Dịch: Vạn Cổ

Biên: Mèo Bụng Phệ

Thật ra, dựa vào quyền thế của Tiêu gia, nếu vị công tử kia muốn dấn thân vào quan trường, dù không cần tham gia khoa cử thì gã vẫn có thể nhận được một chức quan. Cơ mà, việc tham gia khoa cử không những để đám thư sinh và dân chúng trong cả nước tìm đến với con đường quan tước, mà còn là một phương pháp để mấy đứa con ông cháu cha chứng minh bản thân mình. Chỉ cần ngươi không phải một tên công tử bột, thì nhờ vào sự ủng hộ của một gia tộc hiếu học, cộng thêm một vài mối quan hệ riêng, cơ bản là một vị công tử sẽ có được thành tích không quá kém trên trường thi.

Trong khi chèo thuyền đi, Kế Duyên vẫn nghe được câu nói tìm người uống trà của lão gia nọ. Đây rõ ràng là bày tỏ việc kết nối mối quan hệ riêng có ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi, nhưng vị công tử kia cũng không hề phản đối. Có lẽ đây cũng là một tập tục nào đó đã được ước định trong nội bộ tầng lớp cai trị tại vương triều thời phong kiến.

Dĩ nhiên, bọn người này cũng không dám vượt quá chức trách một cách nghiêm trọng, cao lắm là tiết lộ một phương hướng ra đề, để giảm bớt công sức học hành mà thôi. Ai mà dám đùa giỡn dưới sự uy nghiêm của Hoàng đế chứ? Biết bao tấm gương về các vị quan lại phải lãnh án cực hình vì tiết lộ đề thi trong lịch sử Đại Trinh còn rành rành ra đó cơ mà.

"Doãn phu tử ơi, chỉ trách ông xui, đối thủ cạnh tranh của ông lần này có thể ví bằng bốn từ "cường giả như mây" đấy!"

Thuyền ô bồng trôi xa dần, khuất khỏi tầm nhìn của chiếc thuyền lớn kia.

Sắc trời tối hẳn, Kế Duyên dứt khoát đẩy mạnh tay chèo. Mái chèo phổ thông ấy vạch một làn dài trùng điệp trên mặt nước phẳng lặng, đẩy thuyền nhỏ lướt đi thật xa. Bên cạnh đó, nhờ có pháp lực gia trì, nhành gỗ tầm thường này rất rắn chắc, không phải lo chịu lực mạnh hơn thông thường mà gãy ngang.

Chưa đến nửa đêm, thuyền ô bồng nho nhỏ lướt ngang qua Trạng Nguyên độ. Phía bên kia bến tàu, có đèn lửa, có quán rượu, cũng có khách sạn. Miếu Giang Thần nằm cách dòng Thông Thiên giang không xa lắm, tại đó có đèn lồng treo cao, khói hương lượn lờ.

Thế nhưng, dòng sông này lại vắng ngắt, vì hiện tại đang là đêm đông rét căm căm.

Không lâu sau, Kế Duyên chèo thuyền đến neo ở bến đỗ thường ngày, rồi thở phào nhẹ nhõm. Chẳng biết lão Trần kia có sốt ruột vì không tìm thấy mình, rồi đi báo quan hay không nữa? Kế Duyên cũng chẳng quan tâm nhiều về việc đó. Hắn buộc chặt thuyền cạnh bờ, sập hai cánh cửa tre ở hai bên ô bồng, rồi nằm trên thuyền, đắp chăn ngủ say.

Sáng hôm sau, một tiếng kêu gọi thuộc vọng đến từ bờ sông.

"Kế tiên sinh? Kế tiên sinh, là ngài à? Kế tiên sinh ới ơi!"

Thật ra Kế Duyên đã mở mắt ra khi nghe được tiếng bước chân từ đằng xa, vì thế ngồi dậy chui ra khỏi ô bồng.

Thấy Kế Duyên đi ra, ông lão trên bờ cũng yên tâm hẳn.

"Này này, Kế tiên sinh, mấy ngày nay, ngài chèo thuyền đi đâu vậy? Trời rét như thế này, ngài muốn đi đâu cũng nên báo cho lão một tiếng chứ. Lão chỉ sợ ngài..."

Giọng nói của lão Trần đến đó bèn ngập ngừng đi, nhưng Kế Duyên cũng hiểu ý tứ mà ông ta định nói. Do đó, hắn vô cùng xấu hổ, bèn chắp tay với lão Trần.

"Do Kế mỗ không đúng, suy xét chưa được chu đáo.. Mong Trần lão bá thứ lỗi. Mấy ngày trước, ta không câu được con cá nào, lại gặp một người bạn tốt mách rằng, chỉ cần chèo thuyền đi xa một chút là sẽ câu được cá. Do ta cũng muốn chèo thuyền ngắm tuyết, vì thế liền chèo theo người kia, cũng quên nói với lão bá một tiếng."

Lão Trần lắc đầu, giơ tay ngoắc Kế Duyên vào.

"Ngài đi nhiều ngày đến thế, dọa cho thân già này phát hoảng. Mà ngài về thì tốt rồi, về được là tốt..."

Giận dỗi một hồi, lão Trần đã bình tĩnh trở lại. Thật ra cũng do Kế Duyên dễ nói chuyện, nên ông ấy mới dám lải nhải như thế.

Theo thói quen, lão Trần bèn nhìn giỏ cá treo tại đầu thuyền của Kế Duyên, quả nhiên bên trong trống rỗng.

"Kế tiên sinh, ngài và bạn mình vẫn không câu được cá ư?"

"Đúng vậy. Không câu được con nào. Bọn ta mất hết cả hứng!"

"Ai cũng như ai cả! Gần đây có chuyện quỷ quái gì ấy nhỉ? Dân làng trong thôn cũng không bắt được mẻ cá nào. Bọn cá chẳng dám ló đầu lên, cho dù chúng tôi thả lưới cũng chỉ được vài mẻ tôm tép nho nhỏ, trong khi chẳng có con cá nào mắc câu. Kế tiên sinh, ngài có nghĩ rằng chuyện này sẽ kéo dài đến đầu xuân năm sau hay không?"

Ông lão vừa nói, vừa bước đến bờ sông, đưa cho Kế Duyên một bánh bao gói lá sen* còn nóng hôi hổi.

Mũi của Kế Duyện giật nhẹ, vui vẻ tiếp nhận bánh lá sen, rồi thuận miệng nói:

"Mọi người có từng khấn vái vị nương nương linh thiêng cai quản con sông này hay không?"

"Đã khấn cầu rồi, làm sao mà không cầu được chứ?"

"Vậy tình hình chắc sẽ tốt hơn nhanh thôi! Giờ ta chuẩn bị rời đi!"

"Ài... Hy vọng là như thế! À đúng rồi, Kế tiên sinh có muốn uống rượu không? Nếu ngài muốn, sau giờ Ngọ, lão sẽ chuẩn bị cho ngài một bình rượu đặc sản địa phương."

Kế Duyên ngẫm nghĩ một hồi, dường như lần trước chưa uống hết rượu đã bị lão Long cuốn cả người và thuyền mang đi.

"Không cần không cần. Ta còn lại một ít rượu, nếu cần ta sẽ lên tiếng với lão bá sau."

"Tốt tốt! Vậy Kế tiên sinh cứ từ từ mà dùng, thân già này đi trước vậy."

"Được, lão Trần đi thong thả!"

Lão Trần đã an tâm rất nhiều, bước chân đi đường có vẻ thong dong hơn. Ông ấy đúng là có quan tâm đến Kế Duyên, nhưng phần lớn sự lo lắng trong lòng ông ta xuất phát tự nỗi sợ xảy ra án mạng.

Chờ lão Trần đi xa, Kế Duyên bèn dây thừng neo thuyền ra khỏi cọc cạnh bờ, đẩy mái chèo đưa con thuyền lướt đi.

Bọn yêu tinh Thủy tộc vùng khác, đặc biệt là hàng loạt chi thứ của dòng dõi Giao Long đang dần dần rời khỏi. Không bị bọn chúng quấy nhiễu, thủy sinh vật bên trong dòng sông này sẽ khôi phục sớm thôi.

Cũng như thường ngày, Kế Duyên tìm một vị trí thích hợp rồi ngồi tại mũi thuyền, vừa dùng mấy con trùng mập làm mồi câu cá, vừa mở lớp lá sen ra để thưởng thức chiếc bánh bao bên trong. Hắn còn đặt một quyển sách mới mượn từ lão Long lên đầu gối, vừa ăn, vừa câu cá, vừa đọc.

Tên của quyển sách này là "Ngự Luận", tuy không phải là Thiên Lục Thư, nhưng cũng chẳng phải là một quyển sách tầm thường. Do đó, Kế Duyên nhận thấy rõ ràng, dường như có một loại huyền cơ nào đó bên trong những dòng chữ trên từng trang sách. Ai có định lực không đủ, nhìn chằm chằm vào nó một hồi, chắc chắn sẽ cảm giác đầu váng, mắt hoa, thậm chính gặp ảo giác.

Quyển này cũng giống những quyển mà Kế Duyên có được trước kia, không hề thấy ghi tên tác giả.

Kế Duyên từng nghĩ đến một lý do khác thú vị, nhưng khá ác ý. Cơ bản là mọi người đều sống trong một thế giới có Ma, Tiên, Đạo tồn tại. Những vị tác giả đó e sợ mình gợi tả đến một thực thể nào đó, liền bị bản thân các thực thể ấy - những vị cao nhân, hung yêu trong chính quyển sách - không vừa mắt, trực tiếp tìm đến đòi luận đạo hay quyết đấu một phen. Đó là lý do mà tác giả chẳng bao giờ dám ghi tên mình lên sách.

"Ngự Luận" không phải là một cuốn kinh thư dạy tu luyện pháp quyết. Chính xác hơn, nó là một quyển sách trợ giúp người đọc hiểu rõ hơn về pháp quyết một chút mà thôi, thuộc dạng sách "Ngự pháp". Thông thường, mấy cuốn sách dày cỡ này đều là sách hỗn tạp, tựa như "Ngoại Đạo truyện" và "Thông Minh sách."

Tuy nhiên, điểm quan trọng ở đây là mấy loại sách hỗn tạp thế này có nội dung rất là thú vị!

Người người đều thừa nhận một chuyện, đó là "pháp bất khinh truyền." Nội dung của những bộ pháp quyết chân chính cũng sẽ không pha tạp nhiều đến như vậy, thường được bảo tồn trong những vật phẩm quý giá, đầy tính truyền thần, tương tự như mấy khối ngọc giản khác trong tay Kế Duyên vậy.

Ấy thế mà, Kế Duyên cho rằng, luôn luôn có một số kiến thức vĩ mô mà người ta có thể học hỏi bên trong những quyển sách dạng này. Những ý tưởng phóng túng, khoáng đạt trong đây đều rất đáng giá để hắn suy ngẫm. Từ nội dung cơ bản đến cao thâm trong quyển Ngự Luận, tác giả giấu tên đã nêu lên một số nghiên cứu của bản thân trong các pháp quyết có tác dụng điều khiển nguyên tố, ví dụ như điều khiển nước, điều khiển lửa, điều khiển gió, điều khiến sấm sét... Người đó không bàn luận về các loại Chính pháp, chỉ nêu lên những tâm đắc và suy luận của bản thân.

Căn cứ vào nội dung trung tâm trong bàn luận về pháp quyết điều khiển và các lời suy đoán, Kế Duyên có thể phân tích ra đạo hạnh và sở trường của tác giả quyển sách một cách dễ dàng. Ví dụ như điều khiển sấm sét, hắn chắc chắn tác giả không hề rành món này, vì nội dung cơ bản về sấm sét mà tác giả ghi trong sách chỉ toàn là giả thuyết, đắn đo hoặc chờ mọi người nghị luận sau.

Miệng ngậm bánh bao, tay lật sách, hắn đọc đến một đoạn khá đặc sắc. Nội dung nói về việc điều khiển nước phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ thỏa mãn nguyên lý "trong nhu có cương", đoạn này làm Kế Duyên khá là đồng tình, không bàn mà trùng ý. Cái kiểu chạm vào chỗ ngứa trong lòng thế này khiến Kế Duyên hớn hở ra mặt.

Bỗng nhiên, cần câu mảnh khảnh nơi tay trái run nhẹ, phao nổi khẽ dập dờn. Kế Duyên bèn nhét nửa chiếc bánh bao ăn dang dở trong tay phải vào mồm, rồi nhìn chằm chằm về chiếc phao kia.

"Cá cắn câu ư?"

Kế Duyên nhìn xuống mặt nước một hồi, rồi nhếch miệng cười khẽ. Sau đó, hắn quay đầu, nhìn về phía xa xa trên đường cái, bèn thấy hai người thư sinh đang cõng hộp sách sau lưng đang kết bạn cùng đi.

"Doãn huynh, đều do ta liên lụy đến huynh. Phải chi ta nhận ra cái âm mưu ấy, đằng này khư khư không nghe lời khuyên của huynh, để rồi cả hai chúng ta đều mất đi lộ phí..."

Một trong hai người thư sinh ấy vẫn than thở không ngừng.

Dĩ nhiên Doãn Triệu Tiên cũng tức giận, nhưng lại hào hiệp với đồng bạn vô cùng.

"Được rồi, Sử huynh. Đừng tự trách mình nữa, xem như vấp ngã một lần thôi mà."

"Nói thì nói vậy, không ngờ bọn cặn bã ấy lại dám đóng giả lương thiện, tố giác chúng ta là kẻ xấu nữa chứ. Nếu không nhờ Doãn huynh có thân phận là Giải Nguyên ở Kê Châu, suýt nữa hai ta bị tống giam vào ngục rồi. Giờ nghĩ lại, thật khó mà nuốt trôi cục tức này!"

Doãn Triệu Tiên nắm chặt dây đeo hòm sách, xoa xoa hai tay tạo nhiệt giữa không gian lạnh giá, rồi quay sang nhìn kẻ đi bên cạnh mình.

"Nếu huynh muốn như thế, chúng ta càng phải vượt qua kỳ thi này, đạt được công danh. Trong tương lai, nếu được làm quan, chúng ta sẽ không bao giờ để vụ án như hôm nay xảy ra nữa. Tai họa ngày hôm nay có thể là phúc báu trong tương lai đấy!"

"Có lý có lý! Doãn huynh nói đúng!"

Hai người vừa đi vừa trò chuyện, một lát sau mới đến gần bờ Thông Thiên giang. Nội dung câu chuyện của bọn họ đa phần xoay quanh vấn đề có đủ tiền đi đò sang sông hay không, còn vài tháng nữa là cuộc thi tuyển bắt đầu, làm sao vượt qua quãng thời gian vất vả trong mấy ngày sắp tới.

"Có một bác lái đò bên kia thì phải, hay là chúng ta đế hỏi xem từ đây đến Trạng Nguyên độ còn xa hay không?"

"Cũng được, đến hỏi thử xem nào!"

Dù hai người thư sinh khá mệt mỏi, nhưng vẫn bước đi ráo riết.

Bên dưới đáy sông, có một con Dạ Xoa đang nghi hoặc, chẳng hiểu tại sao tên ngư dân này lại không kéo cần, hay do hắn ta bị mù, không biến cá đã cắn câu? Hay là mình nên đổi một con cá khác to lớn hơn để móc vào lưỡi câu nhỉ?

Long Tử điện hạ đột ngột bảo gã chờ ở đây, nếu thấy một người nọ đến thả câu, phải thỉnh thoảng bắt vài con cá mập mạp đến mắc vào lưỡi câu cho người ấy câu dính. Tuy Dạ Xoa không rõ mô tê chi cả, nhưng không dám hỏi nhiều, chỉ biết làm theo mệnh lệnh.

Vừa định đổi một con cá khác cho người ngư dân trên kia, bỗng gã đánh cá ngồi trên thuyền nhỏ ấy đột ngột kéo cần một cái.

Doãn Triệu Tiên và thư sinh họ Sử vừa đến ven bờ, còn chưa kịp thét gọi về hướng chiếc thuyền ô bồng nho nhỏ kia, bèn thấy gã lái đò kéo cần lên. Ngay lúc ấy, một con cá mè hoa** trắng toát nặng tầm hai mươi, ba mươi ký nhảy lên từ mặt sông khiến bọt nước bắn tung tóe.

(*) Bánh bao gói lá sen vừa là một loại thức ăn nhanh, cũng là món chính trong ẩm thực Trung Hoa. Bánh có lớp vỏ ngoài trắng trẻo, ăn vào sướng miệng, tốt cho người bị thiếu máu.(**) Cá mè hoa là một loài cá mè có đầu không vảy lớn, miệng lớn, và đôi mắt nằm rất thấp trên đầu. Cá trưởng thành thường có một đốm màu xám bạc, thể hình khá lớn. Cá mè hoa nguồn gốc những con sông lớn và các hồ vùng đồng bằng ngập lũ có liên quan của Đông Á.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện