Sự hỗn loạn trong nhà kho trưa hôm đó lại yên ắng tới bất thường, chỉ bằng một tán lá bàng rơi xuống sân trường, thậm chí là nhỏ hơn vì lá bàng rơi còn có người nghe thấy.

Khi đưa con nhỏ ra khỏi nhà kho, dường như không có ai ngoài nhân viên trong trường, một số thầy cô và bản thân thằng nhóc 17 tuổi là cảm nhận được mớ hỗn độn vào chập trưa thứ hai đầu tuần. Kể cả khi xe cấp cứu tấp vào cổng sau, nó ngay lập tức vụt đi như thể tới nhầm chỗ.

Trần Minh Điền đứng bơ vơ giữa bệnh viện khi thầy cô tìm nhân viên y tế, đặt Mẫn nằm lên cáng và đẩy thật nhanh vào khu vực sâu hơn trong bệnh viện.

Nó hỏi xin từng cô chú đứng trực quầy cho nó đi theo thầy cô. Ít nhất nó cũng muốn biết, muốn thấy cái Mẫn được đưa đi đâu, ra làm sao rồi. Nhưng cô chú nhân viên nào cũng lắc đầu, bảo nó ngồi đợi.

"Em ngồi đây, đợi cô", cô bí thư đoàn cũng chỉ nói ngắn gọn, dúi vào tay nó tí tiền xong cũng biến mất theo các y bác sĩ, để một mình nó ngồi thẩn thờ ở dãy ghế chờ phía quầy thủ tục.

Không khí trong viện lúc nào cũng ngột ngạt hơn bên ngoài và dù đã cố gắng thêm thắt những chậu cây xanh tô điểm cho nền trắng xám xịt xung quanh, Điền vẫn cảm thấy choáng váng mỗi khi hít thở vì hơi lạnh vào trong cuống họng.

Nó đành phải đứng dậy, chạy ra cái máy bán hàng tự động trong sảnh để mua chai nước cho tỉnh táo. Bệnh viện lại không dùng nước có ga, chỉ lác đác vài loại trà đóng chai cùng thật nhiều hãng nước lọc.

Tiền dành túi lại không bao nhiêu, Điền chỉ biết đứng gục đầu vào mặt kính của cái máy, bấu lấy tí hơi lạnh cho đầu óc giãn ra.

Dù có cố gắng sống đúng đắn thế nào, người tốt vẫn sẽ thiệt thòi hơn những kẻ chỉ biết đến bản thân mình.

Có lẽ sai lầm của Điền là quá hiền lành trước từng ngọn sóng đang ồ ạt đập vào người hai đứa nó nên chuyện như ngày hôm nay mới xảy ra.

Nghĩ tới đó, Điền đá vào cái máy nước tội nghiệp, mạnh đến nỗi cả thân máy rung rinh, nước bên trong chai nào cũng sóng sánh.

"Không được phá hoại!"

Có cô y tá đi ngang lườm nó một cái, Điền "dạ" một tiếng rồi vẫn đứng gục đầu vào cái máy bán hàng.

Điền không phải tuýp hay đổ lỗi bản thân nhưng có lẽ mọi chuyện từ đầu đã là sai lầm? Nếu không quen một người tệ như nó, làm sao mấy đứa tệ còn lại mò đến được Mẫn? Lúc nó còn đang nghiến răng nghiến lợi suy nghĩ, có một bàn tay nhăn nhúm vươn ra từ phía sau, khều lấy vai nó

"Con ơi," bà gọi.

"Con xin lỗi, con không có đá cái máy nữa đâu ạ." Điền quay ra sau, cúi gập người tạ lỗi.

"Ơ không, ngoại muốn hỏi con cái này thôi." Người phụ nữ vội sửa lời, bàn tay lo lắng nắm lấy vai cậu thanh niên, "Có người ta điện cho ngoại, bảo là cháu của ngoại bị vào viện. Giờ ngoại tìm nó sao con? Ngoại không có rành..."

Đứng thẳng người lên quan sát người bà trước mặt, Điền mới thấy rõ hơn khuôn mặt đang cố giấu đi niềm lo lắng nhưng chính cử chỉ và giọng nói lại đang phản bội bà.

Người bà run lên, đôi chân dầm mưa giãi nắng đã chẳng còn sức để đứng thật ngay, miệng bà méo đi vì muốn khóc, nhưng bà vẫn ở đây, vẫn cố gắng bình tĩnh, vì bà là người bà, là người phụ nữ của gia đình.

"Bà là bà ngoại của Mẫn đúng không ạ?" Nó mở to mắt hỏi, tí hi vọng loé lên trong giọng nói.

"Con biết Mẫn hả? Mẫn sao vậy con? Nó đâu rồi? Có bị gì không?" Như tìm được người chia sẻ, bà oà lên những lo lắng nãy giờ.

"Con không biết, thầy cô kêu con đợi ở đây..." Nó thấy áy náy vì không giúp được gì nhiều, "Ngoại đi với con sang quầy thủ tục xem sao!"

Vậy là hai bà cháu dẫn nhau chạy đến quầy thủ tục lần nữa để hỏi han tình hình cô cháu nhỏ của bà, lần này đã khác, cô chú nhân viên phải chỉ đường đi lối bước cho Điền vì nó đã có ngoại theo cùng.

Hai người mỗi người nhìn một hướng, nó chạy nhưng vẫn ngoẳng mặt kiểm tra người bà. Lên thang máy, nó bấm tầng hộ bà, thấy bà mất sức, Điền liền đứng lại đợi. Nhìn thấy được thầy cô trong trường đang đứng trước một phòng bệnh, cả hai lao đến quên cả mệt.

Mẫn không sao, gãy xương tay, nhưng chỉ cần bó bột. Con nhỏ ngất đi là vì thiếu nước và căng thẳng quá mức làm ảnh hưởng dây thần kinh, có thể tỉnh lại sau một lúc nghỉ ngơi.

Nói tới đó, ngoại thở phào một hơi, tay còn vỗ vỗ lưng Điền, nó cũng nhẹ hẳn người đi.

Cô bí thư đoàn dìu ngoại ngồi xuống băng ghế trong lúc chờ bác sĩ kiểm tra tình hình đứa cháu lần nữa.

"Không sao rồi, bác đừng lo nha. Còn em, cô có gọi cho mẹ em rồi đó."

"Dạ? Cô gọi mẹ em làm gì?" Nghe tới chữ đó, Điền như muốn sụp đổ.

"Đón em chứ gì nữa! Không sao rồi, giờ em về được rồi!" Cô vẫn cười cười, "Nhìn kìa, mẹ em tới rồi nè."

Khác xa so với những lúc ở nhà, bà An khi ra ngoài làm việc có một tác phong vô cùng đúng tuổi với chiếc áo sơ mi xanh rêu đơn giản kết hợp cùng quần tây ống suông đen và chiếc kính râm che đi biểu cảm khuôn mặt hiện tại, Điền lại thấy sợ hãi nhiều hơn thoải mái khi thấy mẹ xuất hiện ở đây.

"Mẹ Điền! Em chào chị!" Cô bí thư lập tức cúi chào khi thấy người phụ nữ tiến lại gần.

"Tôi chào cô. Cô cho tôi dạy con tôi xíu được không?" Bà cởi kính mát ra. Trong khi giáo viên còn đang chưng hửng trước câu hỏi, bà quay phắt sang thằng con, vố cho nó một bạt tai làm nó xiểng niểng.

"Mày bị thiểu năng hay cố tình không hiểu! Tao đã nói là không được đi đàn hát vớ vẩn! Tập! Trung! Học! Hành!" Mỗi chữ mẹ gằn lên là mỗi cú tât hơn trời giáng.

"Chị ơi từ từ!"

Phớt lờ cô giáo, không muốn để nó mở miệng ra, bà lại tát thêm lần nữa. Cú sau đau hệt cú đầu. Chưa kể những chiếc nhẫn cộm lên từng viên đá đập trên ngón tay mẹ đập vào xương hàm nó.

"Mẹ với anh hai đúng là mẹ con ruột!" Đã ôm mặt mà miệng Điền vẫn chưa sợ.

"Thằng ngu!" Tát nó đến lần thứ hàng chục, Điền dù nghiêng mặt sang hẳn một bên vẫn đứng sừng sững.

Nó dùng đôi mắt nâu sáng liếc nhìn mẹ mình, không một lời van xin mẹ dừng lại, cũng không thèm giải thích lấy một câu.

Bà An biết không có cú tát nào là nó không đau nhưng bà biết dù có thêm chục cái nữa, mặt Điền vẫn sẽ vênh lên, thứ thật sự đau duy nhất là bàn tay của bà.

"Mày đừng làm tao xấu hổ nữa. Lết xác về cho tao!"

"Không!"

Một chữ thôi là đủ để nó được mẹ tát thêm lần nữa. Nhưng bà ngoại đã đứng lên, ôm lấy tay mẹ nó vào rồi gào lên:

"Thôi cô ơi! Có gì từ từ nói với nó! Tôi cũng làm cha, làm mẹ, làm bà, thấy mặt nó bầm dập, chảy máu rồi mà cô vẫn đánh tôi xót quá!"

Minh Điền có lớn tới đâu cũng không đủ can đảm ngước nhìn hai bậc phụ huynh nói chuyện cùng nhau nên không thể thấy được nét mặt mẹ khi đó.

Sâu trong thâm tâm, nó mong mẹ cũng thấy xót cho mình giống như người bà nó gặp 15 phút trước.

"... Mày muốn làm gì thì làm. Có ngon thì đừng lết xác về không thì tao không chắc tao sẽ làm gì mày đâu."

Bà An chợt nhận ra tác phong điềm tĩnh của mình vừa mất đi vì vài giây nóng giận, vội chỉnh lại tay áo, thở một hơi trước khi lần nữa lườm nguýt thằng Điền rồi quay gót rời đi khỏi khung cảnh rối ren, như thể bà không quen biết ai đang đứng ở đây, kể cả con trai bà. Vì bà là người hiện đại, là một doanh nhân.

-0-

Ngay giây phút con nhỏ ấy chớm mở mắt, ánh sáng cam đậm của buổi chiều tà chiếu vào qua ô cửa sổ từ bao giờ. Tạ ơn trời vì bản thân còn có thể được nhìn thấy ánh sáng đỏ rực như lửa ấy qua những tán cây trong khuôn viên bệnh viện, Mẫn nghĩ.

Không mất đến giây thứ hai để nhỏ nhận ra sự hiện diện của cánh tay bị bó bột khi muốn trở mình né nắng. Mẫn không còn đau nữa, không cảm thấy gì thì đúng hơn nhưng vai vác cả cục bột thì mỏi nhừ rồi.

"Mẫn! Trời ơi!" Vừa thấy đứa cháu hơi loạc xoạc, ngoại đã đứng lên, chạy ra khỏi phòng bệnh khi nhỏ còn không biết ngoại đang ngồi gần đó.

Những người xa lạ xung quanh tự dưng cũng bớt đi phần nào căng thẳng khi thấy đứa cháu cuối cùng cũng tỉnh lại.

Phòng bệnh của Mẫn là phòng bệnh chung, nằm cùng tầm bốn, năm người khác. Mỗi giường lại được ngăn cách bằng một tấm rèm mỏng có thể kéo qua kéo lại.

Nơi Mẫn nằm lại ở ngay sát cửa sổ, là chỗ cho gió rì rào thổi qua, là chỗ để ngắm những chấm đèn dần sáng theo màn đêm buông xuống và xe cộ bon chen bên ngoài hàng rào bệnh viện.

Nhỏ đã nằm đây 4 tiếng kể từ lúc mọi người tìm thấy con nhỏ trong nhà kho sau trường.

Nhìn chung tình hình đều ổn nên nhỏ bảo ngoại về lo cho thằng Minh nhưng ngoại không chịu.

"Bộ xóm mình ích kỷ lắm hả? Mà mày cứ lo em mày chết đói!"

"Ngoại mà cứ ở đây chăm con là nhà mình chết đói thật. Sáng nay ngoại có thu rau chưa? Khuya sao ngoại có thời gian chuẩn bị rau? Mai ngoại định dậy mấy giờ?"

Hai bà cháu đốp chát nhau nhưng không ai thấy khó chịu. Người ta chỉ cười, vài người còn ghen tỵ vì bản thân không có ai để cãi nhau như vậy.

"Mày đuổi tao về đó hả? Tao nuôi mày lớn rồi mày đuổi tao về hả?"

"Không có đuổi, con mời mà! Con mời ngoại về ngủ!"

"Đấy! Mày đuổi đấy nhá! Tao về thật đấy!" không cãi lại nổi nữa, ngoại giả vờ đứng dậy, dọn hết đồ đạc trên bàn, giận dỗi bước ra khỏi phòng bệnh.

Ngoại giận thật lại hay, nay mai gì đó là Mẫn được về, chứng tỏ chuyện không có gì nghiêm trọng ngoài một xíu tẹo teo bất tiện do cánh tay gãy. Còn lại cũng không đáng lo, nhỏ nghĩ ngoại nên dành sức lo những chuyện khác đáng thời gian hơn.

Vừa dứt dòng suy nghĩ, cửa phòng lại đột ngột bật ra lần nữa. Nhỏ cười mỉm, biết chắc ngoại thương mình nên không dỗi được bao lâu.

"Nhưng mà con nói thật á! Ngoại về cơm nước cho thằng Minh giờ còn kịp. Con có cơm bệnh viện rồi."

"Mẫn ăn cơm bệnh viện à? Nhưng mà tao hỏi chị y tá thì cơm hôm nay chỉ có thịt luộc với rau củ dền thôi."

Không có bà ngoại nào cả, đứng trước buồng của Mẫn lại là Trần Minh Điền với bộ dạng không khác gì đứa lấc cấc. Tóc nó rối mù lên như bị vò, quần áo nửa bỏ thùng nửa không, chân còn mỗi đôi vớ, lại chả đi giày đàng hoàng. Tay Điền cầm một cái cặp lồng đung đưa qua lại.

"Giờ tao cười hay khóc đây trời..." Nhỏ méo miệng khi thấy nó xuất hiện trước mặt.

Rồi nhỏ quyết định dang hai tay ra, bắt được tín hiệu, Điền vồ tới, ôm siết nó vào.

"Tao sợ lắm!" Chẳng còn ngửi thấy được mùi sữa tắm bình thường của Mẫn, trên áo nhỏ chỉ còn mùi thuốc khử trùng bệnh viện lại làm Điền thêm xót lòng.

"Gãy tay thôi mà." Còn con nhỏ tận hưởng lắm khi được ôm lấy Điền. Chiếc áo sơ mi thấm mồ hôi lại không làm nhỏ buông tay nó ra.

"Xỉu nữa! Hình như còn bị thiếu máu, giảm bạch cầu-"

"Thôi im được rồi..." Mẫn vỗ vỗ tay lên cái ghế nhựa đỏ, ra hiệu nó ngồi xuống. "Sao mày lại ở đây?"

"Thay ca."

"Thay ca? Mày ở đây từ đầu hả? Suốt mấy tiếng luôn?"

"Ờ. Tao gặp ngoại lúc ngoại đi ra. Thấy ngoại ngồi trong đó cũng mấy tiếng rồi, tao bảo ngoại cứ yên tâm đi về."

"Vậy là ngoại yên tâm thật?" Nhỏ hỏi.

"Ừm, sao ngoại không tin con rể của ngoại được. Tụi tao giờ là bạn thân với nhau đó!" Nó vừa giỡn vừa nhoài lên ôm lấy Mẫn lần nữa nhưng nóng quá nên nhỏ hất Điền ra lập tức.

"Gớm quá!" Chê ngoài miệng, trong lòng nhỏ lại thấy thoải mái vì cuối cùng cũng khuyên được ngoại ra về.

Nên nhỏ khẽ đặt tay lên mái tóc rối của nó, vuốt thẳng từng cọng về đúng vị trí coi như lời khen vô hình cho cậu chàng. Rồi những ngón tay bỗng chạm đến được gò má đầy vết trầy trụa gồ lên khỏi khuôn mặt tuấn tú, phồng rộp như bị té mạnh.

"Sao thế?" Mẫn dùng tay nghiêng đầu nó sang để nhìn rõ hơn những vết bầm tím đó.

"Không sao đâu." Nó lại lắc lư đầu, tỏ vẻ mình ổn.

"Ai đánh mày vậy?"

"Không sao đâu."

"Tao kêu bác sĩ nha."

"Cho tao ôm Mẫn thêm chút xíu nữa thôi..." Nó ghì chặt con nhỏ vào giường bằng vòng tay ôm thít chặt người nhỏ. Rồi nó dần thả lỏng ra khi chắc rằng Mẫn đã bỏ ý định ban đầu.

"Tao không thấy đau gì hết, tao quen rồi."

"Điền! Tao bảo mày đừng đánh nhau nữa chứ không phải là đừng tự vệ!" Mẫn áp hai tay vào má nó, xoa nhẹ. "Đừng có để người ta bắt nạt mày. Mày là Điền A1 mà!"

"Hihi, Mẫn lo cho tao, hihi!"

Những lời trước đó của Điền toàn là nói dối. Bị thầy cô bỏ lại giữa bệnh viện là một trải nghiệm tủi thân, bị mẹ tát cả chục cái đến hằn cả vết trước mặt bao nhiêu người là một cảm giác nhục nhã.

Bây giờ thì không sao rồi, mặt nó đã bớt đau và những cảm xúc tiêu cực khi trước không còn nữa, có lẽ Mẫn là liều thuốc nó cần lúc này.

Bẫng đi một lúc sau, khi Điền còn đang ôm Mẫn, một tiếng sục sôi réo gọi trong bụng nhỏ làm nó tất bật xếp cái bàn nhỏ ra.

"Nhớ hồi đó Mẫn đem cháo xuống phòng y tế cho tao không?" Nó tủm tỉm cười khi nhớ chuyện hồi trước, tay vẫn bày ra từng món trong cặp lồng.

"Rồi mày đuổi tao về ấy hả?"

"Ơ... Ngoại có nấu khổ qua dồn thịt nè, thịt bò xào nữa!" Nó đánh trống lảng đi chuyện khác, còn giả vờ đi xin người xung quanh giấy khô để lau thìa, đũa.

Nhìn cái người trước mắt, ai lại nghĩ hồi đầu năm chính nó lừa Mẫn một vố nhớ đến già đâu. Cái biểu cảm lơ ngơ với hành động ngây ngô vậy mà cũng đánh lừa được bà ngoại đã ngoài bảy mươi của nhỏ. Đúng là có cái mã thì làm gì cũng được.

"Đưa thìa đây." Nghĩ vậy làm Mẫn tự nhiên thấy bản mặt kia phát ghét.

"Tao đút cho." Nó bĩu môi, nhưng chiêu cũ rích này thì Mẫn đã miễn nhiễm rồi.

Ngồi xụ ra một chỗ mà không được dỗ, Điền hết khoanh tay rồi lại nhịp chân như thằng bé buồng kế bên khi không được coi điện thoại. Tưởng chừng nó sẽ phải ngồi đó hết cả đêm khi không có ai dòm ngó tới, bụng Điền lại sôi lên như cái phích nước.

"Aaa..." Mẫn xúc một muỗng đầy cơm và thịt rồi đưa sang nó.

"Aaa..." Điền lập tức đớp lấy thìa cơm ngon lành, không tí xấu hổ.

"Cơm ngon không? Nhà tao nấu đồ ăn hơi nhạt," con nhỏ dò hỏi.

"Không, vậy là ngon rồi." Nó gật gù cảm thán.

Buổi đêm ở bệnh viện là một buổi đêm tĩnh lặng, tách hẳn khỏi những tiếng còi xe náo nhiệt hay đèn đường chói loá. Im cho tới độ nghe tiếng những người lạ tâm sự với nhau về căn bệnh của bản thân, về những câu chuyện cuộc đời họ không đợi nổi để quay về.

Có bác trai lớn tuổi, không người thân, không bạn bè, một thân một mình cùng chiếc đài radio từ đời thuở nào đang phát sóng những chương trình cải lương. Bác còn bị lãng tai, nên mỗi khi chỉnh đài toàn bật đến mức to nhất.

Kể cả vậy, bệnh nhân xung quanh vẫn không cáu gắt với bác. Dò trúng sóng của talkshow trò chuyện thì nghe talkshow trò chuyện, dò trúng đờn ca tài tử thì nghe đờn ca tài tử. Mọi người xung quanh vừa nghe nhạc vừa nhìn hai cô cậu mà chỉ dám cười trong lòng. Ai đi chăm người bệnh lại để người ta chăm ngược lại mình, mà cái cô bệnh nhân kia cũng lạ, không cho người ta chăm, lại đi đút cơm của mình cho người đó.

"Vậy chừng nào mày về?" Mẫn nhẹ nhàng hỏi, vậy mà mặt Điền căng ra.

"Giờ tao không về nhà nữa."

"Hả?"

"Từ nay về sau tao sang ở rể bên nhà Mẫn. Mẫn có chịu nuôi tao không?"

Đài radio chợt tắt, cô chú bệnh nhân quay phắt sang cô cậu trẻ tuổi.

Tối hôm, đó Điền lân la một vòng quanh phòng bệnh, cuối cùng cũng mượn được một chiếc chiếu vừa đủ nằm, dù chân còn hơn dư ra ngoài. Mẫn lại phải cho nó mượn chiếc áo khoác để che cho bớt muỗi.

Mẫn đã hiểu hơn vì sao mọi người lại thích trò chuyện với Điền đến thế. Cái cách nó biến bi quan trở thành lạc quan làm Mẫn vừa cảm thấy ngưỡng mộ lại càng nặng lòng hơn.

Những ai không hiểu lối nói chuyện vòng vo này của Điền sẽ lỡ mất ý nghĩa sau từng câu chữ nó đã dùng chất xám để chọn nhằm giãi bày tâm sự.

Xâu chuỗi những câu trả lời của Điền, nhỏ biết thừa nó lại bị mẹ đánh vì lén đi thi hát trên trường.

"Tao hiểu hết đó..." con nhỏ kiếm được một chai dầu xanh, cũng là hàng mượn của người ta chứ nhỏ đâu đem theo. Đợi Điền đã ngủ li bì, nhỏ lén thoa chút dầu lên má nó.

Giờ Mẫn lại được nhìn kĩ hơn những mảnh ghép đã tạo nên Trần Minh Điền hôm nay. Thật khó để trở thành một người được mọi người yêu mến, chắc nó đã phải cố gắng nhiều lắm, người lớn chưa chắc làm được thế.

Vì lạc quan cũng là một loại tài năng.

"Chết rồi!" Mẫn giật thót mình vì lỡ đổ quá nhiều dầu, nhiều đến nỗi có vài giọt rơi vô miệng Điền. "Chắc... chắc không sao đâu... ăn dầu ấm bụng mà... đúng không?"

Sáng sớm dậy, nó thấy miệng mình cay xè lại đắng ngoét, nó cứ nghĩ mình bị ai lây cảm nên cả buổi không dám lại gần Mẫn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện