Mọi người lâu lắm mới đoàn tụ, còn tưởng hôm nay là tết Nguyên Đán, vì cả nhà rộn rã nói cười. Khánh Đan vừa tắm rửa xong. Cô mặc chiếc váy màu trắng ngà, tay bồng, cổ bèo, được mẹ cẩn thận chuẩn bị khiến cho Khánh xuất hiện như một cô công chúa nhỏ. Từ trên lầu bước xuống, nghe thấy tiếng nói cười rộn rã của gia đình khiến cô còn tưởng mình đang ở trong mơ. Khi cô đang thẫn thờ bám lấy tay vịn ở giữa cầu thang thì có tiếng của cô hầu gái:

- Cô út! Tôi đang định lên phòng mời cô xuống. Cô mau xuống nhà dùng bữa đi, mọi người đang chờ cô đấy ạ.

Ở biệt thự Lê Sâm không có nhiều hầu gái, chỉ có ba cô gái tuổi hai mươi lăm đến ba mươi và một quản gia bốn mươi lăm tuổi. Cô hầu gái trước mặt Khánh Đan trông còn rất trẻ chắc bằng tuổi Khánh Đan là nhiều. Ngày còn bé, ngoài không thân với anh chị em, Khánh Đan còn gặp khó gặp khó khăn khi nói chuyện với người làm. Thường những cô hầu gái cũng không để ý chăm chút đến Khánh Đan nhiều, thậm chí là còn lơ luôn những yêu cầu của cô. Đối với họ, phục vụ ba anh chị của Khánh Đan mới là quan trọng, còn Khánh Đan chẳng khác nào là con rơi, là người vô hình trong nhà nên dù có làm cô phật ý cũng chẳng sao.

Ngược lại với những ấn tượng không tốt về những cô hầu gái, người con gái trước mặt Khánh Đan nhìn cô với ánh mắt dịu dàng và ấm áp. Khánh Đan ngập ngừng hỏi:

- Chị tên gì?

Cô gái mỉm cười đáp:

- Tôi tên là Lanh, hai mươi hai tuổi, tôi bằng tuổi của cô út đấy ạ.

Như tìm được một người đồng hương giữa chốn đất khách quê người, lòng Khánh Đan nhẹ nhõm hơn nhiều khi nhìn thấy sự thân tình trong đôi mắt của cô gái mới quen. Khánh Đan mỉm cười bước xuống ngang bằng với Lanh:

- Vậy tôi sẽ gọi cậu bằng tên nhé! Lanh!

Lanh vui vẻ ra mặt, cười tít:

- Vâng, cô út.

Khánh Đan muốn nói Lanh cứ gọi mình bằng tên, tuy nhiên quy định trong nhà là người hầu gái không được gọi tên chủ nên thôi, cô không sửa nữa. Khánh Đan bước đi trước, Lanh nối gót theo sau, cả hai cùng tiến về phòng ăn náo nhiệt. Người nhà không mấy thân thiết, lâu ngày gặp lại cũng chỉ là những câu chào hỏi lấy lệ rồi cùng nhau ăn tối như một bữa tiệc mà những khách mời đều là những người mới gặp nhau có vài lần.

Sau bữa ăn tối, gia đình không ai rời khỏi chỗ ngồi. Hầu gái bưng trà bánh lên rồi cũng rời đi hết để gia chủ có một cuộc họp gia đình hoàn toàn riêng tư.

Ông Lê Sâm nghiêm nghị nói:

- Hôm nay ba gọi các con về đây đông đủ là muốn thông báo một chuyện. Chuyện này liên quan đến Khánh Đan.

Khánh Đan bỗng trở thành tâm điểm khiến cô vô cùng căng thẳng. Thật ra mọi người trong gia đình đều đã biết được mục đích của cuộc họp này, chỉ có cô là chưa biết gì cả. Mọi người hướng mắt về cô, chị hai và chị ba không biểu hiện gì nhiều, gương mặt khá điềm tĩnh và lạnh lùng. Anh cả và chị dâu là nhìn cô như thể nhìn thấy cứu tinh, mắt sáng lấp lánh, môi cười xinh như hoa hậu. Chỉ có mẹ là lộ ra vẻ suy tư lo âu nhiều nhất, báo hiệu cho cô biết, chuyện sắp xảy ra với mình không tốt lành cho lắm.

Ông Lê Sâm chậm rãi kể về mối quan hệ của Trần Cao và Lê Sâm cho các con nghe, một bí mật mà những đứa con trong gia đình chưa bao giờ được nghe kể lại. Các anh chị khi biết ba mình từng có mối quan hệ thân thiết với Trần Cao thì tỏ ra vô cùng hào hứng, còn Khánh Đan thì khá thờ ơ, do cô ở nước ngoài lâu năm nên việc gia đình nào giàu có ra sao cô cũng chẳng mấy quan tâm.

Vì chuyến bay đường dài lại còn phải di chuyển một chặng rất xa từ sân bay về nhà nên Khánh Đan hơi bơ phờ, cô nghe tai nọ xọ tai kia, vẫn chưa thấy mình có liên quan gì đến cuộc họp quan trọng này.

Ngừng lại một chút, ông Lê Sâm chầm chậm nâng tách trà nóng lên uống rồi mới vào vấn đề chính:

- Giữa chúng ta và Trần Cao còn có một hôn ước được định vào hai mươi mốt năm về trước. Và giờ đây gia đình Trần Cao muốn được tổ chức hôn sự, hoàn thành hôn ước năm đó.

Khánh Đan vẫn đang trên mây, gật gù theo phản xạ, không biết rằng cả nhà đang nhìn mình chằm chằm. Thấy ba và mọi người im lặng không nói gì, cô mới giật mình nhìn lên, bối rối trước ánh mắt chăm chú của mọi người. Cô vội vàng chấn chỉnh lại bản thân, vô tư đáp:

- Hôn… hôn sự với Trần Cao ạ? Gia đình ấy nghe kể cũng là một gia đình gia giáo và có điều kiện. Nếu chị ba thích nhà bên đấy thì chúng ta cứ tiến hành thôi ạ.

Vợ chồng Khánh Phương bật cười, Khánh Huyền và Khánh Ngọc lắc đầu ngao ngán. Họ thong thả uống trà, cười cho sự ngây thơ ngờ nghệch của cô em út. Nhìn thấy biểu hiện của anh chị khiến Khánh Đan càng lo lắng thêm bội phần. Cô nói sai ở đâu sao?

Ông Lê Sâm cuối cùng cũng lên tiếng phá vỡ sự ngượng ngùng của cô con gái út:

- Không phải chị ba, hôn ước của nhà Trần Cao là của con, Khánh Đan à.

Khánh Đan sửng sốt, cơ mặt như bị đóng băng, môi cười không thể thu lại cũng không thể cử động được. Cô chớp mắt, lắp bắp hỏi lại:

- Ba nói sao cơ? Hôn… hôn ước là của con? - Cô bật cười phi lý - Không thể nào! Trong ký ức của con làm gì có hôn ước nào với gia đình đó? Cha nói hôn ước của hai mươi mốt năm trước mà, khi đó con chỉ mới tròn một tuổi…

Ông Lê Sâm chen lời:

- Đúng vậy, hôn ước được tổ chức khi con tròn một tuổi. Thế nên con hoàn toàn không nhớ đến chuyện này.

Trong khi các anh chị tủm tỉm cười như đang xem trò vui, cô chỉ biết ấm ức ngồi nhìn tất cả họ và nhìn cha mẹ với ánh mắt oán trách. Khánh Phương và vợ còn đùa vui:

- Cô út thích nhé! Sắp được làm dâu nhà giàu.

- Phải đấy. Do cô út tu đức của mấy kiếp nên kiếp này mới có thể thành con dâu nhà Trần Cao.

Khánh Đan siết chặt bàn tay, kìm nén sự tức giận và ấm ức trong lồng ngực. Làm sao lại có chuyện vô lý như thế! Cô sẽ không kết hôn với người mình không yêu!

- Con sẽ không kết hôn với người mình không yêu! - Khánh Đan buột miệng quát lớn.

Cả nhà căng thẳng nhìn cô. Ông Lê Sâm cũng bị tiếng quát của cô làm cho sững người. Nhận thấy bản thân vừa vô lễ với cha mẹ, cô rưng rưng nước mắt, điều chỉnh âm giọng nhỏ lại, cô đáp:

- Hôn ước này con không đồng thuận, con sẽ không đồng ý. Mong cha mẹ hiểu cho con.

Khánh Phương thấy ba mẹ không có ý định khuyên nhủ cô út nên nóng ruột nói chen vào:

- Nhìn lại bản thân em đi, có khi phải ở giá đến hết đời. Giờ có người gia thế lẫy lừng đến tận cửa xin cưới còn bày đặt chê ỏng chê eo. Hơn nữa đây còn là bằng hữu thân tình của ba, em định để ba xấu hổ với người ta không ngẩng mặt lên được hay sao? Đúng là không biết lượng sức mình.

Lời của Khánh Phương đả kích thật mạnh vào tinh thần của Khánh Đan, cô bật khóc, nước mắt giàn giụa gò má. Cô muốn phản kháng nhưng nhận thấy điều anh cả nói đều có lý. Cô là một đứa con gái vô năng, xấu xí, muốn tìm được một tình yêu đã khó, chứ đừng mong có người muốn cưới cô làm vợ. Tình yêu ư! Đối với một người xấu xí như cô, tình yêu là điều xa xỉ hơn cả.

Ông Lê Sâm bất ngờ đập bàn làm cho cả nhà giật mình, Khánh Phương sợ hãi cụp đuôi, ngậm miệng lại. Ông Lê Sâm lườm con trai:

- Ở đây chưa đến lượt con nói. Ba còn chưa chết cơ mà?

Khánh Phương run rẩy cúi mặt đáp:

- Con xin lỗi ba.

Ra uy với con trai xong, ông điềm tĩnh nhìn về cô út:

- Ba chưa hề nói về việc bắt con phải kết hôn với con trai Trần Cao. Ba chỉ đang thông báo cho con biết mà thôi. Hai ngày nữa gia đình Trần Cao sẽ đến gặp con, con có hai ngày để suy nghĩ thật kỹ để biết cách đối đáp với gia đình bên đó như thế nào. Ba không xen vào quyết định của con. Sướng khổ sau này là do con chọn. Theo suy nghĩ lâu nay của ba, gia đình ta cũng không khổ sở đến mức phải làm thông gia với nhà giàu để được thơm lây, thế nên hai mươi năm qua ba mới không nhắc lại chuyện này. Tuy nhiên Trần Cao đã đích thân đến nhà đặt vấn đề, mong muốn có thể kết thông gia nên ba cũng vô cùng đắn đo. Con bây giờ cũng đã lớn, tương lai không biết sẽ về đâu, nếu có thể gửi gắm con cho một nơi chốn đàng hoàng thì ba cũng an lòng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện