các vị khách đáng yêu. Những căn lều ấy thật tuyệt vời, hai lớp vải Fla-nen, một mặt màu xanh, một mặt màu đỏ, bên dưới trải nỉ thô và rộng rãi như những căn phòng lớn. Công ti muốn làm đẹp lòng các quan chức cao cấp của Hiệp hội kênh đào nên đã cố gắng để họ được tiện nghi và thoả mãn. Lúc đầu ông Rô-li-xơn sợ rằng việc sống một thời gian dài trong lều sẽ có hại cho sứ khoẻ của Nen, nhưng ông đồng ý chuyện đó cũng là vì, nếu như thời tiết xấu thì bất kì lúc nào cũng có thể chuyển vào ở trong khách sạn. Song bây giờ đây, sau khi xem xét kĩ lưỡng mọi thứ tại chỗ, ông lại tin rằng, ngày đêm tiếp xúc với không khí trong lành sẽ trăm lần tốt hơn cho sức khoẻ của cô con gái rượu của ông so với chuyện sống trong những căn phòng hôi hám của các khách sạn nhỏ của địa phương. Thêm vào đó, thời tiết rất tuyệt. Mê-đi-nét, tức En Mê-đi-ne, được vây quanh bởi những đồi cát của sa mạc Li-bi, có khí hậu tốt hơn nhiều so với Cai-rô, và chẳng phải tự nhiên người ta lại mệnh danh là "xứ sở hoa hồng". Với vị trí được che chắn tốt, độ ẩm không khí lại cao, nên tại đây ban đêm không quá lạnh như ở những miền khác của Ai Cập, kể cả những miền nằm xa hơn nữa về phía Nam. Mùa đông ở đây thật là dễ chịu, và từ tháng mười một trở đi lại chính là mùa cây cối phát triển nhanh nhất. Những cây chà là, ô liu, vốn rất ít gặp ở Ai Cập, những cây vả, cây cam, quýt, những cây thầu dầu khổng lồ, những cây lựu và biết bao nhiêu thứ thực vật phương Nam khác tạo nên một rừng cây lớn trùm lên cái ốc đảo tuyệt diệu này. Những khu vườn như được bao trùm trong một làn sóng khổng lồ của những cây xiêm gai, tử đinh hương và hồng, đến nỗi về đêm, mỗi làn gió đều mang về hương thơm dễ chịu của những loài hoa ấy. Ở đây, người ta căng ngực thở, và nói như các cư dân địa phương thì "chẳng ai muốn chết".
Khí hậu tương tự như vậy chỉ có ở một địa điểm khác là Hê-lu-an, nằm phía bên kia sông Nin, nhưng tại đó cây cối cũng không tươi tốt bằng ở đây.
Tuy nhiên, với ông Rô-li-xơn, Hê-lu-an gắn liền với một kỉ niệm đau đớn, vì mẹ của Nen qua đời ở đó. Vì lí do đó, ông chọn Mê-đi-nét, và giờ đây, khi ngắm nhìn nét mặt tưng bừng rạng rỡ của cô bé, ông tự nhủ thầm trong lòng rằng, trong thời gian tới, ông sẽ mua ở đây một mảnh đất có cả vườn tược, sẽ dựng lên trên đó một ngôi nhà đầy tiện nghi theo kiểu Anh, và sẽ về đây, về miền đất lành này, để nghỉ ngơi trong tất cả những kì nghỉ phép mà ông có thể có được, và rồi sau khi đã kết thúc công vụ ở kênh đào, thậm chí ông sẽ về ở hẳn tại đây.
Dù sao, đó cũng mới chỉ là kế hoạch cho một tương lai xa và chưa hoàn toàn chắc chắn. Trong khi đó, từ lúc đặt chân tới đây, lũ trẻ lùng sục mọi chỗ như hai chú ruồi, vì chúng muốn ngắm nghía tất cả các căn lều cùng lũ lừa và lạc đà mà công ti Cúc đã thuê tại chỗ, ngay trước bữa cơm. Song hoá ra rằng lũ súc vật hiện đang ở trên bãi chăn cách xa đấy, nên mãi ngày mai mới có thể thấy chúng được. Ngược lại, bên cạnh căn lều của ông Rô-li-xơn, Nen và Xtas rất vui mừng được gặp lại Kha-mix, con trai Kha-đi-gi, một người quen tốt bụng của chúng từ Port Xai-đơ. Anh ta không thuộc đám gia nhân do công ti Cúc thuê, thậm chí ông Rô-li-xơn còn ngạc nhiên khi gặp anh ta ở En Mê-đi-ne, song vì trước đây ông vẫn sử dụng anh ta làm người mang dụng cụ, nên giờ đây ông cũng dùng anh ta làm kẻ sai vặt.
Bữa cơm chiều thật thịnh soạn, vì ông lão Cốp-tơ, người đã nhiều năm liền đảm nhiệm chức đầu bếp trong công ti Cúc, muốn biểu diễn tài nghệ của mình. Bọn trẻ kể lại chuyện người mới quen trong khi đi đường là hai viên sĩ quan, điều này khiến ông Rô-li-xơn rất quan tâm, vì anh ruột của ông là Ri-sác, có vợ là chị của bác sĩ Cle-ry, quả thực đã sinh sống nhiều năm tại Ấn Độ. Đôi vợ chồng ấy không có con, nên ông bác nọ rất yêu quý cô cháu gái bé nhỏ mà ông ta chỉ được biết chủ yếu qua các bức ảnh, và trong tất cả mọi bức thư ông đều thăm hỏi kĩ lưỡng về cô bé. Cả hai ông bố cũng rất buồn cười về lời mời đi Mom-ba-xa mà Xtas nhận được từ đại uý Glen. Cậu bé coi đó là lời mời nghiêm túc và cương quyết tự hứa với mình rằng, khi nào đó, cậu sẽ tới thăm người bạn mới quen ở bên kia đường xích đạo. Mãi sau, ông Ta-rơ-cốp-xki phải giải thích cho em biết rằng các quan chức người Anh không bao giờ làm việc lâu tại một chỗ, vì khí hậu châu Phi rất độc, và trước khi Xtas kịp lớn lên thì hẳn là đại uý đã thay đổi nhiệm sở tới mười lần rồi, hoặc đã không còn trên cõi đời này nữa cũng nên.
Sau bữa ăn, cả nhà bước ra trước lều, nơi gia nhân đã bầy sẵn cái ghế vải gấp, đồng thời chuẩn bị riêng cho người lớn những bình xi-phông chứa nước khoáng và rượu brandy.
Đêm đã buông xuống, nhưng là đêm rất ấm áp, và vì đúng tiết rằm, nên trời sáng như ban ngày. Những bức tường trắng của các toà nhà trong thành phố đối diện với khu lều sáng lên mầu xanh mờ mờ, những vì sao long lanh trên bầu trời, trong không khí lan toả mùi hương hoa hồng, mùi cây xiêm gai và mùi hoa vòi voi.
Thành phố đã say ngủ. Trong sự tĩnh mịch của đêm thảng hoặc mới có vài tiếng kêu của lũ sếu, diệc và hồng hạc đang bay từ phía sông Nin về phía Cai-rô-un. Bỗng chợt có tiếng chó sủa rất lâu, trầm, tiếng sủa khiến Nen và Xtas kinh ngạc, bởi hình như nó vang ra từ căn lều mà chúng chưa vào thăm, căn lều dùng để chứa yên cương, dụng cụ và các thứ đồ dùng đi đường các loại.
- Con chó này hẳn phải to lắm! Ta đi xem nó đi!
- Xtas nói.
Ông Ta-rơ-cốp-xki bắt đầu cười thành tiếng, còn ông Rô-li-xơn thì cũng vừa cười, vừa gẩy tàn thuốc từ điếu xì gà:
- Thôi được! Chẳng có cách nào giữ kín được! Rồi quay sang phía lũ trẻ:
- Ngày mai, các con biết đấy, là ngày lễ Giáng sinh, con chó này sẽ là món quà bất ngờ mà bác Ta-rơ-cốp-xki dành để tặng Nen, nhưng vì cái điều bất ngờ đã bắt đầu sủa, nên ba buộc phải thông báo ngay từ hôm nay.
Nghe thấy thế, trong chớp mắt Nen trèo lên đầu gối của ông Ta-rơ-cốp-xki và ôm chầm lấy cổ ông, rồi tiếp đó cô bé nhảy sang đầu gối cha:
- Cha ơi, con sung sướng quá! Con sung sướng quá đi mất!
Những cái ôm và cái hôn dường như bất tận. Mãi sau, khi đã đứng xuống đất trên đôi chân của mình, Nen mới bắt đầu nhìn vào mắt ông Ta-rơ-cốp-xki:
- Bác Ta-rơ-cốp-xki...
- Gì cơ, Nen? - Nếu như cháu đã biết rằng có nó ở đó, thì cháu có được phép nhìn nó một chút ngay hôm nay không hở bác?
- Tôi biết mà, - ông Rô-li-xơn giả vờ phẫn nộ kêu lên, - cái con ruồi con này chẳng bao giờ chịu để yên khi nghe tin mới.
Còn ông Ta-rơ-cốp-xki quay lại phía con trai của Kha-đi-gi và bảo:
- Kha-mix, dẫn chó ra đây.
Cậu thanh niên Xu-đan biến vào sau căn lều dùng làm bếp và một lát sau lại xuất hiện, dắt theo một con vật to tướng có đeo vòng cổ.
Nen thốt nhiên lùi lại.
- Ối! - Cô bé kêu lên, túm lấy tay cha. Còn Xtas thì lại hăng hái:
- Đấy là sư tử chứ đâu phải là chó.
- Tên nó là Xa-ba (sư tử). - Ông Ta-rơ-cốp-xki đáp. Nó thuộc giống maxtif, là giống chó to nhất trên thế giới. Con này mới được hai tuổi, nhưng quả là to.Đừng sợ, Nen, nó lành như một chú cừu non thôi mà. Nào, can đảm lên! Thả nó ra, Kha-mix!
Kha-mix buông dây vòng cổ mà anh ta vẫn giữ, con chó thấy được tự do, liền ve vẩy đuôi, sán lại ông Ta-rơ-cốp-xki, người mà trước đó nó đã quen biết và sủa lên vui sướng.
Bọn trẻ kinh ngạc ngắm cái đầu tròn với đôi môi trễ của con chó, ngắm nghía những cái chân đồ sộ, và thân hình với bộ lông màu vàng nhạt thật giống dáng sư tử dưới ánh trăng. Trong đời, quả thực chúng chưa từng gặp một con vật nào tương tự như thế.
- Với một con chó thế này có thể đi xuyên suốt châu Phi một cách an toàn. - Xtas thốt lên.
- Con hãy hỏi thử xem liệu nó có thể mang được tê giác về theo mệnh lệnh hay không? - Ông Ta-rơ-cốp-xki bảo.
Thực ra Xa-ba không thể trả lời câu hỏi đó, song nó vẫy đuôi mỗi lúc một vui vẻ hơn và sán vào những người ngồi đó một cách chân thành đến nỗi Nen hết sợ hãi mà bắt đầu vuốt ve đầu nó.
- Xa-ba, Xa-ba đáng yêu, Xa-ba quý mến!
Ông Rô-li-xơn cúi xuống nâng đầu con chó lên hướng vào mặt cô bé và nói:
- Xa-ba, hãy nhìn cho kĩ cô bé này. Đây là cô chủ của mày. Mày phải vâng lời và phải bảo vệ cô chủ, hiểu chưa?
- Gâu! - Xa-ba liền đáp lại bằng giọng trầm, dường như quả thực nó hiểu được điều người ta nói.
Thậm chí nó còn hiểu rõ hơn là người ta tưởng, vì nhân lúc đầu cao gần ngang với khuôn mặt cô bé, nó dùng cái lưỡi rộng bản của mình liếm cái mũi nho nhỏ và đôi má cô bé để ra điều bày tỏ lòng thành kính của mình.
Mọi người phá lên cười. Nen phải vào lều để rửa mặt. Mười lăm phút sau quay trở ra, cô bé thấy Xa-ba đang đặt chân lên vai Xtas, còn cậu bé thì còng người dưới sức nặng của nó. Con chó cao hơn cậu bé một cái đầu.
Đã tới lúc đi nghỉ, nhưng cô bé xin phép được chơi nửa giờ nữa để làm quen thân hơn với người bạn mới. Sự quen biết lẫn nhau diễn ra rất dễ dàng, đến nỗi chẳng mấy chốc, ông Ta-rơ-cốp-xki đã có thể đặt Nen ngồi bỏ chân một bên trên lưng con chó và đỡ lấy cô bé phòng khi nó ngã, rồi bảo Xtas cầm cổ dề dắt chó đi. Cô bé cưỡi chó như vậy tới mười mấy bước, sau đó cả Xtas cũng thử cưỡi lên lưng con "ngựa" đặc biệt này, nhưng "ngựa" ngồi xệp hai chân sau xuống, khiến chú bé bất ngờ bị tuột xuống mặt cát gần đuôi chó.
Đến lúc bọn trẻ phải đi nghỉ, thì chợt từ phía xa xa, trên bãi chợ sáng ánh trăng, hiện ra hai bóng trắng tiến dần lại phía khu lều.
Xa-ba vốn hiền lành từ nãy đến giờ bỗng bắt đầu gầm gừ một cách dữ tợn, khiến cho Kha-mix, theo lệnh ông Rô-li-xơn, phải tóm cổ dề giữ chặt lấy nó. Trong khi đó hai người đàn ông, mặc áo choàng kín đầu, đã dừng lại trước cửa lều.
- Ai đấy? - Ông Ta-rơ-cốp-xki hỏi.
- Chúng tôi là người quản lạc đà ạ. - Một trong hai người mới đến lên tiếng đáp.
- A, I-đrix và Ghe-bơ-rơ đấy à? Các anh muốn gì?
- Chúng tôi đến để hỏi xem ngày mai chúng tôi có cần thiết cho ngài hay chăng?
- Không. Ngày mai và ngày kia là những ngày lễ lớn, chúng tôi không thể đi tham quan vào những ngày ấy được. Ngày kìa các anh hãy đến vào buổi sáng.
- Xin cảm ơn các ngài.
- Lạc đà của các anh có tốt không? - Ông Rô-li-xơn hỏi.
- Tuyệt vời ạ!(1) - I-đrix đáp - Những con lạc đà có bướu nhiều mỡ và hiền lành như cừu. Nếu không thì Cúc đã không thuê của chúng tôi.
- Chúng có lắc nhiều lắm không?
- Thưa ngài, có thể đặt một nắm đậu lên lưng từng con mà không một hạt nào bị rơi xuống trong khi chúng chạy với tốc độ nhanh nhất.
- Đã nói khoác thì nói khoác kiểu Ả Rập! - Ông Ta-rơ-cốp-xki bật cười nói.
- Hoặc theo kiểu Xu-đan. - Ông Rô-li-xơn thêm.
Trong lúc đó, I-đrix và Ghe-bơ-rơ đứng yên như hai cây cột màu trắng, nhìn chòng chọc vào Xtas và Nen. Mặt trăng soi sáng hai khuôn mặt rất sẫm màu của họ, trong ánh trăng nom họ như được đúc bằng đồng. Dưới vành khăn trắng, tròng trắng của mắt họ ánh lên màu lục nhạt.
- Chào các anh! - Ông Rô-li-xơn chào.
- Cầu đức A-la canh giữ cho các ngài, đêm cũng như ngày.
Nói xong họ cúi chào rồi đi. Tiễn chân họ là tiếng gầm gừ trầm trầm của Xa-ba tựa như tiếng sấm xa xa, rõ ràng là nó không thích hai người đàn ông Xu-đan này chút nào hết.
--- ------ ----
1. Nguyên văn: Bismillach! - Thán từ mà người Ả Rập hay dùng để biểu lộ sự thán phục.
Ông Ta-rơ-cốp-xki cũng như ông Rô-li-xơn, vốn yêu thương cô bé Nen hơn cả cuộc sống của mình, rất vui mừng khi bọn trẻ đến. Đôi trẻ cũng vui sướng được gặp lại cha, nhưng chỉ lát sau đã bắt đầu đi thăm các căn lều bên trong đã được bài trí xong hoàn toàn và sẵn sàng chờ đón các vị khách đáng yêu. Những căn lều ấy thật tuyệt vời, hai lớp vải Fla-nen, một mặt màu xanh, một mặt màu đỏ, bên dưới trải nỉ thô và rộng rãi như những căn phòng lớn. Công ti muốn làm đẹp lòng các quan chức cao cấp của Hiệp hội kênh đào nên đã cố gắng để họ được tiện nghi và thoả mãn. Lúc đầu ông Rô-li-xơn sợ rằng việc sống một thời gian dài trong lều sẽ có hại cho sứ khoẻ của Nen, nhưng ông đồng ý chuyện đó cũng là vì, nếu như thời tiết xấu thì bất kì lúc nào cũng có thể chuyển vào ở trong khách sạn. Song bây giờ đây, sau khi xem xét kĩ lưỡng mọi thứ tại chỗ, ông lại tin rằng, ngày đêm tiếp xúc với không khí trong lành sẽ trăm lần tốt hơn cho sức khoẻ của cô con gái rượu của ông so với chuyện sống trong những căn phòng hôi hám của các khách sạn nhỏ của địa phương. Thêm vào đó, thời tiết rất tuyệt. Mê-đi-nét, tức En Mê-đi-ne, được vây quanh bởi những đồi cát của sa mạc Li-bi, có khí hậu tốt hơn nhiều so với Cai-rô, và chẳng phải tự nhiên người ta lại mệnh danh là "xứ sở hoa hồng". Với vị trí được che chắn tốt, độ ẩm không khí lại cao, nên tại đây ban đêm không quá lạnh như ở những miền khác của Ai Cập, kể cả những miền nằm xa hơn nữa về phía Nam. Mùa đông ở đây thật là dễ chịu, và từ tháng mười một trở đi lại chính là mùa cây cối phát triển nhanh nhất. Những cây chà là, ô liu, vốn rất ít gặp ở Ai Cập, những cây vả, cây cam, quýt, những cây thầu dầu khổng lồ, những cây lựu và biết bao nhiêu thứ thực vật phương Nam khác tạo nên một rừng cây lớn trùm lên cái ốc đảo tuyệt diệu này. Những khu vườn như được bao trùm trong một làn sóng khổng lồ của những cây xiêm gai, tử đinh hương và hồng, đến nỗi về đêm, mỗi làn gió đều mang về hương thơm dễ chịu của những loài hoa ấy. Ở đây, người ta căng ngực thở, và nói như các cư dân địa phương thì "chẳng ai muốn chết".
Khí hậu tương tự như vậy chỉ có ở một địa điểm khác là Hê-lu-an, nằm phía bên kia sông Nin, nhưng tại đó cây cối cũng không tươi tốt bằng ở đây.
Tuy nhiên, với ông Rô-li-xơn, Hê-lu-an gắn liền với một kỉ niệm đau đớn, vì mẹ của Nen qua đời ở đó. Vì lí do đó, ông chọn Mê-đi-nét, và giờ đây, khi ngắm nhìn nét mặt tưng bừng rạng rỡ của cô bé, ông tự nhủ thầm trong lòng rằng, trong thời gian tới, ông sẽ mua ở đây một mảnh đất có cả vườn tược, sẽ dựng lên trên đó một ngôi nhà đầy tiện nghi theo kiểu Anh, và sẽ về đây, về miền đất lành này, để nghỉ ngơi trong tất cả những kì nghỉ phép mà ông có thể có được, và rồi sau khi đã kết thúc công vụ ở kênh đào, thậm chí ông sẽ về ở hẳn tại đây.
Dù sao, đó cũng mới chỉ là kế hoạch cho một tương lai xa và chưa hoàn toàn chắc chắn. Trong khi đó, từ lúc đặt chân tới đây, lũ trẻ lùng sục mọi chỗ như hai chú ruồi, vì chúng muốn ngắm nghía tất cả các căn lều cùng lũ lừa và lạc đà mà công ti Cúc đã thuê tại chỗ, ngay trước bữa cơm. Song hoá ra rằng lũ súc vật hiện đang ở trên bãi chăn cách xa đấy, nên mãi ngày mai mới có thể thấy chúng được. Ngược lại, bên cạnh căn lều của ông Rô-li-xơn, Nen và Xtas rất vui mừng được gặp lại Kha-mix, con trai Kha-đi-gi, một người quen tốt bụng của chúng từ Port Xai-đơ. Anh ta không thuộc đám gia nhân do công ti Cúc thuê, thậm chí ông Rô-li-xơn còn ngạc nhiên khi gặp anh ta ở En Mê-đi-ne, song vì trước đây ông vẫn sử dụng anh ta làm người mang dụng cụ, nên giờ đây ông cũng dùng anh ta làm kẻ sai vặt.
Bữa cơm chiều thật thịnh soạn, vì ông lão Cốp-tơ, người đã nhiều năm liền đảm nhiệm chức đầu bếp trong công ti Cúc, muốn biểu diễn tài nghệ của mình. Bọn trẻ kể lại chuyện người mới quen trong khi đi đường là hai viên sĩ quan, điều này khiến ông Rô-li-xơn rất quan tâm, vì anh ruột của ông là Ri-sác, có vợ là chị của bác sĩ Cle-ry, quả thực đã sinh sống nhiều năm tại Ấn Độ. Đôi vợ chồng ấy không có con, nên ông bác nọ rất yêu quý cô cháu gái bé nhỏ mà ông ta chỉ được biết chủ yếu qua các bức ảnh, và trong tất cả mọi bức thư ông đều thăm hỏi kĩ lưỡng về cô bé. Cả hai ông bố cũng rất buồn cười về lời mời đi Mom-ba-xa mà Xtas nhận được từ đại uý Glen. Cậu bé coi đó là lời mời nghiêm túc và cương quyết tự hứa với mình rằng, khi nào đó, cậu sẽ tới thăm người bạn mới quen ở bên kia đường xích đạo. Mãi sau, ông Ta-rơ-cốp-xki phải giải thích cho em biết rằng các quan chức người Anh không bao giờ làm việc lâu tại một chỗ, vì khí hậu châu Phi rất độc, và trước khi Xtas kịp lớn lên thì hẳn là đại uý đã thay đổi nhiệm sở tới mười lần rồi, hoặc đã không còn trên cõi đời này nữa cũng nên.
Sau bữa ăn, cả nhà bước ra trước lều, nơi gia nhân đã bầy sẵn cái ghế vải gấp, đồng thời chuẩn bị riêng cho người lớn những bình xi-phông chứa nước khoáng và rượu brandy.
Đêm đã buông xuống, nhưng là đêm rất ấm áp, và vì đúng tiết rằm, nên trời sáng như ban ngày. Những bức tường trắng của các toà nhà trong thành phố đối diện với khu lều sáng lên mầu xanh mờ mờ, những vì sao long lanh trên bầu trời, trong không khí lan toả mùi hương hoa hồng, mùi cây xiêm gai và mùi hoa vòi voi.
Thành phố đã say ngủ. Trong sự tĩnh mịch của đêm thảng hoặc mới có vài tiếng kêu của lũ sếu, diệc và hồng hạc đang bay từ phía sông Nin về phía Cai-rô-un. Bỗng chợt có tiếng chó sủa rất lâu, trầm, tiếng sủa khiến Nen và Xtas kinh ngạc, bởi hình như nó vang ra từ căn lều mà chúng chưa vào thăm, căn lều dùng để chứa yên cương, dụng cụ và các thứ đồ dùng đi đường các loại.
- Con chó này hẳn phải to lắm! Ta đi xem nó đi!
- Xtas nói.
Ông Ta-rơ-cốp-xki bắt đầu cười thành tiếng, còn ông Rô-li-xơn thì cũng vừa cười, vừa gẩy tàn thuốc từ điếu xì gà:
- Thôi được! Chẳng có cách nào giữ kín được! Rồi quay sang phía lũ trẻ:
- Ngày mai, các con biết đấy, là ngày lễ Giáng sinh, con chó này sẽ là món quà bất ngờ mà bác Ta-rơ-cốp-xki dành để tặng Nen, nhưng vì cái điều bất ngờ đã bắt đầu sủa, nên ba buộc phải thông báo ngay từ hôm nay.
Nghe thấy thế, trong chớp mắt Nen trèo lên đầu gối của ông Ta-rơ-cốp-xki và ôm chầm lấy cổ ông, rồi tiếp đó cô bé nhảy sang đầu gối cha:
- Cha ơi, con sung sướng quá! Con sung sướng quá đi mất!
Những cái ôm và cái hôn dường như bất tận. Mãi sau, khi đã đứng xuống đất trên đôi chân của mình, Nen mới bắt đầu nhìn vào mắt ông Ta-rơ-cốp-xki:
- Bác Ta-rơ-cốp-xki...
- Gì cơ, Nen? - Nếu như cháu đã biết rằng có nó ở đó, thì cháu có được phép nhìn nó một chút ngay hôm nay không hở bác?
- Tôi biết mà, - ông Rô-li-xơn giả vờ phẫn nộ kêu lên, - cái con ruồi con này chẳng bao giờ chịu để yên khi nghe tin mới.
Còn ông Ta-rơ-cốp-xki quay lại phía con trai của Kha-đi-gi và bảo:
- Kha-mix, dẫn chó ra đây.
Cậu thanh niên Xu-đan biến vào sau căn lều dùng làm bếp và một lát sau lại xuất hiện, dắt theo một con vật to tướng có đeo vòng cổ.
Nen thốt nhiên lùi lại.
- Ối! - Cô bé kêu lên, túm lấy tay cha. Còn Xtas thì lại hăng hái:
- Đấy là sư tử chứ đâu phải là chó.
- Tên nó là Xa-ba (sư tử). - Ông Ta-rơ-cốp-xki đáp. Nó thuộc giống maxtif, là giống chó to nhất trên thế giới. Con này mới được hai tuổi, nhưng quả là to.Đừng sợ, Nen, nó lành như một chú cừu non thôi mà. Nào, can đảm lên! Thả nó ra, Kha-mix!
Kha-mix buông dây vòng cổ mà anh ta vẫn giữ, con chó thấy được tự do, liền ve vẩy đuôi, sán lại ông Ta-rơ-cốp-xki, người mà trước đó nó đã quen biết và sủa lên vui sướng.
Bọn trẻ kinh ngạc ngắm cái đầu tròn với đôi môi trễ của con chó, ngắm nghía những cái chân đồ sộ, và thân hình với bộ lông màu vàng nhạt thật giống dáng sư tử dưới ánh trăng. Trong đời, quả thực chúng chưa từng gặp một con vật nào tương tự như thế.
- Với một con chó thế này có thể đi xuyên suốt châu Phi một cách an toàn. - Xtas thốt lên.
- Con hãy hỏi thử xem liệu nó có thể mang được tê giác về theo mệnh lệnh hay không? - Ông Ta-rơ-cốp-xki bảo.
Thực ra Xa-ba không thể trả lời câu hỏi đó, song nó vẫy đuôi mỗi lúc một vui vẻ hơn và sán vào những người ngồi đó một cách chân thành đến nỗi Nen hết sợ hãi mà bắt đầu vuốt ve đầu nó.
- Xa-ba, Xa-ba đáng yêu, Xa-ba quý mến!
Ông Rô-li-xơn cúi xuống nâng đầu con chó lên hướng vào mặt cô bé và nói:
- Xa-ba, hãy nhìn cho kĩ cô bé này. Đây là cô chủ của mày. Mày phải vâng lời và phải bảo vệ cô chủ, hiểu chưa?
- Gâu! - Xa-ba liền đáp lại bằng giọng trầm, dường như quả thực nó hiểu được điều người ta nói.
Thậm chí nó còn hiểu rõ hơn là người ta tưởng, vì nhân lúc đầu cao gần ngang với khuôn mặt cô bé, nó dùng cái lưỡi rộng bản của mình liếm cái mũi nho nhỏ và đôi má cô bé để ra điều bày tỏ lòng thành kính của mình.
Mọi người phá lên cười. Nen phải vào lều để rửa mặt. Mười lăm phút sau quay trở ra, cô bé thấy Xa-ba đang đặt chân lên vai Xtas, còn cậu bé thì còng người dưới sức nặng của nó. Con chó cao hơn cậu bé một cái đầu.
Đã tới lúc đi nghỉ, nhưng cô bé xin phép được chơi nửa giờ nữa để làm quen thân hơn với người bạn mới. Sự quen biết lẫn nhau diễn ra rất dễ dàng, đến nỗi chẳng mấy chốc, ông Ta-rơ-cốp-xki đã có thể đặt Nen ngồi bỏ chân một bên trên lưng con chó và đỡ lấy cô bé phòng khi nó ngã, rồi bảo Xtas cầm cổ dề dắt chó đi. Cô bé cưỡi chó như vậy tới mười mấy bước, sau đó cả Xtas cũng thử cưỡi lên lưng con "ngựa" đặc biệt này, nhưng "ngựa" ngồi xệp hai chân sau xuống, khiến chú bé bất ngờ bị tuột xuống mặt cát gần đuôi chó.
Đến lúc bọn trẻ phải đi nghỉ, thì chợt từ phía xa xa, trên bãi chợ sáng ánh trăng, hiện ra hai bóng trắng tiến dần lại phía khu lều.
Xa-ba vốn hiền lành từ nãy đến giờ bỗng bắt đầu gầm gừ một cách dữ tợn, khiến cho Kha-mix, theo lệnh ông Rô-li-xơn, phải tóm cổ dề giữ chặt lấy nó. Trong khi đó hai người đàn ông, mặc áo choàng kín đầu, đã dừng lại trước cửa lều.
- Ai đấy? - Ông Ta-rơ-cốp-xki hỏi.
- Chúng tôi là người quản lạc đà ạ. - Một trong hai người mới đến lên tiếng đáp.
- A, I-đrix và Ghe-bơ-rơ đấy à? Các anh muốn gì?
- Chúng tôi đến để hỏi xem ngày mai chúng tôi có cần thiết cho ngài hay chăng?
- Không. Ngày mai và ngày kia là những ngày lễ lớn, chúng tôi không thể đi tham quan vào những ngày ấy được. Ngày kìa các anh hãy đến vào buổi sáng.
- Xin cảm ơn các ngài.
- Lạc đà của các anh có tốt không? - Ông Rô-li-xơn hỏi.
- Tuyệt vời ạ!(1) - I-đrix đáp - Những con lạc đà có bướu nhiều mỡ và hiền lành như cừu. Nếu không thì Cúc đã không thuê của chúng tôi.
- Chúng có lắc nhiều lắm không?
- Thưa ngài, có thể đặt một nắm đậu lên lưng từng con mà không một hạt nào bị rơi xuống trong khi chúng chạy với tốc độ nhanh nhất.
- Đã nói khoác thì nói khoác kiểu Ả Rập! - Ông Ta-rơ-cốp-xki bật cười nói.
- Hoặc theo kiểu Xu-đan. - Ông Rô-li-xơn thêm.
Trong lúc đó, I-đrix và Ghe-bơ-rơ đứng yên như hai cây cột màu trắng, nhìn chòng chọc vào Xtas và Nen. Mặt trăng soi sáng hai khuôn mặt rất sẫm màu của họ, trong ánh trăng nom họ như được đúc bằng đồng. Dưới vành khăn trắng, tròng trắng của mắt họ ánh lên màu lục nhạt.
- Chào các anh! - Ông Rô-li-xơn chào.
- Cầu đức A-la canh giữ cho các ngài, đêm cũng như ngày.
Nói xong họ cúi chào rồi đi. Tiễn chân họ là tiếng gầm gừ trầm trầm của Xa-ba tựa như tiếng sấm xa xa, rõ ràng là nó không thích hai người đàn ông Xu-đan này chút nào hết.
--- ------ ----
1. Nguyên văn: Bismillach! - Thán từ mà người Ả Rập hay dùng để biểu lộ sự thán phục.
Danh sách chương