Lac Dương đã nhận ra ba người bịt mặt đó là Võ Di Hỏa Tinh Chân Quân, Nam Hải Song Tinh Tả Kỳ, Lã Bá, khi xuống núi đã hạ năm đạo mật lệnh, đều phái các tay cao thủ xuống núi tìm kiếm tung tích của Tuyết Sơn Nhân Ma và dặn Hỏa Tinh Chân Nhân ba người hễ thấy tung tích của Tuyết Sơn Nhân Ma là phải theo dõi và theo kế hoạch của mình mà hành sự.
Bây giờ chàng mới biết tai mắt của Đại Lượng lan khắp cả Tây Môn tung tích của Tuyết Sơn Nhân Ma đã bị chúng canh chừng ngầm rồi! Tuyết Sơn Nhân Ma giận dữ nhìn ba người họ hồi lâu, rồi trầm giọng quát hỏi:
- Có phải các ngươi tới đây định làm khó dễ lão phu hay không? Người bịt mặt đứng giữa cười khì một tiếng và đáp:
- Phải! Anh em mỗ thừa lệnh Ô Phùng Sơn chủ tới đây đấy, Ô Phùng Sơn chủ biết các hạ định kiếm ông ta trả thù cho nên sai anh em tại hạ tới đây mời các hạ bảy ngày sau đến phà Hàm Dương để gặp ông ta! Nếu đôi bên chịu bỏ hết hiềm thù cũ thì ông ta sẽ tặng cho các hạ thuốc giải độc ngay, bằng không sẽ cùng các hạ quyết một phen sống mái, mục đích của anh em tại hạ chỉ có thế thôi.
Nói xong ba người cùng quay mình đi luôn.
Tuyết Sơn Nhân Ma thấy vậy cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Các ngươi muốn đi ư? Làm gì có chuyện dễ dàng như thế? Nói xong, y giơ song chưởng lên tấn công tức thì! Hình như ba người nọ biết Tuyết Sơn Nhân Ma thế nào cũng đánh lén như vậy nên kình phong của đối phương chưa tới gần, chúng đã lanh lẹ cùng lăn mình lộn một vòng bắn ra phía sau cây cổ thụ mà phi thân đào tẩu mất.
Tuyết Sơn Nhân Ma chưởng lực hùng hậu biết bao, chỉ nghe thấy kêu ùm một tiếng, nửa cành lá của cây cổ thụ đó đã bị đánh rụng rớt xuống như mưa.
Đột nhiên đằng xa có tiếng sáo rất ầm trầm vọng tới, tiếng sáo ấy như tiếng đàn bà góa khóc đêm, nghe rất ai oán não nùng.

Tiếp theo đó trong sơn cốc lại có tiếng rú nổi lên, lúc gần lúc xa, lúc cao lúc thấp! Quần ta nghe thấy tiếng sáo và tiếng rú ấy đều biến sắc mặt, nhất là Khương Huân Tổ càng lộ vẻ kinh hãi và nói:
- Nguy tai! Chúng ta đã bị kẻ địch bao vây rồi.
- Phải đấy! Tiếng nói sau như ở trên trời cao vọng xuống rồi thấy bóng người phi xuống rất nhiều.
Lạc Dương đã nhận ra người đi đầu chính là Phẩm Nhi, nhưng những người đi sau không phải là thủ hạ của Lư Sơn, chàng rất lấy làm ngạc nhiên.
Tích Thọ liền rỉ tai chàng khẽ nói rằng:
- Ngoài nghĩa huynh của thiếu hiệp ra, còn những người kia đều là người của chính phái hết.

Phen này thể nào chúng ta cũng được xem một tấn tuồng rất thích thú.
Tuyết Sơn Nhân Ma tủm tỉm cười lên tiếng nói:
- Việc người khác không việc gì đến mình xin các hạ đừng nhúng tay vào, lão còn phải đi đến bến đò Hàm Dương để phó ước đây.
Nói xong y chắp tay chào Tam Tài Cát Chủ với Khương Huân Tổ các người, rồi dắt Lý Như Uyên cụt tay lớn bước đi luôn.
Bọn Phẩm Phi hơn hai mươi người, thấy Nhân Ma với Như Uyên đi tới không ngăn cản gì cả mà còn tránh sang hai bên để thầy trò họ đi qua.
Huân Tổ thấy vậy chửi thầm rằng: "Lão già này đểu cáng thật! Chưa qua cầu đã dỡ ván cầu rồi!" Tam Tài Cát Chủ thấy Huân Tổ tức giận như vậy bèn khẽ nói:
- Khương bang chủ chớ có gây hấn với Tuyết Sơn Nhân Ma như thế.

Sở dĩ y bỏ đi như thế cũng là chuyện bất đắc dĩ thôi.

Chuyến đi Đại Lượng này y đã thất bại, tiếng tăm của y đã mất rất nhiều.

Vì vậy cuộc hẹn ước của Ô Phùng y bắt buộc phải đi, bây giờ y không dám gây thù gây oán thêm với cường địch là thế.
Lúc ấy đôi bên đều chuẩn bị, chỉ một bên gây hấn trước là trận đấu bùng nổ ngay.
Thiệu Nghiệp đã thấy trong đám người đó có những kẻ chính phái đã từng bị mình đánh bại giữa đường từ ba ngày trước nên y đoán chắc trận đấu này không sao tránh được, nên y chỉ cười nhạt hoài thôi.
Đột nhiên phía sau Phẩm Nhi có một người vừa nhỏ vừa lùn, tuổi trạc trung niên, tay phải cầm một món khí giới bằng thép Miến Điện, tay trái cầm một chiếc đồng trùy sáu mũi, hai mắt sáng lóng lánh, nhìn thẳng vào mặt của Thiệu Nghiệp mà hỏi rằng:
- Khương Thiệu Nghiệp kia, nợ máu thì phải trả bằng máu, chẳng hay ngươi còn điều gì trối trăn hay không? Thiệu Nghiệp cười như điên như khùng đáp:
- Bạn kia, thiếu gia đã nhúng tay vào việc gì là không sợ ai tới đòi nợ hết, bạn muốn thế nào cứ ra điều kiện đi, thế nào thiếu gia cũng nhận lời, bạn cứ cho biết tên họ đi, thiếu gia không giết những người vô danh đâu! Người trung niên ấy lớn tiếng cười ha hả nói tiếp:
- Khương Thiệu Nghiệp kia, cha con ngươi đã bị đại bại một trận, suýt tí nữa là bị thiêu chết, lần thứ hai các ngươi bị bại ở Vân Mộng, một bang chủ tiếng tăm lừng lẫy mà bị chặt đứt một cánh tay, sau cùng ngươi còn chạy đi Nga Mi trốn tránh, ta Phạm Bạch tuy là một tên vô danh tiểu tốt thật nhưng lang bạt giang hồ nửa đời chưa hề bị sỉ nhục như vậy, nếu ta là cha con ngươi thì đã mai danh ẩn tích cố cất công luyện tập để báo mối thù này..
Y chưa nói dứt lời Thiệu Nghiệp đã mặt đỏ tía tai, mắt lộ hung quang lớn tiếng quát bảo:
- Câm mồm! Huân Tổ cũng hổ thẹn vô cùng, Tam Tài Cát Chủ mặt lạnh như băng từ từ tiến gần Phạm Bạch.
Đột nhiên từ xa có tiếng cười nhạt và tiếng nói vọng tới:
- Danh túc Nga Mi, cao nhân của một môn phái mà lại chấp nê không chịu tỉnh ngộ, mà cam tâm làm bạn với bè lũ hồ ly chó mèo, đến tuổi già rồi mà còn mất tiết, thật đáng tiếc cho ngươi quá.
Tam Tài Cát Chủ như bị một cái chày đánh vào đầu vậy, giật mình kinh hãi lui về phía sau một bước, mặt biến sắc, hai mắt nhìn về phía bóng tối có tiếng nói mà trầm giọng hỏi:
- Các hạ là ai, sao không dám hiện thân ra, lão phu đang muốn lãnh giáo đây.
- Tại hạ không giám nhận hai chữ lãnh giáo đó.

Mong Cát Chủ nên bảo tồn lấy thanh danh của mình mà chớ a dua với bè lũ chó mèo giết bừa giết bãi như thế.
Tiếng nói vừa dứt, mọi người đã trông thấy từ chỗ bóng tối một văn sĩ trung niên mặt lạnh lùng, tay cầm cái quạt phe phẩy trông y như lần trước đã gặp qua.
Cha con Huân Tổ thấy người ấy xuất hiện đã giật mình kinh hãi, từ từ lui về phía sau ngay.
Văn sĩ lớn tiếng cười và nói:
- Các người bôn ba giang hồ như vậy có phải là định tìm kiếm tại hạ không? Tại sao trông thấy tại hạ, các người lại sợ sệt như thế? Lời nói của người đó vừa châm biếm vừa khắc độc dù là bụi đất nghe thấy cũng tức giận, huống hồ Khương Thiệu Nghiệp một tên xưa nay vẫn kiêu ngạo ngông cuồng, tự phụ đã quen rồi thì sao nhịn nổi? Y liền sầm nét mặt lại quát lớn:
- Ai bảo ta sợ ngươi? Nói xong, y rút luôn thanh bảo kiếm sau lưng ra.
Văn sĩ nọ lạnh lùng nói tiếp:
- Hãy khoan đã! Việc của ta với ngươi hãy tạm xóa một bên, vì còn có người đang nóng lòng muốn đòi nợ máu với ngươi, nếu bây giờ ngươi chết dưới tay ta có phải khiến cho người ấy hoài công mong đợi hay không? Ngươi cứ an tâm ta không bênh ai đâu! Thoạt tiên, Thiệu Nghiệp còn tưởng văn sĩ này cùng bọn với nhóm Phạm Bạch, nhưng bây giờ chàng thấy không phải nên hơi khoan tâm phần nào.
Phạm Bạch vội tiến lên một bước quát hỏi:
- Khương Thiệu Nghiệp kia, đang có đợi chờ ngươi trả lại món nợ bảy mạng người đó! Thiệu Nghiệp cười khỉnh đáp:
- Được lắm.
Nói xong, y múa tít thanh bảo kiếm ra oai, bỗng Lý Thiếu Hoài lớn tiếng xen lời nói:
- Thiếu bang chủ, cắt tiết gà không cần dao mổ bò làm chi? Xin Thiếu bang chủ để Lý mỗ đối phó chuyện này! Thiệu Nghiệp vội thâu kiếm lại đáp:
- Lý lão sư nên cẩn thận nhé! Lý Thiếu Hoài cười nhạt một tiếng, múa đao xông lên đón đỡ thế dao của Phạm Bạch chém xuống.
Đao pháp của hai người đều nhanh như điện chớp, trận đấu càng ngày càng kịch liệt, lúc ấy văn sĩ nọ khẽ nháy mắt ra hiệu với Phẩm Nhi một cái.
Phẩm Nhi đã biết văn sĩ ấy là Lạc Dương rồi và cũng biết Lạc Dương ra hiệu bảo mình đối phó Thiệu Nghiệp, chàng liền chăm chú nhìn Thiệu Nghiệp luôn, còn Lạc Dương thì bị Tam Tài Cát Chủ với Khương Huân Tổ canh gác.
Phẩm Nhi chưa kịp ra tay thì ở phía sau đã có mấy người xông lên tấn công Lý Thiếu Hoài luôn.
Hỏa Kỳ Luân Gia Hiển quát hỏi:
- Tên phỉ đồ vô sỉ kia, các ngươi muốn thị nhiều để thắng ít phải không? Nói xong, y cùng bọn Lã Nguyên Cực các người xông ra giáp chiến luôn.
Chỉ có anh em họ Cao là đứng yên đó, lạnh lùng xem trận đấu diễn biến ra sao thôi.
Thiếu nữ áo xanh cứ đưa mắt nhìn văn sĩ nọ hoài, hình như nàng ta muốn tìm rõ lai lịch chàng nên cứ nhỏ to thì thầm với người anh luôn.
Tam Tài Cát Chủ rối trí vô cùng, bụng bảo dạ rằng: "Đã mấy chục năm ta chưa hề ra khỏi Thần Nam Cốc nửa bước vì người chưởng môn dùng lệnh phù triệu ta bắt buộc phải tái xuất giang hồ, sự thật với tài ba của ta đi tới đâu cũng có thể sống được, bây giờ ta phải ở dưới trướng của người, việc gì cũng bó buộc không biết thị phi phải trái gì hết mà cứ mù quáng, a dua, bây giờ bị đối phương nhạo báng cũng đáng lắm." Dù sao y cũng vẫn chưa mất hết lương tri lên mới có ý nghĩ mâu thuẫn như thế, sự thật thiện và ác cũng chỉ cách nhau một sợi chỉ.

Đột nhiên trong đấu trường có một tiếng kêu thảm khốc vọng ra, mọi người trố mắt lên nhìn mới hay Lý Thiếu Hoài bị đánh hộc máu, người bắn ra ngoài xa hai ba trượng.

Trông y như cái diều đứt mà rớt hẳn xuống vực thẳm tức thì.
Thì ra Thiếu Hoài đang đấu ngang tay với Phạm Bạch, hai người kẻ nửa cân người tám lạng, nhưng Phạm Bạch hơn là tay trái cầm một đồng chùy xích sắt mà chưa dùng tới, hình như y vẫn giữ ba thành công lực chờ dịp may ra tay.
Quả nhiên Thiếu Hoài tưởng Phạm Bạch tài hoa chỉ có thế nên y càng đấu càng ngông cuồng và kiêu ngạo, lưỡi đao của y chỉ công mà không thủ.
Ngờ đâu Phạm Bạch biến đổi đao pháp, thế đao của y huyền ảo tuyệt luân, lúc này Thiếu Hoài mới kinh hãi, mới hơi sơ suất đã bị phi chùy của Phạm Bạch tấn công luôn.
Thế là y bị đánh trúng giữa ngực, tâm mạch đứt hết mà chết ngay tại chỗ, người còn bị đánh rớt xuống vực thẳm nữa.
Chỉ trong chốc lát đôi bên đều có tử thương nhưng bên Khương Huân Tổ bị thương và chết nhiều hơn, huống hồ y còn chưa biết đối phương có bao nhiêu người đang ẩn khuất chưa lộ diện.
Thiệu Nghiệp liền từ từ đi tới gần Phạm Bạch.
Lúc ấy Phạm Bạch đang đấu với kẻ khác, y bỗng thấy Thiệu Nghiệp tới trong lòng hơi kinh hoảng, y đang định quay người lại đối phó thì Phẩm Nhi đã quát lớn:
- Khương Thiệu Nghiệp ngươi muốn hai đấu một phải không? Nói xong, chàng liền nhảy xổ lại ngăn cản Thiệu Nghiệp.
Thiệu Nghiệp chỉ cười nhạt một tiếng, múa kiếm xông lại tấn công vào yếu huyệt của Thẩm Phi.
Phẩm Nhi liền nhảy sang trái ba bước rồi rút thanh bảo kiếm Cự Khuyết ra, liền có một luồng hơi lạnh tỏa ra tức thì.
Thiếu niên họ Cao thấy Phẩm Nhi vừa rút kiếm ra khỏi bao đã thất thanh la lớn:
- Cự Khuyết Kiếm, quả thật là bảo kiếm! Thiệu Nghiệp biết phen này mình gặp phải kình địch mà thanh kiếm của mình dù không thường nhưng sao sánh bằng Cự Khuyết, sự thật lúc ấy kiếm y đang sử dụng là bảo vật của Nga Mi nhưng y thị có kiếm pháp tuyệt học của phái ấy cho nên y không hề tỏ ra hoảng sợ Phẩm Nhi chút nào.
Y vội ra tay tấn công rất nhanh, thế kiếm của y ác độc khôn tả! Phẩm Nhi thấy vậy cười nhạt một tiếng rồi múa tít Cự Khuyết Kiếm vây lấy người của Thiệu Nghiệp, mồm thì quát lớn:
- Hãy mau buông kiếm chịu trói, hay ngươi muốn chết? Thiệu Nghiệp cười như điên như khùng đáp:
- Chưa chắc! Thế rồi y giở những thế kiếm siêu việt ra, trận đấu của hai người kịch liệt không tả.
Từ khi con trai lớn bị toi mạng, Khương Huân Tổ rất cưng Thiệu Nghiệp, y chỉ sợ đứa con còn lại này bị nguy hiểm thì dòng giống nhà họ Khương sẽ bị tuyệt giống nên y cứ nơm nớp lo sợ cho Thiệu Nghiệp, y có lòng trợ giúp con nhưng khốn nỗi Lạc Dương đứng cạnh đó coi chừng nên y không thể giở trò trống gì ra được cả.
Lạc Dương mỉm cười nói:
- Ai mà chả có con, chả lẽ chỉ một mình ngươi có con hay sao? Ngươi là Bang chủ của Tam Nguyên Bang, ngươi đã giết chết không biết bao nhiêu người, chẳng lẽ những người đó không phải con cái của người khác sao? Lần trước ngươi đã bị chặt gãy một cánh tay, mà ngươi vẫn chưa hối cải, đủ thấy cha con nhà ngươi vẫn mê chém giết, như vậy ta tha thứ cho ngươi làm sao được? Huân Tổ nghe nói hổ thẹn và tức giận khôn tả, mặt lộ vẻ biến sắc và lớn tiếng quát hỏi:
- Lần trước nhất thời khinh địch nên mỗ mới bị ngươi tấn công lén, chứ phải ta sợ gì ngươi đâu? Lạc Dương liền trợn ngược đôi mắt lên nhìn thẳng vào mặt Khương Huân Tổ.
Khương Huân Tổ thấy đôi mắt của Lạc Dương quá sắc bén, hoảng sợ vô cùng, Lạc Dương từ từ tiến tới gần và nói:
- Xem như vậy, tại hạ kiếm được đối thủ thích đáng rồi! Nói xong, chàng cười nhạt một tiếng, khiến đối phương càng thêm sợ.
Khương Huân Tổ quát lớn một tiếng, múa song chưởng xông lại tấn công luôn.
Lạc Dương cười nhạt một tiếng vội giở bí quyết chữ Chấn của Di Lạc Thần Công ra chống đỡ mà chàng mới dùng năm thành công lực thôi.
Liền có một tiếng kêu bùng, chưởng lực của hai người va chạm nhau.

Lạc Dương vẫn vững như Thái Sơn, còn Huân Tổ lảo đảo như sắp ngã, khí huyết trong người rạo rực và mặt biến sắc ngay.
Lạc Dương thấy mình đắc thế khi nào chịu yên, liền tấn công tới tấp khiến Huân Tổ cuống cả chân tay, mồm rú lia lịa.
Sở dĩ Lạc Dương không giở hết nội lực ra đối phó vì chàng có thâm ý riêng, vì chàng sợ giở tài ba hết ra đối địch thế nào cũng bị ngăn cản nhiều, ngờ đâu chàng làm như thế khiến Phẩm Nhi suýt toi mạng! Lúc ấy Thiệu Nghiệp đột nhiên rú lên một tiếng rất thảm khốc thì ra y đã bị Phẩm Nhi chặt đứt năm nhón tay và cả thanh đoản kiếm cũng bị rơi ra ngoài xa ba trượng nữa.
Kêu rú xong, Thiệu Nghiệp còn hộc mấy đống máu tươi và còn loạng choạng lui về phía sau bảy tám bước.
Tam Tài Cát Chủ cười nhạt nói:
- Tên này độc ác thật! Ta không thể tha thứ cho y.
Nói xong y phất tay áo một cái xông lại tấn công Phẩm Nhi luôn.
Phẩm Nhi đang định chém thêm một nhát nữa để kết liễu tính mạng của Thiệu Nghiệp, nhưng ngờ đâu chàng thấy một luồng gió mạnh lấn át tới và thấy giữa mi mắt lạnh buốt một cái, hình như đã trúng phải ám khí có chất độc lên chàng chỉ la lớn một tiếng đã ngã ngửa người ra và thanh bảo kiếm Cự Khuyết cũng rời tay mà bay đi luôn! Lạc Dương thấy vậy cả kinh vội tấn công Khương Huân Tổ một chưởng rồi nhảy xổ lại chỗ Phẩm Nhi.
Tam Tài Cát Chủ nhanh khôn tả, đã bắt được thanh kiếm Cự Khuyết vừa thấy Lạc Dương nhảy tới đã tấn công luôn.
Kiếm phong của y mạnh không tả, dù Lạc Dương có tài ba đến đâu cũng không dám chống đỡ thế kiếm đó, chàng vội giở Huyền Thiên Thất Tinh Bộ Pháp ra để tránh né thế kiếm đó.
Rồi chàng dùng thủ pháp Bát Cửu Linh Long ra tấn công lại.
Tam Tài Cát Chủ đã sớm biết Lạc Dương là một kình địch nên y giở những thế kiếm rất lợi hại ra tấn công như vũ bão khiến Lạc Dương không thể nào tìm được sơ hở của y để phản công lại.
Còn Huân Tổ bị Lạc Dương tấn công một chưởng vội tung mình nhảy lên trên cao lộn ngược một vòng, khi vừa hạ chân xuống đất đã ôm Thiệu Nghiệp lên rồi cắm đầu ù té chạy ngay.
Cha con Khương Huân Tổ đi rồi, những thủ hạ của chúng lần lượt chảy ngay chỉ còn có một mình Lâm Mông với anh em nhà họ Cao thôi.
Còn quần hùng, chính phái bên Phẩm Nhi lo âu hoài.
Tuy Tam Tài Cát Chủ đã bị Lạc Dương cầm chân, nhưng kiếm thế của y lan rộng những mười trượng, khó mà cướp Phẩm Nhi lại để cứu chữa.
Đột nhiên thiếu niên họ Cao giở thân hình rất huyền ảo ra xông vào vòng kiếm thế cướp Phẩm Nhi ra rồi cùng thiếu nữ áo xanh song song đào tẩu luôn.
Người của Phẩm Nhi thấy vậy cả kinh, vừa quát tháo vừa đuổi theo luôn.
Lâm Mông suy nghĩ một chút rồi giậm chân một cái cũng chạy thẳng về chỗ sơn cốc tức thì.
Lúc ấy Lạc Dương thấy Phẩm Nhi bị anh em nhà họ Cao cướp đi nóng lòng sốt ruột vô cùng, vì vậy chàng sơ ý một chút, suýt tí nữa thì bị kiếm của Tam Tài Cát Chủ đâm trúng, tuy vậy vạt áo của chàng cũng bị đâm rách, chàng tức giận khôn tả, bụng bảo dạ rằng: "Hoàn cảnh bắt buộc, ta đành phải hạ độc phủ mới xong!" Trong khi nghĩ ngợi, chàng đã thay hình đổi chỗ thoát ra ngoài vòng chiến rồi giơ tay phải lên dùng thế Lục Hợp Hóa Nhất tấn công luôn.
Đây là thức thứ mười bốn của Di Lạc Thần Công oai lực mạnh vô cùng và chưởng phong như bài sơn đảo hải dồn dập tới.
Tam Tài Cát Chủ chỉ cảm thấy một nguồn sức nặng ngàn cân nhằm ngực và bụng mình tấn công tới, khiến cổ tay của y bị rung động một cái rất mạnh, thanh bảo kiếm cũng rời khỏi tay bay đi luôn.
Y hoảng sợ vô cùng, bỗng nhảy người vọt ra xa.
Chưởng lực Lục Hợp Hóa Nhất, lan rộng mười mấy trượng khiến cát bụi bay mù mịt và các cây ở quanh đó cũng bị gãy cành rụng lá rớt xuống như mưa.
Lạc Dương thấy bảo kiếm đã rơi khỏi tay đối phương liền chạy theo bắt luôn.

Ngờ đâu vì mãi bắt thanh bảo kiếm mà khi quay người lại Tam Tài Cát Chủ đã biến mất rồi.
Chàng đứng ngẩn người ra.
Lúc ấy trước mặt Thần Nữ miếu thật là bi đát.

Bảy tám cái xác nằm ngổn ngang, gió thổi mùi máu tanh lên khiến ai cũng muốn nôn ọe, thảm cảnh ấy khiến ai cũng không nỡ nhìn.
Lạc Dương cầm thanh bảo kiếm không bao nhất thời vô kế khả thi, chàng bỗng nghĩ đến Tích Thọ còn ẩn núp sau bụi cây, liền lên tiếng kêu gọi mãi mà không có câu trả lời, chàng ngạc nhiên vô cùng, chàng vội vào bụi cây tìm kiếm mới hay Tích Thọ đã bị người điểm trúng yếu huyệt người cứng đờ ra.
Lạc Dương vội vỗ vào trọng huyệt y một cái, y đã tỉnh và đứng dậy ngay.
Lạc Dương kinh ngạc hỏi y tại sao lại bị như thế? Tích Thọ tỏ vẻ hổ thẹn đáp:
- Kẻ ăn mày này thấy một đôi nam nữ trẻ tuổi, cắp Lư Sơn Thiếu sơn chủ đi, vội ra tay ngăn cản, ngờ đâu thiếu nữ áo xanh đã nhanh tay điểm trúng yếu huyệt của kẻ ăn mày liền nên kẻ ăn mày này mới ngã ra đất như thế.
Lạc Dương cau mày một cái rồi hỏi tiếp:
- Đôi thiếu niên nam nữ ấy, tiểu điệt chỉ biết chúng họ Cao thôi, chứ không biết lai lịch của chúng ra sao, Miêu đại thúc giàu kinh nghiệm giang hồ như vậy ắt phải biết lai lịch của bọn chúng.
Tích Thọ lắc đầu cười gượng đáp:

- Ăn mày này cũng không nghĩ ra chúng là ai cả.
- Hôm nay mấy việc dồn vào một lúc khiến tại hạ không biết phải làm gì trước?
- Theo ý của kẻ ăn mày này thì thiếu hiệp nên trở về Lư Toàn Cốc, trước để thương lượng cùng Trần lão sư, với võ công trác tuyệt của thiếu hiệp cộng với trí thông minh của Trần lão sư chuyện gì mà chả xong? Lạc Dương tỏ vẻ lo âu đáp:
- Như vậy chỉ sợ Phẩm đại ca nguy hiểm đến tính mạng thôi.

Hơn nữa việc của Tuyết Sơn Nhân Ma với tiểu điệt trái ngược nhau, nếu không nghĩ cách bổ cứu...
Chàng chưa nói dứt lời, Tích Thọ đã cười ha hả xen lời nói:
- Tưởng gì chứ chuyện ấy thiếu hiệp khỏi lo ngại, kẻ ăn mày này bảo đảm Phẩm thiếu hiệp không hề bị nguy hiểm chút nào, còn Tuyết Sơn Nhân Ma hẹn ước với Ô Phùng thì bảy ngày nữa mới gặp nhau mà! Còn chúng ta trở về Lư Toàn Cốc chỉ mất một ngày một đêm thôi, nên theo ý kẻ ăn mày này chuyện gì cũng vậy, hãy chờ đến lúc về Lư Toàn Cốc đã rồi tính sau.
Bất đắc dĩ Lạc Dương thở dài một tiếng rồi cùng Tích Thọ trở về Lư Toàn Cốc ngay.
-oOo-
Trong Lư Toàn Cốc vẫn yên lặng như tờ.

Lạc Dương và Tích Thọ vừa về tới cốc khẩu đã có người phi báo lên ngay.
Bách Thành và quần hùng vội ra nghênh đón liền.
Lạc Dương thấy mọi người vội cúi đầu vái chào rồi định lên tiếng nói chuyện với Bách Thành nhưng Bách Thành đã mỉm cười nói trước:
- Thiếu hiệp đi xa như vậy chắc mỏi mệt lắm, có việc gì hãy đợi lát nữa hãy nói sau, Lan cô nương đang đợi chờ thiếu hiệp đấy.
Lạc Dương mặt đỏ bừng ngượng nghịu đáp:
- Nếu vậy tại hạ xin phép vào trong sơn cốc trước.
Nói xong, chàng chắp tay chào mọi người rồi đi vào thung lũng ngay.
Tố Lan đã cùng các tỳ nữ đứng ngoài nghênh đón rồi.
Lạc Dương vội chạy lại hỏi:
- Chị Lan với các chị vẫn mạnh giỏi chứ? Tố Lan mỉm cười nói:
- Chắc Dương đệ mệt nhọc lắm thì phải? Lạc Dương đáp:
- Cám ơn chị Lan! Miêu đại thúc thừa lệnh chị đi kiếm tiểu đệ và bảo chị Lan có việc muốn gặp đệ? Việc này thật hay hư? Tố Lan mặt đỏ bừng, nửa nũng nịu nửa hờn giận đáp:
- Gọi hiền đệ về tất phải có việc chứ! Hiện giờ Cốc Dự Luật lão tiền bối nóng lòng vô cùng, cháu ông ta đã ba ngày ba đêm không uống được một giọt nước đấy!
- Cốc Dự Luật nào?
- Là ông của Ngọc Trân cô nương.
Lúc này Lạc Dương mới nhớ ra hỏi tiếp:
- Cốc cô nương bị bệnh gì thế? Mai Nhi nũng nịu cười đáp:
- Lo lắng thành bệnh, uất ức lắm cũng thành bệnh chứ sao.
Lạc Dương nghe thấy lời nói của Mai Nhi có vẻ nói cạnh mình, hổ thẹn vô cùng, mặt đỏ bừng.
Tố Lan vội nói:
- Không được nói bậy, theo ý ngu tỷ thì vì Cốc cô nương hành công không cẩn thận nên chân khí mới chạy vào trong huyệt đạo, tích tụ ở phủ tạng nên mới thành bệnh, chỉ vài ngày nữa, nội tạng sẽ thối nát không thể nào cứu.

Cốc Dự Luật, Cốc Hàm Thanh, Trương Nhân Chân ba vị lão tiền bối đã dùng hết phương pháp để cứu chữa nhưng may nhờ có một miếng Thiên Niên Hà Thủ Ô của Điền Trì Điếu Tú lão tiền bối, cho nên mới sống sót tới bây giờ, thôi hiền đệ mau vào cứu người đi, đừng nói lôi thôi nữa.
Lạc Dương thở dài đáp:
- Nếu số Cốc cô nương đến ngày tận thì tiểu đệ tài ba đến đâu cũng không cứu nổi.
Tố Lan mỉm cười khẽ nói tiếp:
- Việc gì không đích tay nhúng vào không biết là khó, hiện giờ hiền đệ nói như thế là quá sớm, hiền đệ không sợ Cốc lão tiền bối nghe thấy đau lòng hay sao? Chúng ta đi thôi.
Hai người đi sát cánh nhau tiến về phía đông, xuyên qua một bụi cây đã thấy một căn nhà nhỏ ở trong bụi trúc rồi.
Tố Lan với Lạc Dương vừa đi vừa chuyện trò, sau khi chia tay, tình hình của hai người ra sao, Lạc Dương giấu chuyện Phẩm Nhi bị bắt không nói cho nàng nghe, nàng bỗng thấy trên vai Lạc Dương có thanh Cự Khuyết, liền chăm chú nhìn vì trong khi đi đường Lạc Dương đã kiếm được một bao kiếm miễn cưỡng có thể dùng được nhưng cũng không sao che giấu được đôi mắt của Tố Lan.

Đến nơi, hai người tiến thẳng vào trong nhà lá ấy, thấy hai cha con Cốc Tân với Cốc Hàm Thanh đang ngồi đối diện nhau, lắc đầu than dài thở ngắn.

Khi hai người trông thấy Lạc Dương về tới mừng rỡ vô cùng, Hàm Thanh nói:
- Thiếu hiệp đã về tới, như vậy tiểu nữ có thể thoát chết được rồi, thiếu hiệp mau lại đây cứu chữa cho tiểu nữ đi, lão rất lấy làm cám ơn.
Lạc Dương mỉm cười đáp:
- Lão tiền bối đừng lo âu, Cốc cô nương không chết yểu đâu, xin lão tiền bối cho biết Cốc cô nương bị bệnh như thế nào? Hàm Thanh ngẩn người ra giây lát, rồi nói:
- Lão cũng không biết rõ lúc khởi bệnh ra sao, còn bảo chân khí vào nhầm trong kinh mạch chỉ là ước đoán thôi, hay là đó cũng là nguyên nhân khởi bệnh cũng nên, nhưng lão đoán chắc còn có nguyên nhân khác nữa, trong khi đi đường điệt nữ đột nhiên khởi bệnh, rồi nó cứ mê man bất tỉnh, nói sảng luôn luôn, nên đành phải thúc thủ.
Lạc Dương ngẫm nghĩ giấy lát rồi nói:
- Nếu vậy để tiểu bối thăm bệnh cho lệnh ái trước đã.
Hàm Thanh liền đứng dậy dẫn chàng vào phòng kế bên, vừa tới phòng đó Hàm
- Thanh đã lên tiếng nói: Lạc thiếu hiệp với Lan cô nương vào thăm con đấy.
Lạc Dương với Tố Lan thấy Trương Nhân Chân đứng ở trước giường, chắc vì quá mệt mỏi nên đã gầy nhiều và âu sầu, ủ rũ vô cùng, còn Ngọc Trân thì nằm trên giường đầu tóc bù rối, mặt nhợt nhạt hô hấp khó khăn.

Chàng không vội hàn huyên, vội chạy lại giường nhìn Ngọc Trân khá lâu, rồi mới ngồi lại gần giường nắm lấy tay nàng nhắm mắt thăm mạch.
Lúc ấy trong phòng im lặng như tờ.

Chàng thăm mạch xong, Tố Lan bỗng chạy lại gần rỉ tai hỏi:
- Có cứu chữa được không? Lạc Dương gật đầu lớn tiếng đáp:
- Được, không sợ chết đâu.
Vợ chồng Hàm Thanh nghe nói cả mừng hết lo ngay.

Lạc Dương quay đầu lại nhìn Hàm Thanh mà hỏi rằng:
- Trong khi mới phát bệnh, chẳng hay lào tiền bối có xoa bóp cho lệnh ái không? Hàm Thanh nghe nói, ngẩn người ra đáp:
- Lão có xoa bóp cho tiểu nữ thật, chả lẽ...
Lạc Dương vội đỡ lời:
- Vâng chính thế, suýt tí nữa thì nguy cho tính mệnh của lệnh ái.
Hàm Thanh biến sắc mặt hỏi:
- Tại sao thế? Lạc Dương lắc đầu mỉm cười đáp:
- Bây giờ không kịp nói rõ tiền bối biết được, mời lão tiền bối với các người lui ra ngoài phòng để tại hạ tĩnh tâm cứu chữa cho cô ta.
Vợ chồng Hàm Thanh cùng Tố Lan các người vội lui ra ngoài phòng.
-oOo-
Ba tiếng đồng hồ sau, người ta nhìn qua cửa sổ thấy Lạc Dương ở trong phòng đang lau mồ hôi rồi chàng thở dài một tiếng mới đi ra ngoài phòng.
Mọi người đứng chờ ở đại sảnh, bỗng thấy Lạc Dương người ướt như tắm, vẻ mặt uể oải bước ra, ai nấy đều ngơ ngác nhìn chàng để chờ chàng báo tin cho biết.
Lạc Dương đưa mắt nhìn vợ chồng Hàm
- Thanh mà nói:
- Lệnh ái đã thoát hiểm, chỉ trong chốc lát nữa sẽ tỉnh táo liền nhưng phải nằm trên giường tĩnh dưỡng hai ba ngày và uống sâm tẩm bổ mới được.
Nói tới đó, chàng đưa mắt nhìn mọi người một cái, rồi nói tiếp:
- Tại hạ vì dùng sức quá nhiều, cần phải điều tức, xin quý vị thứ lỗi cho.
Quần hùng đồng thanh đáp:
- Mời thiếu hiệp cứ tự nhiên.
Lạc Dương vái chào mọi người một cái, liền quay người ra ngoài phòng, bỗng nghe thấy phía sau có tiếng chân người, chàng liền quay đầu lại nhìn.

Thì ra Tố Lan chạy theo ra.
Tố Lan chăm chú nhìn vào thanh trường kiếm chàng đeo sau lưng rồi hỏi:
- Dương đệ thanh kiếm kia có phải Cự Khuyết không? Lạc Dương giật mình đánh thót một cái, rồi nói:
- Mắt của chị Lan sành thật.
Tố Lan cười tủm tỉm gật đầu nói:
- Vừa rồi tôi nghe Miêu lão sư nói, mới biết rõ tình hình của hiền đệ như thế, Trần đại hiệp hiện đang ở trong mật thất nghĩ kế đấy.
Lạc Dương thở dài một tiếng, rồi đáp:
- Chỉ nhầm một nước mà cả bàn hỏng, mưu kế của Tỉnh Bình quả thật thâm độc, nếu ở Thần Nữ miếu không gặp các bộ hạ của y thì cũng bị y lừa dối.
Tố Lan cười vẻ duyên dáng nói tiếp:
- Hiền đệ nói thế cũng không đúng, phải biết lão tặc nham hiểm thật.

Tuy vậy phải đề phòng hiền đệ phản y chớ, hiền đệ thử đứng vào địa vị y, xem hiền đệ có hành động như thế không?
- Chị nói rất đúng, nhưng chị có biết lai lịch của đôi thiếu niên nam nữ ấy như thế nào không?
- Tôi cũng không biết, theo sự ước đoán của Trần đại hiệp, thì thế nào anh em họ Cao cũng đến chỗ Tuyết Sơn Nhân Ma ước hẹn với Ô Phùng, nếu hai người không có mưu đồ, thì thế nào cũng có bí ẩn riêng...!hà, Ngọc Trân cô nương bị bệnh gì thế? Lạc Dương gượng cười đáp:
- Tiểu đệ cũng không biết rõ hết được, việc này chỉ có Cốc cô nương mới biết rõ thôi.

Vì mạch cô ta rất lạ lùng, chắc cô ta giấu cha mẹ luyện một môn chưởng pháp gì đó, nhưng vì muốn thành công cho chóng mà đi lầm đường nên mới bị chứng bệnh kỳ lạ như thế.

Và tiểu đệ còn biết môn chưởng pháp ấy, trái ngược hẳn với võ công chính tông nàng thường học, vì thế hai môn nội công xung khắc nhau, mới đột nhiên bị bệnh kỳ lạ như vậy.

Rồi Cốc lão tiền bối không hay biết gì hết cứ việc xoa bóp cho nàng nên bệnh của nàng càng ngày càng nặng thêm là thế.
Hai người vừa chuyện trò vừa đi, không bao lâu đã ra tới phòng ngủ của Tố Lan, Lạc Dương liền vào ngồi điều hơi vận thức một lát rồi mới ra gặp nàng.
Chàng thật là sung sướng không kém vua chúa ngày xưa.
Lúc canh ba, Bách Thành đã vội tới thăm chàng, Tố Lan thân hành xuống bếp làm mấy món thật ngon, để chàng với Trần lão sư ăn nhậu một đêm.
Lạc Dương kể hết chuyện của mình cho Bách Thành nghe sau đó bàn tán phương pháp phá tan Đại Lượng cùng Nga Mi.
Chuyện trò tới lúc tan tảng sáng, Bách Thành mới đứng dậy nói:
- Lần này tuy vì bệnh của cô Ngọc Trân mà mời thiếu hiệp về nhưng thật sự việc quan trọng nhất là mời thiếu hiệp về để thương lượng đại kế.

Mấy tháng nay Trần mỗ đã xếp đặt đâu vào đấy chỉ cần thiếu hiệp bằng lòng là mỗ thi hành ngay nhưng còn mấy việc phải giải quyết ngay.
Lạc Dương ngạc nhiên hỏi:
- Việc gì thế đại hiệp? Bách Thành đáp:
- Trần mỗ nhận thấy căn bệnh của Cốc cô nương đáng ngờ lắm.
- Tại hạ cũng có hoài nghi như lão sư vậy.
- Lại còn phải dò biết lai lịch của anh em nhà họ Cao để còn cứu Phẩm thiếu hiếp, nếu đôi anh em ấy là bạn thì may mắn biết bao, nếu là địch thì sợ chúng còn khó đối phó hơn phái Đại Lượng và Nga Mi nhiều.

Lần này thiếu hiệp đi Bá Kiều nên rủ cả Chu Luân thiếu hiệp đi cùng, rồi một trong bóng tối, một người ra mặt như vậy mới thành, ngoài ra Trần mỗ còn phái người giúp đỡ ngấm ngầm.
- Tại hạ xin tuân lệnh.
Bách Thành cáo từ đi ra, Lạc Dương tiễn một quãng thật xa mới quay lại.
Lạc Dương thủng thẳng đi về ngắm cảnh trong sơn cốc, trong lòng khoan khoái hết sức, bỗng phía sau có tiếng người lớn tiếng kêu gọi:
- Lạc thiếu hiệp! Lạc Dương ngẩn người ra quay đầu nhìn lại thì thấy Hàm Thanh đã dẫn Ngọc Trân theo, Ngọc Trân tuy gầy nhưng vẫn còn đẹp, nàng nhìn chàng cười vẻ rất tình tứ.
Lạc Dương rùng mình một cái, vội hỏi:
- Lão tiền bối với cô nương định kiếm tại hạ phải không? Hàm Thanh gật đầu, kẽ ho hai tiếng nhìn Ngọc Trân đáp:
- Lão đem tiểu nữ tới đây cảm ơn thiếu hiệp, còn lão hỏi nó tại sao mắc bệnh thì nó không chịu nói và nó bảo phải thưa với thiếu hiệp cho nên...!hà, lão đối với con bé này vì quá nuông chiều, nên từ bé đến giờ nó cứ hay bướng bỉnh như thế.
Lạc Dương ngạc nhiên thầm không biết tại sao, Ngọc Trân chỉ muốn cho mình biết thôi, nhưng vẫn vâng lời:
- Lão tiền bối quá lời đấy thôi...
Chàng bỗng thấy Ngọc Trân đưa mắt ra hiệu cho mình liền, ngắt lời không nói nữa.
Ngọc Trân nói với cha rằng:
- Cha hãy đi về trước, con đã biết nói với Lạc thiếu hiệp rồi.
Hàm Thanh vuốt râu rồi mỉm cười đáp:
- Thôi được, xin chào thiếu hiệp nhe.
Nói xong, ông ta quay người đi luôn.
Ngọc Trân chờ cha đi khỏi, liền lườm Lạc Dương một cái, rồi mới cười duyên dáng nói rằng:
- Sở dĩ tiểu muội bị bệnh, là vì ngẫu nhiên nhặt được một cuốn sách Cửu Thiên Ma Kinh ở trong núi Cửu Nghi.

Tiểu muội thấy kinh văn ở trong đó rất khó hiểu, riêng có một môn Câu Hồn Nhiếp Phách Đại Pháp là có thể luyện được.
Lạc Dương ngạc nhiên hỏi lại:

- Những môn tuyệt học ấy, tốt hơn là nên đừng tập nhưng tại sao cô nương nói cho tại hạ biết?
- Tiểu muội muốn cầu thiếu hiệp giúp cho một tay để luyện tập, nếu việc này nói cho cha mẹ tiểu muội thì thế nào cuốn sách này cũng bị đốt.
- Việc này quả thật tại hạ không sao giúp được cô nương.
- Chỉ có thiếu hiệp mới giúp được tiểu muội.
Nói xong, nàng lấy cuốn bí kíp Cửu Thiên Ma Kinh ra và nói tiếp:
- Tiểu muội nghe cha nói, thiếu hiệp là người thông minh cho nên mới nhờ thiếu hiệp đem cuốn sách này về xem, tối nay đến truyền thụ cho tiểu muội nhé.
Nói xong, nàng nhét luôn cuốn sách vào tay Lạc Dương và nói:
- Nếu thiếu hiệp đánh lừa muội thì đừng trách tiểu muội sẽ làm những trò bất chính, gây nên những chuyện rắc rối lôi thôi cho mà xem.
Nói xong, nàng đã đi nhanh như bay biến mất.
Lạc Dương ngẩn người ra tay vẫn cầm cuốn Cửu Thiên Ma Kinh đã rách và mất khá nhiều.

Chàng vẫn biết tính của thiếu nữ hỉ nộ bất thường.

Cũng như chuyện của ân sư với Nghệ Uyển Lan, chàng nghĩ tới đó rùng mình một cái, rồi vội kiếm chỗ vắng vẻ, giở từng tờ Câu Hồn Nhiếp Phách Ma Pháp ra xem.
Cho mãi đến chiều tối, Lạc Dương mới về.

Tố Lan bỗng thấy mất tích Lạc Dương, cùng các nàng sốt ruột vô cùng, đi tìm mãi vẫn không thấy, bây giờ chàng đã về, nàng liền hỏi chàng đi đâu? Lạc Dương đáp:
- Tiểu đệ núp ở một chỗ vắng vẻ để nghĩ cách đối phó, sau tiểu đệ nghĩ mãi một mình không gánh nổi công việc nặng như thế cho nên tiểu đệ muốn đem tài ba của Ca Diệp Kiếm Phổ của lão tiền bối truyền thụ cho, để truyền thụ cho chị Lan như vậy sau này, chị mới có thể ứng phó với chuyện nguy nan.
- Hiền đệ nói thật hay nói dối thế? Lạc Dương phải thề nặng, Tố Lan mới tin.
Chàng ở lại Lư Toàn Cốc ba ngày liền, truyền thụ Di Lạc Thần Công cho bọn Tố Lan, rồi cùng Chu Luân lên đường đi luôn.
-oOo-
Cầu Bá nằm trên Bá Thủy, cách thành Trường An chừng mười dặm.

Chiều tối hôm đó mặt trời chưa lặn hẳn, bỗng có hai người cưỡi ngựa, một đen một trắng, thủng thẳng đi lên trên cầu.

Người cưỡi ngựa đen là một thiếu niên lưng đeo song kiếm rất anh tuấn, còn người cưỡi ngựa trắng ăn mặc theo lối nho sinh, trông càng đẹp trai hơn.
Thiếu niên nho sinh mỉm cười nói:
- Chu huynh có biết Cầu Bá này còn có một tên khác không? Thiếu niên nọ đáp:
- Tại hạ là một tên võ phu, làm sao mà biết được cầu này còn có tên khác.
- Tục ngữ có câu, đọc mười năm sách, không bằng đi muôn dặm đường, câu này không sai tý nào, Cầu Bá từ thời Hán Đường đến giờ, vì người ở trong kinh tiễn khách, thường thường ra tới đây mới chia tay cho nên mới đặt cho nó một cái tên nữa là Tiêu Hồn Kiều.
Hai người đó chính là Chu Luân với Lạc Dương, Chu Luân nghe thấy Lạc Dương nói như vậy, liền cười và đáp:
- Lạc huynh quả thật là một người học rộng tại hạ kém xa lắm.

Thôi chúng ta hãy tìm một tửu điếm vào nhậu nhẹt vài chén đã vì trời cũng sắp tối rồi.
Lạc Dương tán thành.

Hai người liền phóng ngựa đi đến giữa cầu, bỗng thấy một ông già mặc áo dài đen, khoanh tay đứng dựa lan can cầu nhìn xuống mặt nước.
Ông già ấy chờ hai người đi qua cạnh đột nhiên quay đầu lại nhìn.

Lạc Dương thấy hai mắt ông ta rất sáng và trông mặt hình như hơi quen biết, liền ngẩn người ra.
Chàng ngẫm nghĩ giấy lát mới nhớ ra ông già này chính Y Xú Tiên Lão Tú ở chùa Phổ Quang trên núi Hằng Sơn, đã hai lần khoát khỏi bàn tay của mình, cho nên chàng bụng bảo dạ rằng: "Nga Mi và Đại Lượng, hai nơi ta đều trông thấy mặt người này, chẳng hay y thừa lệnh ai thế, sao y lại đứng một mình trên Cầu Bá này làm chi? Hừ, chắc y thế nào cũng có việc gì đây." Nghĩ đoạn, chàng muốn điều tra ra lai lịch của ông già này, liền khẽ dặn Chu Luân vài câu, rồi hai người phóng ngựa đi tới đầu cầu đằng kia, Chu Luân quay đầu lại nhìn thấy ông già đen ấy đang theo dõi mình, liền cố ý lớn tiếng chuyện trò những chuyện đã thấy trên đường với Lạc Dương.

Ông già đã lướt tới cạnh lườm hai người một cái và đi luôn.
Lại thấy hai đại hán cầm đao chạy tới, vừa gặp ông già kia vừa lớn tiếng nói:
- Quả nhiên Cung đại hiệp đã đợi chờ nơi đây, Hà lão sư đã bị kẻ địch đả thương, hiện giờ đang bị thương nặng lắm.
Ông già nọ nghe nói cả kinh vội hỏi lại:
- Cái gì, y bị ai đả thương? Hiện giờ ở đâu? Một đại hán đáp:
- Việc này không thể trì hoãn được và cũng không có thì giờ thưa cùng đại hiệp hay, mời lão sư theo chúng tôi đi tới đó trước.
Ông già nọ liền theo hai đại hán nọ đi ngay.

Lạc Dương và Chu Luân hai người xuống ngựa đi đến một tửu điếm gần cầu, nhờ phổ kỵ trông ngựa rồi cũng đi luôn.
Hai người thấy ông già, với hai đại hán kia chạy thẳng về phía bắc liền theo dõi luôn.
Đi được nửa tiếng đồng hồ, đã thấy ba người đó chui vào một cái rừng rậm.
Hai người cũng chui theo vào trong rừng, mới hay nơi đó là Chu lăng, có rất nhiều ngôi mộ.

Ông già với hai đại hán kia đang đứng trước một ngôi mộ, tượng đá và ngựa đá đã đổ lởm chởm.

Ông già nọ đưa mắt nhìn những vết máu dưới đất, rồi ngạc nhiên hỏi:
- Hà lão sư đâu? Hai đại hán nọ mặt không biến sắc nói:
- Vì Hà lão sư bị thương lặng không thể xê dịch được, mới dặn tại hạ hai người đi tìm Cung đại hiệp, lúc chúng tôi đi, lão sư vẫn còn nằm nơi đây, sao bây giờ lại biến mất, hay là đã có người cứu lão sư rồi.
Ông già nọ cười nhạt đáp:
- Chưa chắc, chẳng hay Hà lão sư bị ai đả thương thế? Đại hán mặt đỏ như đồng đáp:
- Tại hạ chưa trông thấy, tuy đi cùng Hà lão sư thật, nhưng khi đi tới ngoài Chu lăng, Hà lão sư liền dặn anh em tại hạ ở ngoài đợi chờ và bảo đi phó ước một người bạn, tại hạ đợi chờ mãi không thấy ông ta tới, sinh nghi liền nhảy vào trong Chu lăng này tìm kiếm.

Ngờ đâu vào tới đây, thì thấy Hà lão sư mình đẫm máu, nằm tHồi thóp ở nơi đây...
Ông già nghe xong, liền lẩm bẩm:
- Sao y lại không nói rõ là vào đây hẹn ước với ai, như vậy việc này có bí ẩn gì đây? Đột nhiên trên một cây bách cổ thụ, có tiếng cười nhạt vọng xuống, khiến ai nghe thấy cũng phải rùng mình kinh hãi.
Ông già với hai đại hán kia đều biến sắc mặt, ngẩng đầu nhìn lên phía trên đã thấy một cái bóng đen nhanh như điện chớp lẳng lặng nhảy xuống.
Người đó chưa xuống tới nơi đã ra tay tấn công luôn.

Kình lực của y mạnh khôn tả, hai đại hán kia tránh né không kịp, chỉ nghe thấy chúng kêu hự hai tiếng, rồi cùng ngã ngửa ra đất, mồm mắt mũi đều có máu đen rỉ ra và chết tốt rồi.
Ông già nọ thấy vậy cả kinh, vội quay người chạy luôn.

Nhưng cái bóng đen nọ nhanh khôn tả, như bóng theo hình vậy.
Bóng đen nọ ra tay nhanh như gió nhằm lưng ông già kia chộp luôn....


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện