Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.

Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.

Editor: Aminta.

Chương 8

***

Sáng sớm hôm sau, trời chỉ mới tờ mờ Rehau đã chờ xuất phát rồi. Tất cả mọi thứ trong phòng đều được dọn gọn gàng. Một chiếc xe đậu bên ngoài trại tập trung. Anh mang mũ quân đội, vành nón che khuất một góc mặt của anh, trông anh lại trở nên lạ lẫm. Tôi đi theo sau anh ra khỏi khu nhà, phát hiện những thanh niên Đức khác đã chờ anh trước cửa.

Rehau chào tôi.

"Tạm biệt, Rehau." Tôi nắm chặt tập thơ trong ngực, khẽ vẫy tay với anh.

"Hãy chờ anh trở lại, Benoît." Anh mỉm cười.

Sau đó tôi dõi mắt nhìn anh lên xe, yên lặng ngồi phía sau cùng những thanh niên khác, cây súng lục nằm trong ngực anh. Anh không nhìn tôi, chỉ lặng lẽ vuốt ve thân súng.

Bắt đầu từ lúc đó tôi nên biết rằng người đàn ông này đã rời khỏi cuộc đời tôi như thế.

Vào bữa sáng, tôi và Schulz ngồi chung, không còn thêm thức ăn nữa, cả không gian vừa yên tĩnh vừa đáng sợ.

"Benoît, anh sao vậy?" Schulz nhỏ giọng hỏi tôi: "Đôi mắt của anh đỏ bừng..."

"Không sao, tôi mệt mỏi quá thôi." Tôi an ủi cậu ta.

"Tôi nghe nói hôm nay có một số binh lính của quân SS được chuyển đến tiền tuyến..."

Cánh tay tôi cầm ổ bánh mì khô cứng run rẩy lần nữa.

"Đừng lo, tôi sẽ tìm một Kapo khác... Chúng ta có thể sống sót."

"Anh đừng miễn cưỡng bản thân, chúng ta đã may mắn lắm rồi." Schulz nhìn chằm chằm vào đôi mắt của tôi và nói: "Cám ơn anh, Benoît. Cảm ơn tất cả anh những việc đã làm."

Sau bữa sáng, loa phóng thanh bắt đầu gọi tù nhân được đưa đi "chữa trị" hôm nay. Sau hai tháng tới đây, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy trái tim mình thít chặt. Schulz căng thẳng đến mức siết chặt tay tôi.

Còn tôi liên tục nhìn số hiệu trên áo.

"19." Loa nói.

Đó là số của tôi. Tôi buông lỏng tay Schulz ra. Một giây sau, tôi nghe thấy số hiệu của Schulz.


Chúng tôi bị Kapo mang đến phòng điều trị. Đó là một tòa nhà màu xám trắng, xung quanh hầu như không có cây cối, dưới bầu trời u ám, nó hoang vu đáng sợ như một nấm mồ.

Xác của Lukasz được phát hiện ngay chính nơi đây.

Chúng tôi bị mang vào. Rất nhiều người mặc quần áo trắng ngồi đối diện chúng tôi, chúng tôi bị yêu cầu cởi áo, xếp thành một hàng ngang đứng dựa vào tường. Những người áo trắng đứng lên, trong tay mỗi người đều cầm rất nhiều kim tiêm, tôi cho rằng họ định tiêm cho chúng tôi. Nhưng họ dừng lại ở chỗ cách chúng tôi một khoảng, sau đó bắt đầu ném mạnh ống tiêm trong tay.

Giống như trò chơi ném phi tiêu của đám con nít vậy.

Họ đang cười, bác sĩ đang cười, y tá cũng đang cười.

Đầu óc của tôi trống rỗng, bên tai tràn ngập tiếng cười chói tai sắc bén như muốn tống khứ hi vọng cuối cùng trong lòng tôi ra ngoài. Tôi cực kỳ sợ. Nhưng họ chỉ đang chơi trò chơi, cũng không có ống tiêm nào đâm vào người tôi cả.

Chờ đến khi các bác sĩ ném hết "đồ chơi" trong tay, tất cả mọi người bị kéo vào trong một phòng thí nghiệm. Một bác sĩ khoảng ba mươi tuổi hoặc nhỏ hơn, chỉ có đôi mắt mang mắt kính là lộ ra ngoài khẩu trang đi đến chỗ tôi. Tôi bị một bác sĩ khác trói trên giường, gã giơ ống tiêm đến gần, giữ chặt bả vai tôi và tiêm nó vào cánh tay tôi.

Cơ thể tôi căng chặt trong nháy mắt, tôi chỉ có thể nhìn thấy vách tường trắng tinh trước mặt, chất lỏng không biết tên tràn vào cơ thể tôi, không có bất kỳ cảm giác đau đớn nào.

"Đây là cái gì?" Tôi giãy giụa hỏi.

"Vắc xin trị bệnh mề đay thử nghiệm." Tay bác sĩ lạnh nhạt nói.

"Tôi sẽ chết sao?"

"Ai mà biết."


Sau khi tiêm xong, những người còn sống mặc quần áo tử tế, ngồi chờ đợi kết quả trong phòng điều trị. Người thanh niên ngồi cuối cùng đột nhiên bắt đầu nôn mửa, các bác sĩ mang anh ta đi, sau này tôi không còn thấy anh ta nữa.

Tôi lại chờ rất lâu giống như đang yên lặng chờ cái chết. Xung quanh rất yên tĩnh, ai nấy đều cúi thấp đầu, thời gian đang trôi qua. Qua rất lâu sau, tôi cảm thấy cơ thể chẳng có gì bất thường cả. Sau đó bác sĩ bảo chúng tôi rời đi.

"Chúng ta sống dai thật." Schulz cảm thán, trông cậu ta không ổn lắm nhưng cũng không có phản ứng kịch liệt với thuốc: "Thế mà chịu được cả ngày."

"Từ lúc nào mà cậu trở nên lạc quan hơn tôi rồi vậy?" Tôi cười khổ và nói.

"Bởi vì anh, Benoît." Cậu ta mỉm cười với tôi, nốt ruồi khóe mắt dường như cũng tan chảy trong nụ cười này: "Tôi muốn sống sót, sau đó trở lại Viên, đàn một khúc nhạc cho mẹ tôi."

"Schulz." Tôi đi tới ôm cậu ta, tựa đầu lên vai Schulz và bắt đầu thút thít, tôi đã mất quá nhiều, tổ quốc của tôi, cha mẹ của tôi, Carl, Rehau của tôi, tôi không muốn mất đi người bạn Schulz của tôi nữa.

"Mọi chuyện rồi sẽ ổn, Benoît, chắc chắn sẽ giống như lời anh nói." Cậu ta vỗ nhẹ lưng tôi.

Ba ngày sau, chúng tôi lại bị loa gọi đến phòng điều trị để tiêm thuốc. Chúng tôi vẫn đứng sát tường để chơi trò "bia ngắm sống", điểm khác biệt là lần này có người ngã xuống.

Khi tôi dùng khóe mắt nhìn bóng dáng người kia, dường như thời gian cũng trở nên chậm chạp. Mái tóc nâu xõa tung trên mặt đất, cơ thể mảnh mai của cậu ta nhẹ nhàng ngã xuống như một cọng lông vũ.

Schulz.

Tôi chạy tới dìu cậu ta, thế nhưng tất cả đã quá muộn. Khi cậu ta ngã xuống, một ống tiêm vừa vặn đâm ngực cậu ta. Bác sĩ chạy tới, kéo Schulz vào phòng thí nghiệm. Tôi đi theo, nhưng chỉ có thể nghe thấy mấy chữ "suy tim", "tiêm vào" đứt quãng.

Không đợi nghe hết toàn bộ cuộc đối thoại, tôi bất chợt đẩy cửa vọt vào, bác sĩ bên trong giật nảy mình, khi họ định kéo tôi ra ngoài, tôi nhìn thấy đôi môi tái nhợt của Schulz giật giật, cậu ta nói một vị trí.

Dưới gốc cây thứ bảy từ bên trái doanh trại.

Tôi đương nhiên biết nơi đó có cái gì, là bản nhạc của cậu ta. Chúng tôi đã từng nói về cuộc sống sau khi rời khỏi trại tập trung vô số lần, Schulz nói cậu ta muốn đưa bản nhạc cho Feit xem, muốn đích thân chơi nó cho Feit. Sau lần bị dội ba thùng nước lạnh, Schulz bèn giấu bản nhạc, tôi hỏi đùa cậu ta giấu ở đâu nhưng cậu ta chưa bao giờ nói cho tôi biết.

Schulz nằm trên giường bệnh, nghiêng đầu nhìn tôi, đôi môi tái nhợt nhếch lên tạo thành một nụ cười mỉm.

"Hãy sống sót, Benoît."

Cậu ta chậm rãi nhắm nghiền hai mắt. Một giọt nước mắt trượt xuống theo khóe mắt.

Về sau tôi mới nhớ ra, vào ngày ngày đầu tiên bị tiêm thuốc thì Schulz đã có rất nhiều phản ứng lạ, nhưng vì không khiến tôi lo lắng nên cậu ta mới cố gắng chịu đựng, hơn nữa cậu ta cũng biết nếu như xin kiểm tra sức khỏe thì chỉ mau chết hơn thôi.

Ngày chúng tôi bị tiêm thuốc cũng chính là ngày chết của chúng tôi.

Xác của cậu ta được xử lý rất nhanh, Schulz bị ném vào hố và chôn cũng như những người mang tam giác hồng chết vì thí nghiệm khác. Cậu ta từng khát khao thế giới bên ngoài trại tập trung, muốn về quê hương Viên của mình để đàn một khúc nhạc cho mẹ. Nhưng tất cả những chuyện này còn chưa kịp xảy ra, sinh mệnh trẻ trung của cậu ta đã rời đi trước rồi. (Hố chôn ở đây là hố chôn tập thể)

Nhưng không chỉ một mình Schulz. Trong tất cả tù nhân, người đồng tính là những người có tỷ lệ chết cao nhất, trong bất cứ công việc hay cuộc thí nghiệm nguy hiểm nào, chúng tôi bao giờ cũng là những người đi trước. Nhiều năm về sau tôi tự hỏi bản thân, rốt cuộc chúng tôi đã làm sai điều gì để bị đối xử như thế. Bị chia cắt khỏi người nhà một cách tàn nhẫn, bị xóa sổ khỏi lịch sử, giống như chúng tôi là vết nhơ không thể để người khác thấy, là lũ rệp kinh tởm.

Thế nhưng chẳng có ai nói cho tôi biết đáp án cả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện