Nguyễn Đông Thanh vươn vai một cái, nói:

“Bây giờ phải chờ nem chín là xong. Nhanh thì một hai ngày, chậm thì ba bốn hôm.”

Gã nói đến đây, lại thấy đám đệ tử hơi uể oải, mới thầm nghĩ có khi mình “bóc lột sức lao động” của đám đệ tử hơi quá. Thế là hắn ho khan một tiếng, nói:

“Được rồi. Thực ra vẫn còn một cách có thể ăn ngay được. Nhưng chỉ làm một ít thôi đấy.”

Lần này làm nem chua là thử nghiệm, Nguyễn Đông Thanh lười gói từng cái nhỏ cỡ quân cờ, ngón tay như kiểu truyền thống, bèn dứt khoát cho gói thành nguyên một cây nem ú nu như cách người ta gói giò thủ. Hắn nghe loáng thoáng mấy anh cùng phòng nghiên cứu kể có nơi người ta gói vậy, song cũng chẳng tìm hiểu sâu lắm.

Trương Mặc Sênh là người đầu tiên phản ứng lại.

Vừa nghe đến “ăn” là mắt cậu chàng sáng rỡ, tí tởn vọt người đứng dậy, cười:

“Tiên sinh, tiên sinh, ngài định làm cách nào?”

“Rán. Nhưng phải nhờ mấy người các cậu một chút mới được. Thiên Hoa, giúp thầy làm mát một cây. Vừa phải thôi, đừng đông lạnh.”

“Dạ!”

Tạ Thiên Hoa đáp lời, đoạn vung tay, sử dụng thần thông băng phong nhanh chóng làm lạnh một cây nem lại.

Kỳ thực, gọi là nem chua rán, nhưng không phải là đem nem chua đi rán. Nếu làm vậy thật thì thành phẩm sẽ vừa bở, vừa không ngon. Nói cho chính xác, nem sau khi được tẩm ướp gia vị, gói ghém cẩn thận, có thể bảo quản lạnh rồi đem rán hoặc ủ đợi chín bằng men rồi ăn. Cách trước thì ra “nem chua rán” cách sau mới ra “nem chua”. Chả thế mà nhiều người tranh cãi, bảo gọi “nem chua rán” là sai, chính ra phải gọi là “nem ngọt rán” mới đúng, vì nem chưa kịp để ủ cho “chua” đã được mang đi rán rồi.

Mắt thấy nem đã sẵn sàng để rán, Nguyễn Đông Thanh phát lệnh:

“Vậy được rồi! Giờ có thể đem rán lên ăn.”

Dứt lời, gã lại tự lẩm bẩm một mình:

“Giá nơi này có bột chiên xù thì ngon và chuẩn vị hơn, nhưng thôi đành chịu vậy...”

Bốn thiếu niên nam nữ đương nhiên không hiểu “bột chiên xù” trong miệng gã là cái gì, nhưng biết đã có thể đem rán, Tiểu Thực Thần liền hăng hái xung phong.

Tiểu Thực Thần không phải cái danh gọi suông, trù nghệ của Trương Mặc Sênh hoàn toàn xứng với danh hiệu này. Thế nên, chả mấy chốc, mùi thơm của nem đã tỏa khắp căn phòng bếp.

Mắt thấy nem đã sẵn sàng, Nguyễn Đông Thanh bèn bảo đám học trò đi pha nước chấm và cắt dưa leo để ăn kèm. Nem chua rán vỉa hè, ăn đúng vị phải chấm tương ớt. Nhưng trong điều kiện không làm ra nổi tương ớt, thì có thể dùng nước mắm nem cổ truyền ăn cũng ngon theo cách riêng.

Nước mắm chấm nem, pha đúng cách, là phải để các vị mặn của nước mắm, ngọt của đường, chua của chanh và giấm, cùng cay của tỏi và ớt hòa quyện với nhau thành một thể thống nhất, lại hòa thêm đủ nước để thành phẩm không bị quá đậm hay gắt, mà chỉ vừa đủ vị ở mức có thể uống được như canh. Tất nhiên, lúc căn chỉnh vị khi pha thì cần đạt mức uống được, nhưng cũng sẽ chẳng có ai đi tu nước mắm nem thay cho đồ uống.

Nem rán đã tồn tại ở Huyền Hoàng giới một thời gian, thành ra mấy người Tạ Thiên Hoa cũng pha được nước mắm nem mà không gặp khó khăn gì. Nguyễn Đông Thanh nếm thử, thấy tất cả đều sẵn sàng, thì bèn bảo đám học trò kê bàn ghế ở sân cổ viện, lại gọi cả Hồng Vân và Hồng Đô ra ăn cùng.

Hồng Vân nghe gã quảng cáo món này là một món có thể ăn nhậu, thì liền xách theo một bầu rượu ra. Mà Bích Mặc tiên sinh của chúng ta, người trước giờ vẫn tránh rượu như tránh tà, hôm nay bất ngờ cũng lấy ra một bầu rượu để góp cỗ.

Sự việc tưởng chừng như “mặt trời mọc đằng tây” này hiện tại xảy ra, âu cũng là vì hôm ở Tửu Hậu, Nguyễn Đông Thanh bị Trương Mặc Sênh dùng Nhu Nhu Xuân Tuyết Án Trai Hiên chuốc say. Gã hôm sau tỉnh lại, biết cái rượu Nhu Nhu Xuân Tuyết này mạnh nhưng lại dễ uống, thì quyết định mua về để bẫy người khác.



Trở lại hiện tại, nhóm người của cổ viện tất cả đều đã ngồi vào bàn. Nguyễn Đông Thanh lên kế hoạch bẫy người, đương nhiên đã có chuẩn bị đối sách cho bản thân từ trước. Theo như tính toán, gã trước hết cần ăn cho no bụng, gọi là đổ bê tông, sau mới uống rượu, lại chỉ cần tránh cái rượu Nhu Nhu Xuân Tuyết này ra, hẳn là có thể chịu đựng được. Đoán chừng, rượu của Hồng Vân ủ chắc cũng không quá nặng đâu nhỉ? Nguyễn Đông Thanh y kế mà làm. Hắn trước tiên không động gì đến rượu mà ăn ném rán với dưa leo trước. Bốn thiếu niên nam nữ cùng Hồng Đô thấy gã đã động đũa thì cũng liền mỗi người một gắp nem chua rán vào bát để nếm thử.

Chỉ thấy nem này vị rất khác với nem truyền thống, nhưng nhai trong miệng thì lại có vài phần tương tự. Mềm mềm dai dai, ngậy mà không ngấy. Các loại gia vị tẩm ướp hòa với thịt, lại quyện với nước chấm, tạo thành một hỗn hợp kích thích vị giác. Thẳng đến khi nuốt xuống, dư vị còn lại trong miệng lại như kêu gọi họ ăn tiếp miếng nữa.

Các thành viên của cổ viện liếc mắt nhìn nhau một cái, địch ý thoáng qua ánh mắt như chớp giật. Chỉ thấy mấy đôi đũa lao vào đĩa ném rán như hổ vào bầy dê.

Nguyễn Đông Thanh thấy vậy thì mới nhắc một câu, bảo món này nhậu kèm rượu thì còn ngon nữa. Theo gã thấy, thời cơ đã chín muồi, đã có thể lừa người vào bẫy.

Hắn cũng liền nhấp thử rượu của Hồng Vân, men cay xộc lên não làm hắn thở khà ra một hơi mãn nguyện. Đoạn lại gắp thêm một miếng nem bỏ vào mồm.

Ăn thêm vài miếng nem chua rán, nhấp thêm vài ngụm rượu, Nguyễn Đông Thanh bỗng cảm khái:

“Ài, vẫn phải tìm cách làm tương ớt nó mới ra đúng cái vị quen thuộc! Nước mắm nem cũng ngon theo cách riêng nhưng không đúng được cái vị ấy!”

Lời cảm thán này của Bích Mặc tiên sinh đương nhiên là không thoát khỏi tai Tiểu Thực Thần. Chỉ thấy Trương Mặc Sênh mắt sáng lên, miệng thì hỏi:

“Tiên sinh, không biết món tương ớt mà ngài nói đây là món gì?”

“Biết ngay cậu sẽ hỏi! Được, nói cho cậu cũng được... Tương ớt là một loại sốt, ý ta là nước chấm... Mà cũng không hẳn là nước chấm, vì kể ra có thể thêm vào phở như một loại gia vị được... Nói thế nào nhỉ? Muốn làm tương ớt ấy mà, thì phải...”

oOo

Nguyễn Đông Thanh trăm tính ngàn tính, không ngờ gã rắp tâm chuốc say người khác, nhưng lại là kẻ say đầu tiên.

Rượu vào lời ra, Trương Mặc Sênh đã thành công moi được công thức làm tương ớt từ miệng Bích Mặc tiên sinh. Không những thế, trong lúc giải thích về tương ớt, gã còn hớ mồm vài lần khác. Thành thử, Tiểu Thực Thần sau bữa nhậu kiếm bộn. Không những biết về tương ớt, cậu chàng còn được nghe về tương cà, mayonnaise, khoai tây chiên, và mấy loại sa-lát khác nhau...

Hồng Đô cũng có kinh nghiệm từ lần trước, tranh thủ ra cạnh Nguyễn Đông Thanh, đoạn thỏ thẻ:

“Tiên sinh, hay ngài nhân dịp vui này, ngâm một bài thơ đi!”

“Thơ à? OK luôn! Bài gì bây giờ nhỉ?”

Nguyễn Đông Thanh liếc qua một vòng sân, lại lèm bèm:

“À rồi, có rồi! Nhưng mà vẫn phải nói trước, bài này không phải của ta, là của... của ai ấy nhỉ? Tự nhiên quên mất của ai rồi, nhưng nói chung không phải của ta! Đọc đây:

“Vãng lai tung tích quyện hồng trần,

Chiếm đoạn lâm tuyền tác thập nhân.

Cảnh hữu sơn xuyên hoa thị khách,

Môn vô xa mã thảo thường xuân.



Đồng giang điếu nguyệt vong quy Hán,

Chi lĩnh canh vân lạc khứ Tần.

Tức tiện Đào Châu hưng Việt nhật,

Ngũ Hồ yên thuỷ nhất nhàn thân.”

(Dịch nghĩa:

Dấu vết qua lại đã mỏi cùng bụi hồng,

Chiếm lấy suối rừng lập xóm nương thân.

Cảnh có sẵn núi sông, hoa là khách,

Ngõ không đón xe ngựa, cỏ thường tươi như mùa xuân.

Câu trăng nơi sông Đồng, quên về cùng vua Hán,

Cày mây nơi núi Chi, vui lánh nạn nhà Tần.

Thật đáng khen ông Đào Châu, ngày nước Việt đã hưng,

Thì khói nước Ngũ Hồ riêng một thân nhàn hạ.

Nguồn: Quách Tấn, Thái Thuận – Lữ Đường thi, NXB Văn học, 2001, trang 128.

Được trích dẫn từ thivien.net)

Ba người Lý, Tạ, Đỗ nhìn một màn này mới giật mình, phát hiện ra ông thầy mình khi say dường như đổi tính. Ai nói gì cũng gật, ai hỏi gì cũng đáp, cười nhiều hơn, mà hình như cũng không giữ nhiều bí mật như bình thường. Thế nhưng, không đợi ba người họ kịp nhân cơ hội này mà tranh thủ đặt câu hỏi, Nguyễn Đông Thanh lúc này đã gục xuống bàn, ngủ say không biết trời đất gì nữa.

Hồng Vân tủm tỉm cười, bảo Hồng Đô đỡ gã về phòng, rồi cũng tuyên bố tiệc tàn, ai về nhà nấy.

Ba cô cậu nghe vậy thì tiu nghỉu, liền tự hứa lần sau sư phụ uống say phải biết tranh thủ hơn mới được!

oOo

Lại kể chuyện Phùng Thanh La.

Sau khi rời cổ viện, về chỗ thái tử, cô nàng luôn đứng ngồi không yên. Cứ mỗi một lần nghĩ lại về kiếm lý nghe được từ Bích Mặc tiên sinh trên xe bò là nàng ta lại hít thở không thông.

Cuối cùng, ở chỗ thái tử được có một hôm liền lấy cớ tông môn có việc, cần về gấp để xin cáo lui. Lê Tam Thành thấy Phùng Thanh La mới quay lại chưa được bao lâu liền đã muốn đi ngay thì đương nhiên không vui. Thế nhưng y dù gì cũng là thái tử, biết cân nhắc nặng nhẹ, nên cũng đành để nàng ta đi.

Phùng Thanh La một đường thẳng về Kiếm Trì, lại lập tức xin bái kiến Kiếm Trì Tam Tổ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện