“Bóng dáng hòa thượng cúi đầu cầm hoa, lặng thinh.”

✿◕ ‿ ◕✿✿◕ ‿ ◕✿✿◕ ‿ ◕✿

Vì sao muốn Bùi Vô Tịch rời đi? Dọc theo con đường rời khỏi Bất Không sơn, vấn đề này chiếm cứ toàn bộ đầu óc Diêu Thanh, không tài nào hiểu nổi. Bùi Vô Tịch không còn là thiếu niên không đánh lại được ai như trước kia nữa rồi, hắn biết tất cả bí mật của Yêu Ma đạo, hiểu rõ bọn họ như lòng bàn tay, còn có võ công không hề tầm thường, chưa kể ngay cả đao Thẩm Độc cũng cho hắn.

Để hắn đi chẳng khác nào thả hổ về rừng.

Nhưng dù nàng muốn hỏi cũng không thốt ra khỏi miệng, bởi vì vẻ mặt Thẩm Độc vẫn như thường, cứ như chuyện mình làm không khác gì những lần sai Bùi Vô Tịch đi đâu đó làm việc, cứ như chưa từng có cử chỉ kinh hãi thế tục trước mặt bao người.

Cho tới bây giờ mọi người đều biết quan hệ của y và Bùi Vô Tịch không bình thường.

Nhưng chỉ biết thôi chứ tận mắt chứng kiến thì đây là lần đầu.

Bầu không khí thoáng chốc trở nên vô cùng tế nhị.

Còn Thẩm Độc thì chả chút để ý, y ngồi xuống tảng đá bên cạnh mình, làm như không có chuyện gì nhìn núi rừng xung quanh.

Thẳng đến khi ngựa uống no nước, mọi người nghỉ ngơi đủ rồi y mới đứng dậy lên ngựa.

Yêu Ma đạo tiếp tục lên đường.

Thẩm Độc đi chính giữa, Diêu Thanh và Thôi Hồng cưỡi ngựa đi hai bên cạnh y. Khắp núi rừng không một bóng người, chẳng có ai mở miệng nói chuyện, ngoại trừ tiếng vó ngựa làm vài con chim hoảng sợ bay loạn ra thì vô cùng tĩnh lặng. Thẳng đến khi băng qua hai ngọn núi mới nhìn thấy thôn xóm cách đó xa xa.

Có một âm thanh ngâm tụng kinh Phật truyền tới từ con đường trước mặt.

“Bạch hào tiên trực chỉ phương Đông, Bắc Đẩu nam khán cổ đạo trường. Nhất cú Tây lai hoàn tống khứ, nhiên đăng chích tại thử trung ương…”

Như ngâm tụng như ngâm nga.

Thanh âm già nua khàn khàn, nghe không giống người chốn cửa phật mà có vẻ tự tại chốn phố phường.

Thẩm Độc bỗng nghe thấy câu “Nhất cú Tây lai hoàn tống khứ, nhiên đăng chích tại thử trung ương”, giật mình ghìm chặt dây cương, nhìn về phía con đường phát ra giọng nói.

Nơi phát ra giọng nói là bên trên con dốc.

Hai bên toàn là bụi gai, có vẻ gập ghềnh khúc khuỷu, một ông lão vác củi trên lưng vừa cầm gậy chống xuống đường vừa gật gù đắc ý ngâm nga, không hề phát hiện bên dưới có người.

“Đạo chủ, người này có gì không ổn ạ?”

Ở Yêu Ma đạo nhiều năm, mặc dù Diêu Thanh thật sự không nghĩ rằng ông già này có võ công gì nhưng vừa quay đầu đã thấy vẻ mặt Thẩm Độc giật mình kinh ngạc, theo bản năng cảm thấy khác thường, không khỏi đặt tay lên ám khí bên hông.

Nhưng Thẩm Độc chỉ nhấc tay ngăn cản mọi người sau lưng, bỗng xoay người xuống ngựa, bước đến gần ông già kia.

Ông lão tiến về phía trước, lúc này đã phát hiện ra có người.

Ông sống ở thôn phía dưới, trong nhà hết củi nên phải lên rừng đốn củi, không ngờ phía dưới có một đám người đông nghìn nghịt, thiếu chút nữa sợ quá lăn đùng ra đất.

“Ông lão.” Đương nhiên Thẩm Độc không định kiếm chuyện với ông, nở nụ cười hỏi ông. “Ta đi ngang qua đây, vừa rồi bỗng nghe thấy ông lẩm bẩm trong miệng, không biết đoạn kinh Phật ông niệm có điển cố gì?”

“Ôi, làm lão giật hết cả mình, còn tưởng xảy ra chuyện gì cơ.”

Thấy không phải phường trộm cướp giết người, ông lão yên tâm hơn, lau mồ hôi trên trán nở nụ cười.

“Xem ra ngài cũng đến Bất Không sơn để lễ Phật nhỉ? Ha ha, đoạn lão vừa niệm tên là “Niệm Phật cô gia tụng” nghe sư thầy Thiện Tai nói, hình như còn điển cổ thì lão không rõ lắm. Lần trước thầy chỉ dạy lão đọc, nói lần sau xuống núi sẽ giảng sau.”

Thiện Tai…

Thẩm Độc vốn tưởng rằng mình đã cách xa cái tên ấy rồi, nhưng không ngờ đột nhiên nghe thấy làm y thoáng hoảng hốt.

Phục hồi tinh thần lại hỏi tiếp: “Vậy có thể xin lão đọc cả bài cho ta nghe được không?”

Có vẻ lần đầu tiên được người ta hỏi đến chuyện liên quan tới kinh Phật, hơn nữa bề ngoài của thanh niên trước mặt còn cực kỳ đẹp đẽ, nên ông lão chẳng chút hoài nghi, mặt mày hớn ha hớn hở, hăng hái dạt dào đọc cả bài cho y nghe.

Bạch hào trước luôn chỉ Đông phương

Nhìn Nam thấy Bắc đẩu Đạo tràng

Một lời Tây lai đưa trở lại

Chỉ giữa nơi này tỏa Nhiên đăng

Quanh điện lưu ly toả ánh quang

Thất trùng(1) nối nhau bốn hành lang

Một ngón Tỳ lư(2) khum chực mở

Đầu sào(3) hoa rơi, cỏ ngập Đàng.

(1) Thất-trùng: có thể đang nói đến kiểu kiến trúc “Thất Trùng Già Lam” dùng để xây chùa, gồm có Sơn Môn, Bảo Tháp, Thiên Vương Điện, Đại Điện, Pháp Đường, Phương Trượng, Tạng Kinh Lâu, đây là trục trung tâm của kiến trúc các ngôi chùa truyền thống của Phật Giáo Bắc Truyền. 

(2) Tỳ-lư: tức Tỳ lư xá na, tức Đại nhật như lai, pháp thân của Phật Thích ca.

(3) Đầu-sào: lấy từ cụm từ “đầu sào trăm thước” trong “Tham Thiền Phổ Thuyết”

“Tự bước lên quan ải, đến đầu sào trăm thước

Chưa đến nơi, chớ do dự, trên đường đầu sào nhiều lối tẻ

Chân trước sình, chân sau bùn, dù bước khó khăn không thấy mệt”


Vạn ngữ thiên ngôn vẫn để không

Ai thấu Tam quan(4)trong một lần?

Áng trời rọi cháy Pha lê kính

Đốt nóng Tuyết sơn lò lửa hâm.

(4) Tam-quan: Theo “Tham thiền phổ thuyết,” người tham thiền căn khí lớn nhỏ bất đồng. Sức lớn thấu thẳng ba quan, sức nhỏ thấu hai quan, sức nhỏ hơn chỉ thấu Sơ Quan.

Diệu thay giữa đêm gọi sáng sao

Hệt như hô Hằng quỷ khiếp danh.

Chỉ hạng lang băm không biết bệnh

Sét giáng thình lình khiến cả kinh.

Một lòng Thất nhật(5) cớ sao nghi?

Chớp mắt đà qua hết Tam kỳ(6).

Điểu đạo(7)Trùng quan(8) khôn nguôi khóc

Xả thân bởi chưng muốn cầu tri

(5) Thất nhật: Kinh Thất Nhật

(6) Tam kỳ: còn gọi là “ba a tăng kỳ kiếp,” Kiếp dài vô lượng không thể tính bằng năm tháng hay đơn vị thời gian. Một vị Bồ Tát phát nguyện cầu thành Phật phải tu hành trải quan ba A tăng kỳ kiếp mới thành được Phật quả

(7) Điểu đạo: Đường chim. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Trong Thiền lâm, từ này được dùng để ví dụ chí đạo (ở đây chỉ cho đạo Thiền) mông mênh thăm thẳm, đến đi tự tại, không rơi vào tất cả cái thấy thiên chấp có – không, mê – ngộ, giống như con chim bay giữa bầu trời bao la, dứt bặt mọi dấu vết.

(8) Trùng quan: Quan thứ nhì, sau Sơ quan của tham thiền.

Khi tới không lời, lá về căn(9)

Hoả trạch(10) Liên hương(11) chớ gặp môn

Ngân sơn sừng sững xe đâm lở

Trong tiếng sáo trâu tiễn hoàng hôn

(9) Tới không lời, lá về căn: trích trong bài nào đó của đạo Phật: Tôi tới (sinh ra) không lời để nói, tôi đi như lá rụng về cội. Nói chung là chỉ kiếp người

(10) Hoả trạch: Phật Thích Ca, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ví ba cõi sống của chúng sinh (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới) đều như nhà cháy, không có nơi nào yên ổn, vững bền, và khuyên chúng sinh nên tinh tấn tu học, mau chóng thoát khỏi cảnh nhà cháy.

(11) Liên Hương – có thể là đang nói về bảo Liên Hương, tức là Tỳ Kheo Ni. Bà Tỳ Kheo ni tên là bảo Liên Hương. Bà là một bà sư trong Giáo hội Tỳ Kheo ni hồi thuở Phật Thích Ca. Bà lại có trì Bồ Tát giới. Bà lén làm chuyện dâm dục, lại nói láo rằng: “Hành dâm chẳng phải là sát phải, chẳng phải là trộm cướp. Vậy chẳng có nghiệp báo”. Bà nói dứt lời, liền đó, từ nơi nữ căn của bà sanh ra lửa dữ, rồi lửa ấy lần lượt đốt cả thân thế của bà. Bà lại đọa vào Địa Ngục vô gián.

Một mõ Mộc ngư Tam tế(12) đoạn

Đuôi cáo, lông sư táng hai bờ.

Vũng xoáy hư vô tan Thuyền(13) cũ

Xem người sắt vượt biển giày gai

(12) Tam-tế: còn gọi là tam tế tướng, gồm Vô minh nghiệp tướng, Năng kiến tướng, Cảnh giới phân biệt.

(13) Thuyền: nguyên văn là “thuyền từ bi” tức là chiếc thuyền độ nhân thế.

Vất bóng bể gương chẳng trả lời

Ma hê thủ(14) trên cao mù mắt

Thế thế tám tư nghìn tu pháp

Cũng loanh quanh trăm lẻ tám phiền(15)

(14) Ma hê thủ: tức Đại Ma Vương Thiên, một vị mà trong Đại Thừa Phật pháp nhắc đến đại diện cho Ma trong cách nhìn “không ghét Ma, hận Ma, trái lại thông cảm và thương xót Ma cao độ, dùng Phật pháp chuyển hóa chúng thì mới là tinh thần Phật pháp.”

(15) Trăm lẻ tám phiền: đạo phật coi những phiền ưu của con người gồm có 108 điều. Ngoài ra 84,000 cách tu cũng tương ứng với 84,000 mối buồn phiền của con người trong phật giáo.

Chim lội, cây rừng đều niệm Phật

Đào hồng, Trúc biếc, Mai cũng quen

Người hoang quên mất ơn may áo

Vác túi bên đường sầu bữa cơm

Bằng(16) rẽ biển biết tro chửa cạn

Quân, thần, binh, chủ tán loạn rồi

Song luân không để Minh châu chết

Ở mãi đỉnh Kim sơn lạnh thôi.

(16) Bằng: Chim Bằng – Theo thiên thứ nhất của Nam Hoa kinh, Tiêu dao du kể rằng: “Biển Bắc có con cá tên là Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim tên là Bằng, lưng của con chim Bằng lớn cũng không biết mấy ngàn dặm. Khi con chim Bằng ấy vỗ cánh bay lên cao, hai cánh nó lớn như đám mây che cả bầu trời. Loài chim ấy, khi biển động, sóng lớn gầm gào, nó liền chuyển về biển nam. Chỗ biển nam ấy là một cái ao vĩ đại do thiên nhiên tạo thành”.

Tam thánh(17) Tam ma(18) hợp thập phương

Táng gia lệ tuôn khóc hồi hương

Bùn nhơ cũng là liên hoa quốc(19)

Cam lộ nghiêng bình hứng giọt thơm.

(17) Tam thánh: Phật ở giữa, hai bồ tát hai bên.

(18) Tam ma: tức Samâdhi, Tam ma đề, Tam ma đế. Phép thiền định, đại định của nhà đạo bực cao, trong khi nhập định thì thân thể và tâm trí chẳng còn xao động, chỉ chú vào một mục đích mà thôi. Lúc bấy giờ, những vọng tưởng, những tà kiến chẳng có thể xâm nhập vào tâm của nhà tu đại định.

(20) Liên hoa quốc: Tây Thiên

Ẩn xá(21)Tây lai là Đông lâm

Tiếng suối cảnh non vùi cổ kim

Pháp nhãn chau mày thôi chớ hỏi

Ngắm đầm sen không có huyền cầm.

(21) Ẩn xá: nhà của ẩn sĩ, âm Hán là “bạch xã”

“Nếu ngài muốn hỏi lão đoạn kinh có nghĩa gì thì lão cũng không hiểu lắm. Nhưng tối hôm nay, hòa thượng Thiện Tai sẽ đến thôn lão giảng kinh dạy học, ngài một lòng hướng Phật thế hay là tới nghe chút đi? Vừa lúc giảng đến đoạn này đấy…”

Ông lão gật gù đắc ý đọc lại kinh văn thêm lần nữa, còn tốt bụng hỏi Thẩm Độc.

Nhưng Thẩm Độc trước mặt ông làm gì còn lòng dạ nào?

Ngay khi nghe thấy “Điểu đạoTrùng quan khôn nguôi khóc,xả thân bởi chưng muốn cầu tri“, sắc mặt tức thì tái nhợt, nghe tiếp ông lão đọc “Người hoang quên mất ơn may áo, vác túi bên đường sầu bữa cơm”, đáy lòng tức thì đau như cắt; cho đến “Bùn nhơ cũng là liên hoa quốc, cam lộ nghiêng bình hứng giọt thơm” nhận ra sự đời đùa bỡn…

Hắn nguyện độ y, chỉ vì từ bi.

Bởi vì “Buồn nhơ cũng là liên hoa quốc” mà thôi, nhưng y là một đống bùn lầy nhơ bẩn, không thể thành “cam lộ”, không thể nghiêng bình hứng giọt thơm.

(*) Xả thân bởi chưng muốn cầu tri: Ý chỉ việc chuỵch giữa 2 người có giúp ích cho việc tu hành chứ không phải chỉ vì muốn cứu Thẩm

(**) Cam lộ nghiêng bình hứng giọt thơm: Thẩm là bùn, nếu được cảm hóa sẽ hóa thành cam lộ trong mắt Phật, nếu Trọc cảm hóa được Thẩm thì sẽ tới gần Phật hơn. Nhưng rất tiếc =))))

Thẩm Độc còn nhớ, bài phật kệ viết trong bức thư thiền viện Thiên Cơ gửi tới, khi ấy y chỉ biết người viết thư là Thiện Tai, nhưng không biết Thiện Tai là hắn, vì thế chỉ nhìn bức thư một cái rồi gạt ra sau.

Giờ đây hiểu rõ thì đã chia xa, mọi thứ qua rồi.

Một mình y đứng tại chỗ hồi lâu, suy nghĩ cớ sao mọi việc đi đến bước này, rồi nghĩ nếu y sớm nhận ra lá thư của hòa thượng thì liệu có gì thay đổi không, nhưng cuối cùng chẳng tìm được đáp án.

Y là tội, là nghiệp của hắn.

Ông lão đọc kinh Phật cho y nghe thấy y mãi chẳng nói lời nào, trong lòng thầm kinh ngạc, nhưng trong nhà còn có người đang đợi không thể chờ thêm nữa, nên nói vài câu rồi vui vẻ đọc bài Kinh phật, lưng vác bó củi chậm rãi đi xa.

Pháp nhãn chau mày thôi chớ hỏi, ngắm đầm sen không có huyền cầm….”

Qua hồi lâu Thẩm Độc mới hoàn hồn, đọc một câu.

Lúc này hai người Thôi Hồng, Diêu Thanh đã đứng ngay sau lưng y.

Thôi Hồng nhíu chặt lông mày không nói gì.

Còn Diêu Thanh lo lắng tiến lên hỏi y: “Đạo chủ không sao chứ?”

“Không sao.”

Thẩm Độc nghĩ, đã qua cả rồi.

Y nở nụ cười châm biếm, chìa tay về phía Diêu Thanh nói: “Tự dưng muốn ăn đường.”

Diên Thanh thoáng ngẩn ngơ, nhưng nhanh chóng móc hộp đường nho nhỏ ra, đưa cho Thẩm Độc. Thẩm Độc mở hộp, từng viên đường nằm rải rác trong hộp.

Y cầm một viên thả vào miệng.

Lúc nhìn về phía Thôi Hồng, nụ cười bên môi bỗng sâu hơn, nói: “Còn nhớ trước đây lần đầu ăn đường là Thôi hộ pháp cho. Từ đó về sau, dù bị ngươi nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không bỏ được thói quen thèm ngọt.”

Thôi Hồng và Diêu Thanh, gần như là chứng kiến Thẩm Độc lớn lên.

Đang yên đang lành đi đường, kết quả giữa đường bỗng thả Bùi Vô Tịch chạy mất chưa nói, gặp được một lão già còn dừng lại nói chuyện một lúc, giờ thì nói đến chuyện ngày xưa…

Không biết sao khiến người ta có cảm giác rất lạ.

Thật ra Thôi Hồng đã quên mất, nếu không phải Thẩm Độc nhắc lại, chỉ sợ y đã chôn sâu vào kí ức rồi.

Y hơi ngẩn ra.

Lúc Thẩm Độc nói vậy, y bỗng nhớ về Thẩm Độc của rất lâu về trước.

Khi đó Đông Phương Kích chưa tới Gian Thiên Nhai, Thẩm Độc – ngay cả con kiến còn không nỡ giết – vẫn còn là một Thiếu chủ hồn nhiên không giống kẻ sinh ra trong Yêu Ma đạo, suốt ngày bám đuôi y hỏi thế giới bên ngoài ra sao, rồi hỏi y vì sao gần đây ánh mắt Đạo chủ nhìn cậu cứ kì lạ.

Thôi Hồng biết hết mọi thứ đã quên mình đáp thế nào.

Y chỉ nhớ mình đã nói dối, sau đó còn cho Thẩm Độc một hộp đường, ba ngày sau, mang Đông Phương Kích từ dưới chân núi về, từ đó về sau Thẩm Độc có thêm một vị sư huynh người người trên Yêu Ma đạo đều quý mến.

Chuyện cũ năm xưa, vốn đã phủ tro bám bụi.

Thôi Hồng ngẩng đầu lên đối diện với đôi mắt đong đầy ý cười của Thẩm Độc, nhưng chẳng rõ vì sao, đáy lòng tràn ra nỗi sợ hãi!

“Răng rắc”, tiếng vỡ vụn nho nhỏ, viên đường trong miệng Thẩm Độc nát tan, hóa thành vị ngọt đậm đà.

“Bộp.”

Y rũ mắt nhìn thoáng qua, bỗng đóng nắp hộp đường, đưa cho Thôi Hồng.

Không nói một câu.

Thôi Hồng vươn tay, từ đáy mắt có thể nhìn thấy sự phức tạp vô ngần, dường như những ngày xưa cũ đã trôi xa theo dòng sông thời gian, cuối cùng biến mất vào hư vô.

Y nghe thấy giọng Thẩm Độc nhẹ nhàng trầm bổng.

Bỗng dưng hỏi một câu: “Chú Thôi, đến giờ chú vẫn nghĩ ta không bằng Đông Phương Kích sao?”

Đột nhiên thốt ra câu nói cấm kỵ trên Yêu Ma đạo, nỗi khủng hoảng điên cuồng quét qua.

Nhưng muốn trốn cũng đã muộn rồi.

Ngay lúc Thôi Hồng vươn tay nhận hộp đường chưa kịp lùi lại, đầu của y đã rời khỏi cổ, “Bịch” một tiếng rơi xuống đất!

Không ai nhìn rõ Thẩm Độc rút kiếm lúc nào!

Lục Hợp Thần Quyết của y trong chớp mắt thế mà đạt tới hóa cảnh, Tuyết Lộc kiếm lặng lẽ không một tiếng động, lưỡi kiếm quét qua, đầu người rụng rời.

Hộp đường rơi trên mặt đất, viên đường nhuốm máu nhìn như mã não.

Diêu Thanh thậm chí còn chưa kịp phản ứng, chỉ cảm giác trước mắt lóe lên ánh kiếm sáng lóa, Thôi Hồng bên cạnh đột nhiên ngã xuống.

Nàng mở to mắt, nhìn chằm chặp Thẩm Độc.

Máu tươi bắn tóe trên gương mặt lạnh tanh, mi tâm không có lệ khí, nhưng đồng tử bình tĩnh càng kinh khủng ác nghiệt khiến người ta sợ hãi hơn.

Không lau mặt, chẳng lau kiếm, Thẩm Độc thong thả tra kiếm vào vỏ, thậm chí còn không nhìn thi thể dị dạng Thôi Hồng lấy một cái, cũng chẳng buồn liếc viên đường rơi đầy đất, bỗng than thở một câu: “Không thể sống thì muốn sống, có thể sống thì chán sống…”

Lời này tất cả mọi người đều nghe thấy.

Nhưng vào lúc này, thứ cảm xúc đầu tiên trong lòng Diêu Thanh và mọi người đó là nỗi sợ hãi khó có thể hình dung.

Vì đột ngột giết người bằng khuôn mặt tươi cười…

Cứ như cảm giác kì lạ này chỉ là ảo giác, Thẩm Độc vẫn là Thẩm Độc, vui giận bất thường, động tí sát phạt, không bao giờ tốt lên, chỉ có tệ hơn.

Trên áo y còn dính máu, không quan tâm nét mặt mọi người, gọn gàng xoay người lên ngựa, sau đó nói: “Không cần nhặt xác cho hắn, cứ để thế đi.”

Người cần nhìn thì đã nhìn rồi.

Dứt lời thúc ngựa đi trước, tiến về Ngũ Phong Khẩu.

Ngày dần trôi sắp xế chiều.

Những dãy núi nối đuôi nhau yên bình như chẳng bao giờ thay đổi, ngoại trừ thỉnh thoảng có vài con chim vỗ cánh bay thì thoạt nhìn như một bức tranh tĩnh lặng.

Trên Bất Không sơn, tất cả những vị khách không mời mà đến đã đi.

Tiểu sa di Hồng Mộc ôm trong tay mấy cuối kinh văn vừa mới chép xong, đi theo sau Thiện Tai, trên mặt mang theo vẻ hưng phấn, không tài nào ngăn mình líu ríu: “Đây là lần đầu tiên ta đến thôn làng đấy, Thiện Tai sư thúc tới đó cũng giảng kinh đúng không? Thế thì mấy người kia ghen tị với ta chết mất, được nghe sư thúc giảng kinh…”

Đoạn đường dưới chân núi không bằng phẳng.

Hòa thượng cúi đầu nhìn đường, rảo bước đi xuống, mặc kệ tiểu sa di lải nhải bên tai không đáp một lời, cũng không tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn.

Có lẽ là không thèm để ý, có lẽ là không nghe thấy.

Dưới chân núi là rừng trúc mênh mông, lá trúc xanh ngọc lắc mình trong gió, như một khối ngọc bích khảm giữa khe hở của hai ngọn núi.

Đường nhỏ trong rừng đã chất đầy lá khô.

Thiện Tai nhìn thấy, nhận ra từ sau lần đó mình chưa từng đặt chân đến nhà trúc lần nào nữa, thoáng chốc đáy lòng đang tĩnh lặng như nước, nhưng trong đầu bỗng hiện lên người nào đấy lớn mật buông lời càn quấy ngay trên phật đường, và cả ánh mắt tuyệt vọng lúc sau…

Nước lặng hóa thành sóng xô.

Bước chân đang tiến về phía trước, giữa lúc trầm tư và do dự, đã chuyển hướng đi thẳng về phía nhà trúc trong rừng.

Mãi đến khi đứng trước cửa nhà trúc hắn mới phản ứng kịp.

Tức thì muốn lùi lại nhưng cảm thấy có lùi cũng vô dụng thôi, trong lòng hắn biết, bây giờ rời khỏi đây không có nghĩa rằng từ nay về sau hắn không còn vướng bận.

Lúc đẩy cửa ra có cảm giác như bừng tỉnh khỏi giấc mộng say.

Trong phòng hơn tháng nay không người đặt chân, thế nhưng vô cùng sạch sẽ, chẳng dính hạt bụi nào, bàn ghế giường chiếu gọn gàng như vừa được ai dọn dẹp.

Trên giá sách, kinh văn không còn, trống không.

Nhưng cái bình đựng tranh đặt trong góc vẫn cắm một quyển trục được thắt dây.

Thiện Tai đứng trước cửa, ánh mặt trời kéo dài cái bóng hắn, nhưng không cách nào giấu nổi trái tim thình lình loạn nhịp.

Và cả…

Run sợ.

Không để ý giọng nói đầy nghi hoặc của Hồng Mộc sau lưng, hắn cất bước tới gần, nhấc bức tranh duy nhất cắm trong bình ra, tức thì nhận ra đây là bức tranh ngày xưa Thẩm Độc vẽ nhưng bị hắn thêm vài nét bút.

Cứ cầm như thế sau một lúc lâu mới đặt xuống bàn.

Tháo sợi dây mảnh ra, ngón tay thon dài chậm rãi trải bức tranh, bức vẽ hoa lan ngày nào dần dần xuất hiện.

Hoa lan dại ai nở thì nở mình ta không nở.

Bươm bướm chờ hoa chưa nở.

Và cả…

Lẳng lặng nằm cuối bức tranh, khi bức vẽ được mở ra, một đóa xuân lan nho nhỏ xanh biếc xuất hiện trước mắt.

Thân cây dài nhỏ, đóa hoa hé nở.

Cánh hoa mỏng manh xanh biếc bọc quanh, đang hé ra một chút mà chưa nở hẳn…

Nhưng chỉ hé ra một chút vậy thôi chứ không còn sức sống tươi mới như khi vừa hái, lúc đầu ngón tay run rẩy của hắn nhặt lên thì héo rũ gục đầu.

“Thiện Tai sư thúc, ngươi sao thế?”

Tiểu sa di Hồng Mộc ở ngoài cửa ló đầu vào, chợt cảm thấy trên mặt vị sư thúc được thiên hạ tán tụng “Tuệ tăng” giờ đây toát lên nét đau khổ, tức thì giật mình sợ hãi.

Nhưng đáp lại cậu, chỉ có bóng dáng hòa thượng cúi đầu cầm hoa, lặng thinh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện