Gia đình ông Lê sâm có bốn người con. Con trai cả Khánh Phương, như đã giới thiệu trước đó, anh ta là giám đốc thương hiệu trang sức Jolie. Cô con gái thứ nhất tên Khánh Huyền năm nay hai mươi chín tuổi. Khánh Huyền xinh đẹp, tài giỏi, đầu óc nhạy bén hơn hẳn anh cả nên được bổ nhiệm làm giám đốc kinh doanh cho công ty Thuận Thiên, thương hiệu nông sản của gia đình Lê Sâm. Chồng Khánh Huyền là Phát Tiến, phó giám đốc của công ty Thuận Thiên.

Cô con gái thứ hai là Khánh Ngọc năm nay hai mươi bảy tuổi. Có thể nói Khánh Ngọc và Khánh Huyền như Thúy Kiều và Thúy Vân vậy, nhan sắc và tài năng đều mười phân vẹn mười. Chị hai chịu trách nhiệm sản xuất chế biến nông sản, cô ba thì chịu trách nhiệm quản lý điền trang, chăm sóc cây trồng và quản lý nhân công.

Gia đình ông Lê Sâm có lẽ sẽ là gia đình chuẩn mực và hoàn hảo nhất nếu như không có sự cố ở tuổi ba mươi, hai vợ chồng ông Lê Sâm bị vỡ kế hoạch và sinh thêm một cô con gái út. Cô con gái được sinh ra chỉ vì sự cố ấy không chỉ gầy yếu hơn các anh chị em lại còn mang dáng vẻ xấu xí khác thường, cô bé có một vết bớt nằm tròn trịa ngay con mắt bên phải, vì đứa trẻ còn quá bé, vết bớt lại nằm ở vị trí nhạy cảm nên không thể làm phẫu thuật nên gia đình ông bà không còn cách nào khác phải để nguyên. Không ngờ càng lớn, vết bớt càng lan rộng ra gần nửa khuôn mặt.

Ba đứa con đầu ai cũng xinh đẹp sáng sủa, chỉ có đứa út tự nhiên lại mang vẻ xấu xí khiến cho bà Thu Minh và ông Lê Sâm vô cùng phiền muộn. Ông bà gần như không muốn người ngoài biết đến sự hiện diện của cô con gái út. Cô bé rất ngoan ngoãn, thông minh, chịu khó tuy nhiên vẫn chuốc rất nhiều phiền phức cho gia đình khi đến tuổi đi học. Bị bạn bè chọc ghẹo, bị đánh, bị bạo hành tâm lý ở trường học khiến cô bé bị sợ hãi và trầm cảm. Để bảo vệ con gái cũng như tránh đi những ánh mắt soi mói và so sánh của người ngoài dành cho bốn đứa con nên ông bà quyết định gửi cô con gái út cho một người quen ở nước ngoài chăm sóc. Mười lăm tuổi, cô con gái út rời xa gia đình và từ đó đến nay đã bảy năm, cô con gái út chỉ mới về nhà đúng một lần năm mười tám tuổi. Mãi cho đến hôm nay, khi bất ngờ có người muốn nhắc lại hôn ước vào hai mươi mốt năm trước, ông bà Lê Sâm mới miễn cưỡng cho gọi con gái út về nhà.

Người con gái út không ai nhà Lê Sâm muốn nhắc đến, một cô con gái mang nhiều khuyết điểm và phiền phức cho gia đình ấy có tên Khánh Đan, vừa tốt nghiệp loại ưu khoa Quản trị kinh doanh trường đại học New City, Úc.

Chiếc ô tô bảy chỗ ôm lấy đường đèo, xuyên qua những tán rừng nguyên sinh trong màn đêm tĩnh mịch vừa phủ xuống cao nguyên. Khánh Đan được tài xế riêng của gia đình đích thân xuống tận sân bay thành phố rồi chở thẳng về biệt thự Lê Sâm. Phần vì họ sợ cô lâu ngày đi xa không về sẽ không còn nhớ rõ đường đi lối lại, phần vì họ không muốn nhiều người lạ dòm ngó Khánh Đan khiến cô không thoải mái. Và một lý do nho nhỏ sâu xa là họ không muốn nhiều người biết cô là con gái út của gia đình Lê Sâm.

Ngồi lặng yên ngắm nhìn quang cảnh ngoài cửa sổ ô tô, lớn lên ở đất mẹ với nhiều kỷ niệm không vui nên khi trở lại nơi đây khiến cho Khánh Đan thấy mình giống như một khách vãng lai chứ không có chút nào cảm xúc nhớ nhung quê cha đất tổ. Khánh Đan vừa vui mừng lại vừa cảm thấy căng thẳng khi nghĩ đến phản ứng của người nhà.

Năm mười tám tuổi cô về đúng vào dịp tết Nguyên Đán, bạn bè của ba mẹ, anh chị đến nhà chúc tết, thăm hỏi rất đông. Và thế là cô trở thành cái gai trong mắt họ, họ bắt cô ở suốt trong phòng vào những ngày tết, hoặc sẽ bảo tài xế chở cô đi chơi suốt cả ngày để không có mặt ở nhà, tránh việc người khác nhìn thấy và biết được cô là cô con gái út xấu xí của gia đình. Mặc dù họ không nói thẳng ra, tuy nhiên việc thích hay không thích sự hiện diện của một người chỉ cần vài biểu hiện là có thể nhìn ra ngay.

Xe ô tô lái chậm dần rồi rẽ vào biệt thự Lê Sâm. Tách biệt khỏi phố thị náo nhiệt, biệt thự Lê Sâm ít nhất vẫn là một nơi yên tĩnh đáng để quay về của Khánh Đan. Từ xa cô nhìn thấy mẹ, anh cả và chị dâu đang đứng đợi ở ngoài bậc thềm, nhìn thấy xe của cô, họ háo hức chạy đến, trông có vẻ như rất sốt ruột.

Khánh Đan chưa kịp mở cửa xe thì Khánh Phương đã nhiệt tình mở dùm, vui vẻ chào đón:

- Út của nhà ta về rồi! Có mệt không em?

Khánh Đan bước ra khỏi xe, chiếc mũ lưỡi trai đội sập xuống mặt, che đi đôi mắt đang ngơ ngác và hoang mang. Cô nhìn anh cả rồi lại nhìn cô gái đứng phía sau anh thêm một lần sau đó lại quay qua nhìn mẹ đang đứng ở đầu xe, đúng là mẹ rồi, đúng là gia đình mình rồi. Vậy sao mà thái độ của anh cả kì lạ đến mức cô không dám tin thế này? Anh cả có bao giờ thích cô đâu, ở trong nhà, anh cả là thể hiện ghét cô ra mặt nhiều nhất, từ bé đến lớn chưa từng bế cô một cái nào.

Trong trí nhớ của Khánh Đan, anh cả luôn là người giành hết tình yêu thương của mẹ, dù cô là con gái út nhưng người được mẹ chăm sóc kỹ lưỡng nhất luôn là anh cả. Khánh Đan cất nỗi bận tâm của mình vào sâu trong lòng, đứng nghiêm chỉnh lễ phép cúi đầu chào mẹ:

- Con chào mẹ ạ.

Bà Thu Minh mỉm cười nhìn cô trìu mến rồi bước đến ôm chặt lấy cô. Sự xa cách vời vợi, sự nhớ nhung khôn tả đã giam giữ từ lâu trong lòng Khánh Đan bỗng chốc vụn vỡ. Cô mềm đi trong tay mẹ, nỗi tủi thân dâng lên mí mắt biến thành những giọt lệ chậm rãi rơi xuống gò má ửng hồng.

Sau phút giây xúc động, bà Thu Minh cuối cùng cũng buông con gái ra rồi nói với Khánh Phương:

- Mau đưa đồ của em con lên phòng đi.

Rồi bà nắm tay Khánh Đan dắt cô vào trong nhà:

- Nào vào nhà thôi. Ba đang ở trong phòng khách chờ con nãy giờ đấy.

Trong nhà, ba cô là người kiệm lời nhất nên từ nhỏ cô đã ít trò chuyện với ba. Tuy ông ấy không tỏ rõ ghét hay yêu cô nhưng tình cảm cha con đối với cô cũng khá hời hợt. Mọi chuyện liên quan đến cô, ông đều để cho mẹ quyết định, không có ý kiến.

Khánh Đan đứng nghiêm trước cha, tháo mũ và cúi đầu chào hệt như đối đãi với một vị khách quý. Ông Lê Sâm nhìn cô, gật đầu nhẹ rồi nói:

- Đi đường xa chắc mệt rồi, mau lên phòng tắm rửa nghỉ ngơi đi. Tối nay đại gia đình ta sẽ cùng ăn tối.

Cuộc đoàn tụ gia đình suốt mấy năm không gặp diễn ra nhạt nhẽo như thế đó, nhưng với Khánh Đan đây là chuyện khá bình thường. Cô không dám cầu nhiều hơn sự quan tâm chiều chuộng từ họ.

Khánh Đan được chuẩn bị một phòng ở lầu hai, nằm phía bên ngoài cùng và có ban công rộng đặt một bộ bàn ghế nhỏ để ngồi uống trà, hóng gió. Để so sánh Lê Sâm với Trần Cao thì đúng là một trời một biển, tuy nhiên so với căn phòng trọ bình dân ở Úc và căn biệt thự được kiến trúc sư thiết kế riêng này thì Khánh Đan chẳng khác nào dân thường bước vào chốn thượng lưu sang chảnh. Mọi nội thất trong biệt thự Lê Sâm có thể so sánh với một khách sạn ba đến bốn sao.

Hôm nay nhà có việc quan trọng nên tất cả thành viên trong nhà đều có mặt đầy đủ. Hai vợ chồng Khánh Huyền có nhà cách biệt thự Lê Sâm cũng không xa, chạy ô tô chỉ mất chừng mười đến mười lăm phút là tới. Chị ba Khánh Ngọc chưa kết hôn nên vẫn ở biệt thự Lê Sâm cùng với ba mẹ, lúc nãy khi Khánh Đan về thì chị Khánh Ngọc còn chưa đi làm về, là một cô gái tham công tiếc việc nên thường Khánh Ngọc không về nhà trước tám giờ tối. Còn anh cả Khánh Phương, về nhà đã được một tuần rồi, có nhà cửa đầy đủ khang trang ở thành phố nhưng do chưa thực hiện được mục đích chính khi trở về biệt thự Lê Sâm nên còn chưa chịu đi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện