Khi hệ thống phà bắt đầu hoạt động và thời gian để đi từ Oakland đến San Francisco chỉ mất bằng nửa lúc trước thì số tiền khổng lồ mà Ánh Sáng Ban Ngày phải chi ra bắt đầu quyển hướng. Thật ra số tiền ấy cũng chẳng phải thật sự quay trở lại túi anh, bởi vì ngay khi cầm được tiền là anh liền đem đầu tư nó vào những công việc khác. Anh cũng đã bán được những lô đất tại nơi anh ở, và hàng ngàn căn hộ đang được xây dựng. Anh cũng đã bán cả những mặt bằng làm xí nghiệp và những cơ sở thương mại nằm ở trung tâm thành phố Oakland nữa. Tất cả những điều này có nghĩa là giá trị tài sản của anh đang tăng dần. Nhưng cũng như trước kia, anh đang gặp may và cố khai thác cho hết dịp may đó. Anh vay thêm tiền ở ngân hàng. Số tiền lãi khổng lồ anh thu được nhờ bán đất lại được chuyển thành đất hoặc được dùng để phát triển những của khác. Thay vì lo thanh toán những khoản nợ cũ, anh lại vay thêm. Cũng như trước kia anh đã từng đứng đầu thị trấn Dawson, bây giờ anh đứng đầu ở Oakland. Nhưng thay vì chỉ là một cơn sốt vàng chóng qua như trước kia, bây giờ anh hiểu là việc anh làm có khả năng bền vững.

Những kẻ khác cũng theo gương anh với quy mô nhỏ hơn. Họ cũng tham gia mua bán đất và giàu lên nhờ vào những phát triển chung mà anh đem lại cho thành phố. Tuy nhiên, chuyện ăn theo này cũng không đáng ngạc nhiên và những món tiền lời nhỏ mọn mà nhờ anh họ thu được đó không làm anh thấy khó chịu. Tuy nhiên cũng có một trường hợp ngoại lệ, đó là trường hợp của một người tên Simon Dolliver. Hắn nhờ có tiền, và nhờ ở sự khôn ngoan táo bạo, nên đã lợi dụng công sức của Ánh Sáng Ban Ngày để phất lên đến mức bây giờ hắn đã nắm được cả triệu bạc trong tay cũng như Ánh Sáng Ban Ngày, hắn cũng trở thành một tay cứng đầu ở Oakland, nhờ cách đầu tư nhanh chóng, chính xác, và để vốn quay vòng liên tục. Có nhiều lần Ánh Sáng Ban Ngày cảm thấy hắn làm vướng chân anh, cũng như trước kia anh làm vướng chân bọn Guggenhammer khi chúng mới để mắt đến Lạch Ophir vậy.

Việc xây dựng hệ thống cảng của Ánh Sáng Ban Ngày vẫn được tích cực tiến hành, nhưng nó thuộc vào loại những công việc tốn tiền kinh khủng và không thể hoàn thành chóng vánh như hệ thống phà được. Có nhiều khó khăn lớn về kỹ thuật. Việc nạo vét và dẫn nước chẳng dễ dàng gì. Chỉ việc đóng cọc thôi cũng đủ tốn tiền rồi. Vào thời điểm đó một cây cọc tốt khổ trung bán tại chỗ cũng đã hai mươi đô-la vàng một cây, mà phải cần đến cả ngàn cây như vậy. Tất cả những rừng cây bạch đàn đã trưởng thành mà tiện đường vận chuyển đều bị đốn sạch. Có cả nhiều bè lớn chở những thân cây thông từ Puget Sound về chỗ xây cảng nữa.

Không thoả mãn với việc sản xuất điện để dùng cho hệ thống đường xe điện theo kiểu lạc hậu bằng cách dựng các trạm sản xuất điện nhỏ. Ánh Sáng Ban Ngày tổ chức hẳn một công ty lớn lấy tên Công ty Điện lực Sierra và Salvador. Đây là một công việc to lớn, bởi vì sốt một dải từ vùng núi qua thung thũng San Joaquin đến tận vùng đồi Contra Costa đều có nhiều thị trấn và cả thành phố lớn cần điện để thắp sáng và sử dụng vào những việc khác. Ánh Sáng Ban Ngày dự tính biến công ty của mình thành công ty chiếu sáng vỉa hè và nhà cửa.

Ngay sau khi vừa mua được mặt bằng ở vùng Sierra, để xây dựng cơ sở, anh liền cử những đội khảo sát bắt tay ngay vào việc thiết kế. Công việc cứ thế tiến hành. Tiền trong túi anh chảy ra liên tục như suối và bị nuốt chửng cả.

Nhưng cú làm ăn này quá thuận lợi và hợp pháp đến độ Ánh Sáng Ban Ngày, kẻ sinh ra là để đánh bạc, lại được phú cho tầm nhìn sâu rộng tỉnh táo, cảm thấy không thể ngừng lại ở mức chơi từ tốn để chắc ăn được. Cơ hội duy nhất là chơi lớn. Ngay cả người cố vấn duy nhất đáng tin cậy của anh là Larry Hegan cũng không muốn kềm anh lại. Thật ra cái anh chàng hay mơ mộng và dùng hasit này còn đề nghị nhiều ý kiến táo tợn đến độ chính Ánh Sáng Ban Ngày phải gạt đi. Ánh Sáng Ban Ngày không những chỉ vay những món tiền lớn của ngân hàng và các công ty tín dụng mà còn bán đi cổ phần trong nhiều công ty của mình. Tuy nhiên chuyện bán đi bớt cổ phần chỉ là vạn bất đắc dĩ, và anh không làm thế đối với những công ty quan trọng của mình. Trong số những công ty mà anh buộc lòng phải để người khác mua lại một số cổ phần là Công ty Bên cảng Kim Môn, Công ty Công viên Văn Hoá, Công ty Cấp nước Thống Nhất. Công ty đóng tàu Encinal và Công ty Điện lực Sierra và Salvador. Tuy vậy, anh và Hegan vẫn giữ một số cổ phần khống chế trong những công ty đó. Chuyện riêng của anh với Dede vẫn còn lơ lửng. Một mặt anh trì hoãn việc xem xét cái vấn đề kỳ cục nảy sinh trong quan hệ với nàng, mặt khác tình yêu anh dành cho nàng ngày càng mãnh liệt. Ví von theo cách cờ bạc của mình, anh cho là Thần May Rủi đã chia cho anh một lá đáng ý nhất trong cả bộ bài, thế mà đã từ bao năm nay không ngó ngàng gì đến nó cả. Đó là quân bài tình yêu, và quân bài này đã thắng tất cả những quận bài khác. Tình yêu là lá bài lớn nhất trong một ván bài xì. Nó là lá bài cao hơn mọi lá bài khác, nên khi canh bạc bắt đầu anh sẽ chơi lá bài đó cho đến cùng. Trong khi canh bạc mới này chưa bắt đầu thì giờ đây anh phải cố chơi cho dứt điểm canh bạc còn đang dang dở.

Tuy nhiên anh vẫn không xoá khỏi đầu óc và trí tưởng tượng của mình cái hình ảnh ấm áp của đôi dép màu đồng đỏ, chiếc áo dài ôm gọn thân hình thướt tha đó cũng như tất cả cái vẻ đàn bà dịu dàng mềm mại của Dede khi ở trong căn phòng riêng xinh xắn tại Berkeley. Một lần nữa, vào một ngày chủ nhật mưa gió, anh báo qua điện thoại cho nàng biết là anh sẽ đến. Và, hệt như đã xảy ra từ khi người đàn ông lần đầu tiên nhìn người đàn bà và cảm thấy ham muốn, Ánh Sáng Ban Ngày muốn van xin tình yêu của Dede theo cái cách chẳng mấy gì là vinh dự ấy. Trái lại, anh có thể làm bất cứ chuyện gì một cách tuyệt vời. Chẳng qua anh chỉ muốn dùng cái cách lạ kỳ đó là cốt để cho Dede không thể dễ dàng từ chối lời khẩn cầu của anh như đối với lời van xin của một gã tình nhân hay quỵ luỵ. Hậu quả hành động của anh dĩ nhiên chẳng thú vị gì, bởi Dede, đau khổ vì bản thân cũng ham muốn nhưng lại cảm thấy tuyệt vọng vì hiểu rằng đó là một sự yếu đuối đáng ghét, đã phải thốt lên:

- Anh cứ bắt em phải lao vào trò may rủi, cứ lấy anh rồi để mặc cho số mệnh tự sắp xếp mọi chuyện. Anh cứ bảo đời là một canh bạc. Được lắm, vậy thì chúng ta hãy cứ đánh bạc một phen. Anh thử lấy một đồng xu ra và quẳng nó lên trời. Nếu ngửa, em sẽ lấy anh; nếu xấp anh phải mãi mãi để em yên và đừng bao giờ nói chuyện cưới xin với em nữa.

Đôi mắt của Ánh Sáng Ban Ngày loé lên một ánh lửa lẫn lộn giữa yêu đương và đam mê trò đen đỏ. Tự nhiên anh đưa tay thọc vào túi toan lấy đồng xu. Nhưng anh đã ngừng tay lại, ánh lửa trong mắt anh như mờ hẳn.

- Lấy đồng xu ra đi nào, - Dede gắt như ra lệnh - Đừng trù trừ kẻo em mà đổi ý thì anh sẽ mất một dịp may đấy.

- Cô bé ơi! - Ánh Sáng Ban Ngày ví von, vẻ giễu cợt nhưng ý rõ ràng không có gì là giễu cợt cả. Suy nghĩ lẫn lời nói của anh đều đượm vẻ nghiêm trang. - Cô bé ạ, anh sẽ đánh bạc từ thuở Tạo Thiên Lập Địa cho đến Ngày phán xét. Anh sẵn sàng đánh bạc một chiếc đàn hạc bằng vàng để thắng được vòng hào quang trên đầu kẻ khác. Anh sẽ lập sòng bạc ăn tiền ngay ngoài cửa tân Jerusalem[28] hoặc gây bàn bài faro ngay ngoài Cổng Ngọc[29]. Nhưng anh sẽ mãi mãi bị nguyền rủa nếu toan tính đánh bạc trong chuyện tình cảm. Tình yêu vốn là một cái gì quá to tát nên anh không thể nào phó mặc cho may rủi dược. Tình yêu phải là một thứ chắc chắn và anh muốn tình yêu giữa anh và em cũng sẽ chắc chắn. Dẫu cho anh có chắc thắng một trăm phần đi nữa thì cũng vậy thôi. Không bao giờ anh lại muốn đánh bạc trong tình cảm cả.

Vào mùa xuân năm đó đã xảy ra Cuộc Tổng khủng hoảng. Người ta nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của nó khi các ngân hàng bắt đầu đòi lại những món nợ không có bảo chứng. Khi giấy đòi nợ được gửi đến Ánh Sáng Ban Ngày, anh liền trả trước một số, song anh cũng đoán rằng sự việc đó ngầm chỉ gió đã đổi chiều, rằng một trong những cơn bão tài chính khủng khiếp mà anh đã từng nghe kể sắp thổi qua Hiệp Chủng Quốc. Anh không dự đoán được trận bão này sẽ kinh khủng hoảng như thế làm cho giá trị mọi vật teo lại, đó lại là dịp để anh vớ bở. Còn bây giờ anh đành giương mắt ra mà ngó những tay làm ăn theo kiểm bài bạc khác, những kẻ trước kia đã làm giàu và gây ra cơn khủng hoảng này, giờ đây đang ngoi ra một cách an toàn để chuẩn bị ôm trọn một vụ bội thu chắc chắn. Ánh Sáng Ban Ngày chỉ còn cách là cố đứng vững cho qua cơn hoạn nạn này. Anh hiểu rất rõ tình hình. Anh biết rằng một khi các ngân hàng đòi anh trả nợ là họ đang rất kẹt về tiền mặt. Nhưng anh cần tiền mặt còn nhiều hơn họ nữa. Anh cũng biết rằng các ngân hàng chẳng thiết gì cái số giấy tờ chứng khoán mà họ đang giữ của anh để làm bằng, bởi vì cái số giấy tờ đó bây giờ chẳng có lợi gì cho họ cả. Trong lúc giá trị đang tụt xuống ào ào như vậy thì đem bán đi bất cứ món gì cũng đều không phải lúc. Đương nhiên số giấy tờ chứng khoán đó của anh rất có giá trị, nhưng trong lúc mọi người như phát rồ lên vào thiếu tiền mặt thì chúng cũng trở thành vô giá trị. Khi thấy Ánh Sáng Ban Ngày không chịu trừ nợ, các ngân hàng bèn buộc anh phải giao cho họ giữ nhiều giấy tờ chứng khoán hơn nữa. Tiền mặt càng khan hiếm thì họ càng đòi anh phải giao thêm, thường là nhiều gấp hai, ba lần số giấy tờ chứng khoán mà lúc đầu hai bên đã thoả thuận. Đôi lúc anh đành chiều theo lời đòi hỏi của các ngân hàng, nhưng thường thì không, và giữa anh với họ lúc nào cũng phải đấu tranh với nhau hết sức gay gắt.

Nỗ lực đứng vững qua cơn bão táp này cũng tựa như đem đất sét mà vá một bức tường sắp sụp đổ và anh chạy cách nào cũng có nguy cơ sụp đổ, và anh chỉ còn cách chạy tới chạy lui dùng đất sét ở đây chính là tiền mặt được dùng ở chỗ này một ít chỗ kia một ít khi cần thiết, song phải thật là cần thiết. Anh còn đương cự được với tình thế nhờ ở Công Ty Phà Yerba Buena, Công ty Xe điện và Công Ty Cấp nước Thống Nhất của mình, bởi vì mặc dù người ta thôi không mua đất của anh để cất xí nghiệp hoặc cơ sở thương mại nữa, họ vẫn buộc phải dùng đến xe điện cũng như các chiếc phà và nước do anh em cung cấp. Trong khi cả thế giới tài chính đang thét gào lên đến chết vì thiếu tiền thì vào ngày đầu mỗi tháng dịch vụ cấp nước đổ vào các két sắt của anh hàng ngàn đô-la, và mỗi ngày tuyến xe điện và phà đem lại cho anh cả chục ngàn đô là loại tiền một hào và tiền năm xu. Bây giờ điều cần nhất là nắm được tiền mặt. Giá như anh có thể sử dụng cho riêng mình toàn bộ dòng suối tiền liên tục đó thì anh chẳng có gì phải lo cả. Thế nhưng cố gắng lắm anh cũng chỉ giữ lại được có một phần. Dĩ nhiên anh đành phải ngưng phát triển cơ sở, và chỉ chịu chi tiền cho những sự tu bổ tối cần thiết mà thôi. Gay nhất vẫn là những phí tổn trong việc điều hành. Đó là một cuộc vật lộn tưởng như vô tận. Anh liên tục tìm cách tiết kiệm và mua chịu. Đối với những người cung cấp hàng sỉ, đôi với việc trả lương cho nhân viên cũng như việc mua văn phòng phẩm và tem, anh luôn luôn hạn chế chỉ tiêu đến mức thấp nhất.

Khi những trưởng phòng và cai thợ đã cắt giảm lương thợ đến mức kinh khủng rồi, anh vẫn cứ vỗ vai họ và đòi họ phải cắt giảm hơn nữa. Khi họ buông thõng tay tỏ vẻ tuyệt vọng, anh liền chỉ cho họ thấy làm thế nào để tiết kiệm được tiền nhiều hơn nữa.

- Anh đang thu nhập tám ngàn đô-la một năm, - anh nói với Matthewson - Đó là mức thu nhập cao hơn bất kỳ mức thu nhập nào của anh trước kia. Lợi ích của anh cũng chung với lợi ích của tôi, vậy thì anh cũng phải gắng chịu đựng con bão táp gay go nguy hiểm này một tí. Ở thành phố này anh có thể mua chịu được mà. Vậy thì hãy cứ mua chịu đi. hãy tạm tránh xa các hàng thịt, hàng bánh và những hàng khác nữa. Hiểu chưa nào? - Hiện nay anh đang lĩnh lương mỗi tháng sáu trăm sáu mươi đô-la. Tôi cần số tiền đó. Kể từ nay hãy hạn chế chi tiêu trong tất cả mọi thứ, và mỗi tháng tự lĩnh tạm một trăm đô-la thôi. Tôi sẽ trả lãi cho phần tiền lương còn lại mà tôi nhận vay của anh đến khi nào cơn ngặt nghèo này qua khỏi thì thôi.

Hai tuần sau, với bảng lương để trước mặt. Ánh Sáng Ban Ngày nói:

- Matthewson này, cái cậu kế toán tên Rogers này là ai vậy? Cháu anh phải không? Tôi nghĩ vậy thôi. Cậu ấy đang lĩnh tám mươi lăm đô-la một tháng. Sau kỳ lương này, cho cậu ấy lĩnh ba mươi lắm đô-la thôi nhé. Tôi vay tạm số năm mươi đô-la còn lại và sẽ tính lãi sau.

- Không được đâu! - Matthewson thốt lên - Với số lượng lương tám mươi lăm đô-la một tháng hắn cũng chật vật lắm rồi. Hắn còn phải nuôi vợ và hai đứa nhỏ nữa!

Ánh Sáng Ban Ngày mắng như tát nước vào mặt Matthewson:

- Không được là thế nào? Thế anh nghĩ tôi đang điều hành một cơ sở gì đấy? Một cơ sở nuôi toàn những thằng dở hơi không tự săn sóc được, nên suốt ngày tôi phải lo bón cơm, mặc quần áo và chùi mũi cho chúng chắc? Đâu có phải như vậy. Tôi đang phải làm việc bở cả hơi tai ra đây này, và lúc này tôi muốn mọi người làm việc chung với tôi cũng phải như vậy. Tôi không muốn nhân viên của mình toàn là những con chim chỉ bay được trong thời tiết thuận hoà. Thời tiết lúc này xấu, rất xấu, nên tôi muốn họ và tôi cùng lao vào đỡ cho nhau. Ngay lúc này đây ở Oakland đã có đến mười ngàn người thất nghiệp rồi, ở San Francisco thì con số thất nghiệp lên đến hơn sáu mươi ngàn. Người cháu của anh, hay bất kỳ ai khác hiện đang làm ăn lương ở đây đều phải làm theo lệnh tôi, còn không thì cứ việc nghỉ. Anh hiểu chứ? Nếu họ không mua chịu thực phẩm được anh thì anh hãy đích thân bảo lãnh cho họ với mấy tay chủ hàng rồi cắt giảm lương họ cho tôi. Từ trước đến nay tôi đã cáng đáng cho mấy ngàn người được, vậy lúc này họ phải rán tự cáng đáng lấy một thời gian, thế thôi.

Anh cũng nói với tay kỹ sư trưởng công ty cấp:

- Anh nói phải thay cái lọc nước này chứ gì? Được chúng ta sẽ thay thôi. Nhưng bây giờ cứ tạm cho mọi người ở Oakland uống bùn một thời gian gọi là để thay đổi khẩu vị. Như vậy họ sẽ biết có nước tốt để uống là quý giá như thế nào. Cứ cho nhà máy tạm ngưng hoạt động ngay lập tức và cho công nhân nghỉ việc. Hãy bỏ tất cả các đơn đặt mua nguyên vật liệu đi. Anh sợ bọn họ kiện vì mình đã ký hợp đồng rồi mà ngưng ngang à. Cứ để mặc cho họ kiện. Trước khi họ nhận được phán quyết của toà án thì mình đã hoặc phá sản hoặc đã tai qua nạn khỏi rồi, lo gì.

Với Willson, anh ra lệnh:

- Cắt bớt chuyến phà khuya đi. Cứ mặc cho thiên hạ la ó, nhưng họ sẽ được về với vợ sớm hơn. Cả chuyến xe điện cuối rước khách của chuyến phà lúc 12 giờ 45 ở khu Hai Mươi Hai và Hastings nữa cũng cắt bớt đi. Chỉ có hai hoặc ba hành khách thì đón làm gì. Nói với họ rán đón phà về sớm hơn, còn không thì cứ việc cuốc bộ. Lúc này không thương xót họ được. Cả các chuyến xe chạy vào giờ cao điểm cũng phải rút bớt đi. Cứ để hành khách trả tiền cho xe rồi cho họ đứng cũng được. Họ sẽ giúp ta tiết kiệm thêm một số tiền để sống qua cơn bĩ cực này.

Với một tay trưởng phòng khác không chịu đựng nổi mức tiết kiệm căng thẳng này. Ánh Sáng Ban Ngày nói:

- Anh nói là tôi không làm thế này thế khác được, phải không? Tôi sẽ chỉ cho anh xem vài trường hợp người ta vừa đối xử với những kẻ lúc nào cũng bảo không làm thế này thế nọ được. Anh muốn nói anh buộc lòng phải từ chức hả? Nếu anh nghĩ như vậy, cũng được thôi. Từ trước tới nay tôi chưa thấy có ai tôi cần mà tôi không kiếm được cả. Còn đối với những ai nghĩ rằng tôi sẽ gặp khó khăn nếu không có họ thì tôi sẵn sàng chỉ cho họ biết người ta sẽ đối xử với họ như thế nào bằng cách cho họ tự đi tìm việc ở nơi khác.

Cứ thế anh thúc đẩy mọi người, đấu tranh với họ, doạ dẫm họ, có khi lại nói ngọt với họ để mọi việc chạy đều. Sự phấn đấu từ lúc mờ sáng đến tối mịt không lúc nào ngưng nghỉ. Mỗi ngày, tại phòng làm việc riêng của mình, anh phải tiếp rất nhiều người. Tất cả mọi người đều đến hoặc được gọi đến để trao đổi với anh, lúc thì một ý kiến lạc quan về cuộc khủng hoảng, lúc thì một ý kiến lạc quan về cuộc khủng hoảng, lúc thì một câu chuyện vui nhộn, lúc lại để nói chuyện làm ăn một cách nghiêm chỉnh hoặc để giải quyết thanh toán thẳng thừng với nhau. Không ai có đủ sức để đỡ đần cho anh cả. Suốt ngày anh cứ phải đôn đốc mọi người để công việc chạy đều, mà anh phải làm việc đó một mình. Anh cứ phải làm như thế hết ngày này qua ngày khác, trong khi xung quanh ảnh thế giới kinh doanh cứ tiếp tục chao đảo và các cơ sở làm ăn cứ thi nhau vỡ nợ.

- Tình hình vẫn khả quan, ông bạn ạ! - Sáng nào anh cũng nói với Hegan như vậy. Suốt ngày anh cứ lập đi lập lại những lời phấn khởi ấy, chỉ trừ những lúc anh phải bù đầu đấu tranh để mọi người và mọi việc theo ý mình.

Mỗi sáng, lúc tám giờ là anh đã ngồi vào bàn làm việc rồi. Đến mười giờ anh đánh xe ô tô đi một vòng các ngân hàng, và trong xe lúc nào cũng có sẵn hơn mười ngàn đô-la do hệ thống phà và xe điện đem lại cho anh ngày hôm trước. Số tiền này được dùng vào những chỗ yếu của con đê tài chính.

Cảnh gặp gỡ giữa anh và tay chủ ngân hàng nào cũng tương tự như nhau. Tất cả bọn họ đều hoảng sợ đến mức không còn biết làm gì và việc đầu tiên là anh phải tỏ ra hết sức lạc quan. Anh sẽ bảo với họ là tình hình đang chuyển biến tốt. Dĩ nhiên là như thế, vì cứ ngửi mùi không khí cũng đủ thấy được điều đó. Việc cần làm lúc này là rán gắng gượng chịu đựng thêm một chút xíu nữa thôi thì mọi chuyện lại đâu sẽ vào đấy cả. Anh cũng nói thêm là ở miền Đông giờ đây tiền bạc đã có vẻ rủng rỉnh hơn rồi. Cứ nhìn hoạt động thương mại ở Phố Wall trong hai mươi bốn giờ qua chỉ cũng đủ thấy là gió đang ngả chiều nào. Mà chẳng phải là Ryan đã nói thế này thế nọ đấy ư? Chẳng phải thiên hạ đồn rằng Morgan đang chuẩn bị làm này làm nọ đấy ư?

Riêng phần anh, chẳng phải mức lãi do hệ thống xe điện mang lại cứ gia tăng đều đặn đấy ư? Mặc dù đang có khủng hoảng thực sự, nhưng ngày lại càng có nhiều người đổ xô đến Oakland. Rồi người ta bắt đầu mua bất động sản. Có người đã chịu mua cả ngàn mẫu đất của anh ở vùng ngoại ô, song chỉ có điều là anh chưa ngả giá đấy thôi.

Đương nhiên cái gì mà chẳng có hy sinh, nhưng rồi sức ép cùng sẽ phải nhẹ đi và rồi những tay yếu bóng vía cũng sẽ lấy lại được tinh thần. Cái rắc rối chủ yếu là ở bọn yếu bóng vía này mà ra cả. Nếu không có bọn này thì làm gì có khủng hoảng được.

Như Nghiệp Đoàn Miền Đông chẳng hạn, giờ đây họ đang thương lượng mua lại hầu hết cổ phần của anh trong Công ty Điện Lực Sierra và Salvador đấy thôi. Điều này chứng tỏ chính họ cũng tin là cơn khủng hoảng sắp qua rồi còn gì.

Nhưng nếu các tay chủ ngân hàng không chịu lối lạc quan như thế, mà lại van nài, cầu khẩn hoặc làm thẳng cạn tàu ráo máng với anh thì anh sẽ tuỳ nghi mà xử sự. Nếu họ cứng thì anh cũng cứng lại. Chẳng hạn khi anh hỏi một điều gì mà họ từ chối thì anh sẽ không coi đó là một lời thỉnh cầu nữa mà là một đòi hỏi đến khi họ muốn sự cạn tàu ráo máng, muốn xé tan bức màn tình cảm và ảo tưởng về nhau đi, thì anh cũng sẵn sàng đồn họ và chỗ chết.

Tuy vậy, anh cũng biết khi nào cần phải đấu dịu. Lúc nào anh thấy bức tường lung lay sụp vô phương cứu chữa ở một chỗ nào đó thì anh liền dùng tiền mặt do ba công ty có khả năng thu tiền mặt của anh để vá vào chỗ đó. Anh biết rằng nếu các ngân hàng vỡ nợ thì anh cũng vỡ nợ theo. Nhất định các ngân hàng phải gắng gượng mà tồn tại, bởi vì nếu họ phá sản, họ sẽ tung tất cả số giấy tờ chứng khoán mà họ đang giữ của anh ra cái thị trường hỗn loạn bên ngoài kia thì mọi việc của anh cũng đổ bể hết. Vậy mà nhiêu lúc ngoài số tiền hàng ngày ra anh còn phải mang theo trong xe cả những giấy tờ quý giá nhất mà anh giữ của Công ty Phà, Công ty cấp nước Thống Nhất, Công ty Xe điện để giao cho ngân hàng thế nợ. Dĩ nhiên anh làm chuyện này một cách bất đắc dĩ mà thôi, sau khi đã đấu tranh với họ từng ly từng tý một.

Có lần anh đã nói với chủ tịch Ngân hàng Thương mại San Antonia khi ông này than phiền là đã phải giữ quá nhiều giấy thế nợ rồi:

- Cứ để cho bọn cò con ấy chết hết đi. Tôi là con bài chủ ở đây. Chỉ có tôi mới đem lại cho ông được nhiều tiền mặt mà thôi, chứ đừng có hòng gì ở cái bọn đó. Đúng là ông đang phải giữ quá nhiều giấy thế nợ, vậy thì ông phải lựa chọn đi. Hoặc ông hoặc bọn chúng sẽ sống hay là chết. Tôi thì chẳng đời nào chết được. Cùng lắm thì ông cũng chỉ làm cho tôi bị rắc rối chút đỉnh, nhưng rồi thì ông cũng bị rắc rối to thôi. Cách giải quyết tốt nhất là ông cứ để mặc cho bọn cò con chết hết đi, và tôi cũng sẽ giúp ông một tay để triệt chúng.

Trong cơn hỗn loạn kinh tế này, cũng chính Ánh Sáng Ban Ngày đã đánh giá và giúp một tay để triệt đối thủ của mình là Simon Dolliver. Sức mạnh của Dolliver là ở Ngân hàng Kim Môn Quốc Gia, và Ánh Sáng Ban Ngày đã nói với ông chủ tịch ngân hàng đó như sau:

- Tôi đã giúp đỡ ông từ trước tới nay, vậy mà ông thì đang chết dở, còn Dolliver thì cứ bình yên cưỡi lên đầu chúng ta. Như vậy không ổn đâu. Ông cứ nghe tôi, như vậy, là không ổn đâu. Trong cơn hoạn nạn này Dolliver cũng chẳng dễ gì chịu nhả ra mười một đô-la để giúp ông. Vậy thì cứ bắt hắn leo xuống mà cuốc bộ đi, rồi tôi sẽ nói cho cho ông biết là tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ dồn cho ông toàn bộ số tiền mà công ty xe điện của tôi thu được trong bốn ngày liền, tức là khoảng bốn mươi ngàn đô-la tiền mặt đấy. Thêm nữa, vào ngày 6 tây mỗi tháng, tôi sẽ đưa cho ông thêm hai mươi ngàn đô-la trong số thu của Công ty Cấp Nước - Ánh Sáng Ban Ngày nhún vai - Ông có nghe tôi hay không, điều đó tuỳ ông. Điều kiện của tôi là như vậy đó.

- Đúng là cá ăn kiến. Gặp con kiến nào lảng vảng chung quanh là tôi đớp liền thôi - Chiều hôm đó Ánh Sáng Ban Ngày đã nói với Hegan như thế.

Và thế là Simon Dolliver đã phải chịu chung số phận với những kẻ kém may mắn trong Cuộc Tổng khủng hoảng này, những kẻ bị kẹt cứng trong một đống giấy tờ mà thật trong tay chẳng có một cắc bạc nào cả.

Những mánh lới và cách thức anh gỡ rối thật tài tình, không có điều gì, dù lớn dù bé, có thể lọt qua được cặp mắt quan sát tinh tường của anh.

Đương nhiên đầu óc anh túc nào cũng căng thẳng một cách khủng khiếp. Anh không còn thì giờ ăn trưa nữa. Lúc này ngày đối với anh quá ngắn, và ngay cả trong giờ nghỉ trưa văn phòng anh cũng vẫn đầy người. Đến cuối ngày thì anh hoàn toàn kiệt sức, và khác với trước kia, bây giờ anh thường dùng rượu dựng lên một bức tường để đỡ cho đầu óc mình bớt căng thẳng vì công việc. Anh thường bảo tài xế đưa anh thẳng về khách sạn, rồi anh lên thẳng phòng mình. Ở đây anh gọi người phục vụ pha cho một ly Martini đúp. Rồi anh cứ nốc hết ly này đến ly khác, và khi đến giờ ăn tối thì anh đã thấy đầu óc choáng váng và quên hết mọi chuyện về cuộc khủng hoảng rồi. Đến giờ đi ngủ, sau khi uống thêm một ly rượu Whisky, Scotch là anh đã "đủ đô" - đủ đô ở đây không có nghĩa là anh la hét ầm ĩ hoặc mụ hẳn người đi mà chỉ có nghĩa là cảm giác của anh đã tê liệt một cách nhẹ nhàng dễ chịu.

Sáng hôm sau, khi thức dậy anh thấy miệng mồm khô đằng đầu óc vẫn còn nặng nề thêm một lúc nữa, nhưng cảm giác đó rất chóng qua. Đến tám giờ anh lại có mặt ở bàn làm việc, lại lao đầu vào cuộc vật lộn. Đến mười giờ anh lại đi một vòng các ngân hàng. Từ sau lúc đó cho đến tận tối, anh lại phải đối phó không lúc nào ngừng nghỉ với những vấn đề rắc rối nan giải của kỹ nghệ, của tài chính và của con người lúc nào cũng bu quanh lấy anh. Đến khua anh lại trở về khách sạn, lại uống những ly Martini Scotch đúp. Chương trình hàng ngày của anh là như thế, kéo dài hết tuần này qua tuần khác.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện