Ngày mai là ngày ba mươi tháng Chạp, tức là ngày ba mươi, đêm giao thừa.

Tiếng pháo nổ vang dội từng hồi, ồn ào náo nhiệt cố gắng xua đuổi con Niên [1] gõ cửa vào sáng sớm. Thanh Hòa vừa mới bình phục được hai phần sức khỏe đã vội vàng đến Kiền Tâm Viện để thăm người bệnh.

[1]: Ngày xưa, có một con quái vật tên Niên (年), mỗi năm lại lên bờ phá hoại dân làng. Nó rất sợ màu đỏ, ánh sáng và tiếng nổ. Một năm, một ông lão (Thái Thượng Lão Quân) dùng pháo, giấy đỏ và đèn sáng để xua đuổi Niên thành công. Từ đó, dân làng ăn mừng, dán câu đối đỏ, đốt pháo, mặc đồ mới vào ngày này — gọi là "Quá Niên" (qua năm), sau trở thành Tết Nguyên Đán hay Xuân Tiết của người Hoa.

Thẩm lão phu nhân đã dành hơn phân nửa đời mình trong phú quý vinh quang, phút cuối lại bị ngã đập đầu, kết thúc một cách lố bịch và nhục nhã những năm cuối đời.

Cùng với việc lão phu nhân lâm bệnh, quyền cai quản nội vụ phủ Tướng quân hoàn toàn rơi vào trong tay đích nữ. Khi đi qua dãy hành lang, những lão ma ma kiêu căng nhất ở Kiền Tâm Viện nhìn thấy Thẩm đại cô nương cũng không thể không đỏ mặt nịnh hót cúi đầu.

Những người này cậy già lên mặt, ngày xưa ỷ vào thế lực của lão phu nhân mà không ít lần lườm nguýt tiểu thư. Trong lòng Liễu Cầm và Liễu Sắt biết không nên bỏ đá xuống giếng, nhưng vẫn không nhịn được mà thở phào một hơi cho tiểu thư.

Ngay cả bây giờ, ánh mắt của Thẩm Thanh Hòa vẫn nhẹ nhàng và bình tĩnh.

Nàng không phải người tốt, cũng không phải là người cao cả như bá tánh khen ngợi, nàng chỉ ở đây để hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là trưởng tôn nữ.

Tiếng cười vang vọng qua cánh cửa, Thẩm Thanh Yến ngồi trước giường tổ mẫu, ra sức dỗ dành lão nhân gia vui vẻ.

Lão phu nhân bị bệnh, có lúc thần trí không tỉnh táo, nhưng khi tôn tử được bà cưng chiều đặt trên đầu quả tim trở về bên bà, sức mạnh huyết thống khiến bà có được khoảnh khắc tỉnh táo ngắn ngủi.

Thanh Hòa vừa bước vào cửa đã cảm thấy mình mới chính là kẻ không mời mà đến, trong lòng nàng thở dài thườn thượt.

Nhìn thấy nàng, Thanh Yến vội vàng đứng dậy: "Trưởng tỷ, ta xin phép xuống trước. Tỷ ở lại bầu bạn với tổ mẫu nhé."

Hắn bước đi rất nhanh, căn phòng trước đó còn náo nhiệt bỗng chốc trở nên lạnh lẽo và im ắng sau khi hắn rời đi.

Tứ chi Thanh Hòa lạnh toát, mím môi xoa xoa cánh tay, đây là thói quen trong vô thức của nàng. Trên thế gian này có biết bao nhiêu dạng người, nàng gặp người ngoài cũng không cảm thấy tâm lạnh, nhưng sẽ cảm thấy như vậy khi gặp tổ mẫu nhà mình.

Hạt giống được gieo sâu vào tâm hồn từ thuở ấu thơ, ngày qua ngày đã lớn thành cây đại thụ che trời.

Tình thân thật đáng buồn khi cuối cùng lại bào mòn đi chút hy vọng xa vời cuối cùng của con người.

Lão phu nhân ngồi trên giường, một lần nữa chìm vào trạng thái mơ hồ, đôi mắt đục ngầu, nói năng lơ mơ, thi thoảng nghe tiếng bà gọi "nước", Thanh Hòa đứng dậy rót trà cho bà.

Nước trà là loại Mao Tiêm [2] mà tổ mẫu thích nhất, nước trà trong veo và có độ ấm vừa phải.

[2]: Trà Mao Tiêm có màu nước xanh, trong và rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là bổ máu, có hương hoa nhài, không thay đổi hương khi dùng. Loại trà này không chỉ có hương thơm mạnh, lâu tan mà nó còn ít acid và ít vị đắng hơn các loại trà khác.

Sau khi hầu hạ bà uống hết nửa chén trà, Thanh Hòa ngây người đứng đó. Trước đây, tổ mẫu đâu bao giờ để nàng tự tay đút nước cho. Nàng ngồi trên chiếc ghế gỗ tròn trò chuyện câu được câu không với lão nhân gia, nàng ít nói, nói chuyện một hồi dễ khiến bầu không khí trở nên lạnh lẽo, may mắn là tổ mẫu không hiểu những gì nàng nói.

Nói chuyện một hồi, nàng hỏi: "Tổ mẫu còn nhớ bánh bò không? Cái mà người ném xuống đất ấy."

Tổ mẫu quên mất rồi.

Nàng vẫn còn nhớ.

Có lẽ sẽ nhớ suốt đời.

Mang theo xuống tận quan tài cũng không thể nào quên.

Nhiều người nhắc đến đích nữ Thẩm gia thường khen ngợi một câu "đáng nể", thực ra Thanh Hòa trông có vẻ rộng lượng nhưng bản chất lại hay giận dỗi.

Nàng có tầm nhìn xa, luôn lấy đại cục làm trọng, tuy vậy đôi khi cũng hay nhỏ nhen tính toán. Chỉ những ai thực sự thân thiết với nàng mới biết được nàng hay giận dỗi, nhưng trải qua bao nhiêu năm, số người hiểu được nàng có thể đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng bản chất hay giận dỗi này từ đâu mà ra? Chính là từ miếng bánh bò rơi xuống đất mà ra.

Một đứa trẻ năm tuổi ngây thơ trong sáng lớn lên trong phủ Tướng quân không được mẹ thương yêu, cũng không được cha ưu ái, có một người dì tu hú chiếm tổ và một tổ mẫu thiên vị không ai bằng, từ nhỏ đã buộc phải học cách nhìn mặt đoán ý, khôn ngoan để không làm phiền người khác.

Không biết từ đâu nghe được tổ mẫu muốn ăn bánh bò, nàng ôm hộp bánh mà mình không nỡ ăn, run run đưa cho bà, chỉ nhận lại ánh nhìn lạnh lùng và ghét bỏ không chút nào che giấu.

Tổ mẫu không khách sáo hất tung hộp bánh bò trắng nõn, nóng hổi của nàng xuống đất, nàng không khóc, chỉ mở to mắt, ghi tạc vào lòng.

Ghi nhớ không phải để ôm hận, mà là để cảnh tỉnh bản thân, sau này đừng nên đem tấm lòng chân thành trao cho người ta để họ tùy ý chà đạp.

Sau này khi lớn lên, Thẩm Thanh Hòa đại khái hiểu được tại sao lão phu nhân lại ghét bỏ con dâu và cháu gái mình.

Người bà ghét không phải mẹ, cũng không phải bản thân mình, mà là người cha đã nhiều lần vì mẹ mà chống đối bà.

Tuy nhiên, cha là trụ cột của Thẩm gia, là Trấn Quốc đại tướng quân lừng lẫy của Vận triều, Thẩm gia còn phải trông cậy vào ông để nối dõi tông đường, vì vậy sự căm hận này chỉ có thể do thê tử và nữ nhi yêu quý của ông gánh chịu.

Nói trắng ra, lão phu nhân ghét nhất chính là cảm giác bị người khác chống đối.

Thanh Hòa dùng mười ngón tay thon thả bóc vỏ quýt cho tổ mẫu, tinh tế như một bức tranh đang chuyển động.

Những múi quýt được bày trí cẩn thận trên đĩa sứ, lão phu nhân lúc đầu còn ngẩn ngơ, sau đó nếm thử hai múi quýt chua ngọt, lặng thinh không nói gì.

"Không phải người ta nói rằng khi già đi, con người sẽ mềm lòng hơn sao?"

Thanh Hòa nhét một miếng quýt vào miệng, chua quá.

Nàng chịu đựng vị chua, nuốt xuống rồi khẽ cười: "Hình như là nói dối. Ta sẽ gọi Thanh Yến, Thanh Yến biết cách chọc người cười."

Khi nàng quay người rời đi, nàng nghe thấy lão phu nhân mơ hồ gọi tên tôn tử, trong lòng có một cảm giác khó tả len lỏi, không rõ là chua chát, khổ sở hay là sự giải thoát không lời.

Pháo hoa bay lên cao, "bùm", nở rộ thành một đóa hoa rực rỡ. Nàng ngước nhìn bông hoa rực rỡ mê người như chỉ mong giây phút chói lọi ấy, nở một nụ cười thoải mái.

"Tỷ."

Hai tỷ đệ hiếm có dịp sánh vai đứng trên hành lang, Thanh Hòa khẽ đáp, nghiêng đầu nhìn kỹ khuôn mặt hắn đã bớt đi vẻ non nớt: "Chúc mừng năm mới."

"Chúc mừng năm mới."

"Ăn nhiều một chút, đồ ăn trong thư viện không ngon sao?"

"Ngon lắm, có lẽ vì đọc sách quá nhiều, ta không thông minh bằng trưởng tỷ, những bài văn khó hiểu kia, dù có làm thế nào cũng không thể vừa nhìn đã hiểu ngay, phải suy luận."

Trong đôi mắt Thanh Hòa phản chiếu hình ảnh pháo hoa rực rỡ, giọng nói dịu dàng: "Ở thư viện có vui không?"

Thẩm Thanh Yến trầm mặc hồi lâu: "Vui ạ."

Dù sao cũng vui hơn ở nhà. Ở nhà có bao nhiêu phiền muộn không thể nói hết, ra ngoài trời cao mây rộng.

"Vậy thì hãy cố gắng vì 'niềm vui' của ngươi đi."

"Dạ!"

"Nhìn kìa, có con diều bay qua bức tường."

Thanh Yến nhìn theo ánh mắt của nàng, quả nhiên thấy một chú thỏ có tai dài bay vào viện Thẩm gia.

Cách một bức tường, Trì gia.

Trì Hành vội vàng ra lệnh cho đại ca mình: "Cao hơn nữa, cao hơn nữa đại ca, cao hơn nữa, thấp quá Uyển Uyển nhìn không thấy!"

Nàng bị thương ở eo vẫn chưa lành hẳn, mọi người trong nhà không nỡ để nàng cử động, cho nên nhiệm vụ thả diều vào đêm giao thừa được giao cho đại công tử Trì Anh, Trì Anh đã tốn rất nhiều công sức mới thả được diều lên trời, mệt đến trán toát mồ hôi, thầm nghĩ: Diều bay cao thế kia, Thẩm cô nương bị mù mới không nhìn thấy được.

Thanh Hòa nhìn thấy rõ con diều hình chú thỏ tai dài, bên tai trái viết "vui vẻ", bên tai phải viết "hoan hỉ", dòng chữ ngang là "nhớ phải nhớ ta".

Nàng mắng thầm: Có trẻ con quá không!

Nhưng nàng vẫn bị chiêu trò trẻ con này dỗ dành mà buông bỏ hết mọi lo lắng.

Thay đổi rồi.

A tỷ đã thay đổi rồi.

Thanh Yến đứng bên cạnh nhìn nụ cười dịu dàng của nàng, khóe mắt và đuôi lông mày đều tràn đầy niềm vui. Đó là sự nuông chiều độc nhất vô nhị mà không ai khác ngoài Trì ca ca có thể mang lại, khiến tỷ ấy cảm thấy thoải mái, mãn nguyện.

Tỷ ấy đã có được thứ tỷ ấy muốn.

Thẩm Thanh Yến cảm thấy mừng cho nàng, nhưng cũng cảm thấy vô cùng mất mát.

Thanh Hòa không còn trò chuyện cùng hắn nữa nữa, khoác áo choàng rộng đứng trong đình viện ngắm diều. Chú thỏ tai dài được vẽ vô cùng sống động, giống hệt A Trì.

Vào đêm giao thừa, nhà nhà sum vầy thức trắng, Trì Hành đếm thời gian, gào thật to qua bức tường cao: "Chúc mừng năm mới Thanh Hòa tỷ tỷ!", từng tiếng náo nhiệt lấp đầy tâm hồn cô đơn của Thanh Hòa, cảm giác an toàn nóng hổi tràn ngập trong tim.

Rồi sau đó, tiếng chuông báo hiệu năm mới vang lên vang dội.

Pháo hoa rực rỡ, nhân gian ồn ào náo nhiệt.

***

Sau Tết âm lịch sẽ là sinh nhật lần thứ hai mươi của Thanh Hòa.

Tại Vận triều, cô nương đến hai mươi tuổi mà chưa xuất giá sẽ được coi là gái lỡ thì. Vì lo lắng cho nữ nhi, Thẩm Duyên Ân đã vào cung xin ý chỉ nhưng lại bị Triệu Tiềm dùng lời nói chặn ngang.

"Sao có thể tùy tiện định ngày cưới? Hôn sự của hai phủ nhất định phải nhờ Khâm Thiên Giám chọn ngày lành tháng tốt, chuyện này cứ giao cho họ lo liệu. Hôm nay quân thần ta hội ngộ, không bàn những chuyện này, không bàn những chuyện này nữa. Ái khanh, mau lại đây, giúp trẫm chọn nhũ danh cho hoàng nhi..."

Hoàng hậu sắp đến ngày lâm bồn, có tin đồn rằng thai nhi này nhất định là Hoàng tử. Dung đạo trưởng, vốn là người của Long Môn, vô cùng am hiểu "đoán âm dương", từ khi Dung Việt khẳng định với Bệ hạ rằng thai nhi này là nhi tử chứ không phải nữ nhi, tâm trạng của Triệu Tiềm vô cùng hân hoan.

Hai người con một trai một gái của y đều do Hoàng hậu sinh ra, giờ đây ở độ tuổi trung niên, trời cao lại ban cho y một nhi tử, quả là niềm vui nhân đôi.

Đích thứ tử được sinh ra, hoàng thất không chỉ có Thái tử mà còn có Nhị hoàng tử chưa chào đời, gần đây Triệu Tiềm luôn tắm mình trong gió xuân, vui sướng háo hức mong chờ hài nhi sắp chào đời.

Thẩm Duyên Ân thỉnh ân chỉ không thành công, bị kéo vào chọn nhũ danh nửa canh giờ.

Đi ra khỏi cửa cung, bước vào xe ngựa, khuôn mặt lạnh lùng không có sơ hở trước mặt người khác của Trấn Quốc đại tướng quân lộ ra một vết nứt.

Bệ hạ không muốn thấy hai phủ liên hôn, hắn muốn tạo bất ngờ cho nữ nhi cũng không được.

Nhũ danh...

Nhũ danh của Thanh Hòa được A Mi đặt cho khi nàng ấy mang thai con bé.

Ước mơ lớn nhất của nàng ấy là có một đứa con có tính cách dịu dàng, tốt bụng, ai nhìn cũng yêu quý.

Về hai chữ "Thanh Hòa", ý nghĩa lấy từ câu "Hải yên hà thanh, tuế phong thời hòa" [3].

[3]: Có nghĩa là "Thiên hạ thái bình, bốn mùa hòa thuận, mùa màng bội thu".

Đây chính là lời cầu nguyện chân thành của phu thê hai người đối với thế gian này.

Uyển Uyển nói đúng, uổng cho hắn là Trấn Quốc đại tướng quân được mọi người kính trọng vì bảo vệ biên cương, vậy mà nửa đời đần độn, những người thân yêu nhất đều đã phụ bạc.

Trở về Thẩm gia, từ miệng quản gia nghe tin tiểu thư đã dọn về biệt uyển Tú Xuân, sắc mặt Thẩm Duyên Ân tái nhợt, sai người đưa quà sinh nhật đến biệt uyển, không ngoảnh đầu đi thẳng về từ đường.

Đối diện với linh vị của đích thê, Thẩm đại tướng quân quỳ xuống không nói gì.

Ánh nến yên tĩnh, im lặng kéo dài, một tiếng "A Mi" khàn khàn bật ra khỏi cổ họng...

Biệt uyển.

Quà sinh nhật chất cao như núi, chưa kể quà của các nhà khác, chỉ riêng phủ Trụ Quốc tướng quân đã chiếm một nửa số quà ở đây.

Danh sách quà tặng được kéo dài ra, Thanh Hòa thản nhiên liếc nhìn, tỏ ra không có hứng thú.

Vừa bái tế mẹ xong, tâm trạng nàng không được tốt lắm.

Sợ nàng một mình buồn bã đến nội thương, Liễu Sắt cầm danh sách quà tặng đọc cho nàng nghe.

Ngoài những lời hỏi thăm và chúc mừng theo phép xã giao của các gia tộc, dì Hành Lâu cũng đã gửi quà đến. Đó là một cái rương chứa những vũ khí lợi hại đến mức nếu ném vào giang hồ thì có thể sẽ khiến bao người tranh giành, chém giết.

Sư phụ thường xuyên vân du khắp nơi, hành tung bí ẩn cũng đã nhờ "Quý Hưng Tiêu Cục [4]" gửi đến một rương cơ quan ám khí.

[4]: Tổ chức nhận hộ tống hàng hoá từ nơi này tới nơi khác để lấy tiền công (Từ điển Hán Nôm).

Phải nói hai người này đúng là đồng môn, toàn tặng quà sinh nhật cho người ta là những thứ giết người.

Nàng đã nhiều năm không gặp sư phụ rồi.

Thanh Hòa buồn lòng nghĩ: Giá như nàng cũng giống như vậy, rong ruổi núi sông, tiêu dao tự tại thì tốt biết bao? Nàng mỉm cười, đầu ngón tay mân mê bản đồ cơ quan mới nhất mà sư phụ Đường Cửu tặng cho mình, lòng bỗng nảy sinh một ý nghĩ: Sư phụ quanh năm phiêu bạt bên ngoài, liệu có đang trốn tránh ai đó hay không?

Mối quan hệ giữa Tứ Mỹ Đạo Sơn thực sự phức tạp.

Nàng suy nghĩ lung tung một hồi, khóe môi cong lên: Nàng và A Trì duyên phận không cạn, sư phụ của A Trì và sư phụ của nàng cũng là đồng môn, nàng khẽ nghiêng tai lắng nghe, quả nhiên, tiền bối Tô Giới cũng đã chuẩn bị cho nàng một món quà sinh nhật.

Bị kẹp ở giữa vô số món quà quý giá.

Một vò rượu, mười mấy chiếc mặt nạ da người được chế tác tinh xảo và mười mấy bình thuốc độc thủng ruột.

Nàng không nhịn được bật cười.

Trong bốn sư tỷ muội, đại sư bá vẫn là người đáng tin cậy nhất. Nhìn xem những thứ trước đó họ tặng, đều đang ra sức xúi giục nàng làm chuyện xấu.

Món quà mà Khương Tinh dành cho nàng là một miếng ngọc bội phỏng theo hình mặt mèo, dù không biết có công dụng gì nhưng đeo ở bên hông làm đồ trang trí cũng khá thú vị.

Điều thú vị là quà của Quý phi nương nương và đại sư bá được đựng trong cùng một chiếc hộp.

Tiết Linh tặng nàng một quyển xuân cung đồ vô cùng tinh xảo và một quyển "Bí kíp bàn luận về cách nữ tử dưỡng eo trên giường".

Nàng dám cho, Thanh Hòa cũng dám xem.

Giữa ban ngày, Thẩm cô nương với vẻ lười biếng mở ra cuốn bí kíp riêng tư kia, sau khi đọc xong, nàng cảm thấy khá hữu ích.

Nàng hơi híp mắt lại, đại sư bá và Tiết Quý phi...

Hai người ở trời nam đất bắc hoàn toàn khác biệt lại hòa hợp với nhau như vậy, nàng lắc đầu kinh ngạc, hóa ra Tiết Quý phi lại thích đại sư bá đến thế.

Chậc.

Nhân tài kiệt xuất của Đạo Môn đương đầu với yêu phi có vẻ đẹp quyến rũ, thật đúng là một món nợ phong lưu tội lỗi.

Khó trách Quý phi nương nương có hiểu biết sâu sắc trong việc bảo vệ và dưỡng eo như vậy.

Dù sao Khương Tinh cũng là trưởng bối, nàng không nên nghĩ nhiều, tuy nhiên, có những chuyện không cần nghĩ nhiều, chỉ cần nghĩ thoáng qua về một số chân tướng là đã có thể nhìn ra manh mối từ những chi tiết nhỏ.

Bỗng dưng nàng lại thấy vô vị.

Thanh Hòa thử nghiệm đơn giản mũi tên ngắn mà dì tặng và cơ quan thỏ do sư phụ gửi đến. Sau khi Thanh Hòa búng nhẹ vào chân sau của "thỏ", một mũi tên sắc bén bắn xuyên qua trán của người gỗ từ khoảng cách ba trượng.

Nàng khẽ nhướng mày, lập tức thấy người gỗ hoa lê vỡ tan tành.

Vụn gỗ bay mù mịt, Liễu Cầm Liễu Sắt khẽ nhúc nhích cổ họng, nuốt một ngụm nước bọt, cánh tay nổi lên vô số nốt sần nhỏ.

Nàng nhặt một trong số mười mấy cái mặt nạ da người và đeo nó lên mặt, dung mạo thay đổi trong chớp mắt, ánh mắt nàng trở nên lạnh lẽo, khe khẽ thở dài: Ngày giỗ của mẹ, nàng muốn giết người quá.

Ý nghĩ này càng lúc càng mãnh liệt, nàng nghĩ đến một người dì khác đang bị giam cầm trong Tạ gia.

Nàng cau mày, bực bội nghĩ: Tại sao Tạ Chiết Chi còn chưa chết chứ?

Liễu Cầm Liễu Sắt cảm nhận được sát khí lạnh lùng nên im lặng, không dám khuyên can.

Mỗi khi đến ngày giỗ của phu nhân, tâm trạng của tiểu thư luôn thay đổi thất thường. Trước đây có tiểu tướng quân bên cạnh còn tạm được, giờ đây nàng lại lạnh nhạt với tiểu tướng quân, không cho phép người đến gặp...

Chiếc chuông vàng rung lên, Thanh Hòa nhắm mắt lại, lắc chuông tạo ra một chuỗi tiếng leng keng.

Âm thanh vang xa, tiểu tướng quân mặc đồ trắng, đeo mặt nạ hổ trắng, vội vàng trèo qua bức tường cao của biệt uyển, áp tai vào cửa sổ: "Có chuyện gì vậy? Sao chuông vàng lại reo?"

Thanh Hòa khó chịu hừ nhẹ, môi cong lên, giọng điệu lên xuống: "Lừa nàng thôi."

Bực bội quá, mãi vẫn không gặp được nàng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện