Có tất cả mười bốn con tàu, và tin tức nhanh chóng lan truyền từ những người canh gác. Tôi theo cậu về phía bến tàu, nhưng cậu dừng lại và đẩy tôi quay trở lại làng. Tôi phản đối và chuẩn bị liệt kê nhiều lý do khác nhau, nhưng cậu lại nói “Đây là vấn đề pháp lý, hòn đảo mẹ của cậu không tham gia chiến tranh”, rồi “Bây giờ không phải là lúc để tranh cãi”, và cuối cùng là “Pei Jianan, hãy đến nơi an toàn”.

Cậu hiếm khi sử dụng cái tên này. Tôi đứng yên, cậu siết chặt tay tôi, quay người bỏ chạy, chẳng bao lâu sau cậu đã bị trộn lẫn với những cái bóng khác, không còn nhìn rõ nữa. Tôi trở về nơi ở của vị linh mục trong bóng tối, trèo lên mái nhà với mảnh giấy và cây bút trong miệng, tôi nhìn ra vịnh và ghi lại những gì đang diễn ra trước mắt cho hòn đảo quê hương của mình. Suy cho cùng thì đây là công việc của tôi và là công việc duy nhất tôi có thể làm.

Lúc đầu, trong bóng tối của buổi sáng sớm, tất cả những gì có thể nhìn thấy rõ ràng là ánh lửa thỉnh thoảng bùng lên trên biển. Cây cối chặn dây cáp treo, nhưng thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy tiếng “vù” không thể nhầm lẫn, người ta la hét – không phải tiếng la hét vì đau đớn, mà một phần là từ những người canh gác trên tháp quan sát chỉ vị trí của địch, một phần từ quân phòng thủ trên bãi biển liên lạc với nhau, xen lẫn những khẩu hiệu mọi người cùng nhau kéo vật nặng. Bóng tối và ánh lửa cùng di chuyển, một loạt mũi tên rực lửa bất ngờ rơi xuống biển, một con tàu không may nào đó bốc cháy, ngọn lửa gặm nhấm cánh buồm, cột buồm và boong tàu, thoáng chốc chiếu sáng một vùng nước nhỏ xung quanh, vùng vẫy trong nước là những cái bóng trông nhỏ bé và xa xăm, khó có thể tưởng tượng được đó là người sống.

Đó là một ngày nhiều mây và phải rất lâu nữa bình minh mới ló dạng. Mặt trời luôn bị mây che khuất, ánh sáng mờ ảo chiếu xuống những chiếc tàu chiến chưa hoàn thiện và những mảnh vụn trôi nổi, những mảnh vỡ lớn vẫn đang cháy và va chạm vào nhau. Các tàu chiến của quân phương Bắc bắt đầu rút lui, ì ạch xuyên qua các vật thể nổi vỡ vụn, tạo thành đội hình phòng thủ, che chắn cho nhau lao ra biển khơi. Tôi nghi ngờ kế hoạch ban đầu của họ là xông vào bãi biển trước bình minh, nhưng mọi thứ không hề diễn ra theo kế hoạch. Hạm đội Đảo Lớn không truy đuổi, không tàu chiến nào đuổi kịp tàu chiến của hòn đảo phía bắc, cũng không có tàu thuyền nào ở vùng biển này có khả năng “truy đuổi”. Tôi từ giếng trời nhảy trở lại căn nhà đá, ném giấy bút lên giường, đi xuống lầu, đi ra ngoài rồi chạy ra bãi biển.

Gần như mọi con tàu đều vào bến cảng theo một góc chéo, nhưng may mắn thay, những người dược sư và pháp sư đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Những chiếc cáng được đưa đến, rượu đổ lên vết thương cũng đã có sẵn, dược sư xếp những chai lọ đủ kích cỡ, còn các pháp sư loại bỏ đá, bột và những mảnh thịt co lại, đen thui trông giống như trái tim động vật khô. Tôi di chuyển giữa những thủy thủ đang rên rỉ, tìm kiếm cậu mà không thực sự muốn nhìn thấy khuôn mặt của cậu ở đây.

Thi thể cũng được đưa lên bờ và đặt sau một bụi cây, mặt phủ lá dừa. Tôi lấy hết can đảm đi tới đó nhìn xem, cậu cũng không có ở đó, tôi thở phào nhẹ nhõm, đi về phía bến tàu trên bãi cát ướt đẫm máu. Trời bắt đầu mưa nhẹ, có lẽ trời đã mưa được một lúc nhưng tôi lại tưởng đó là sương biển dính. Chiếc thuyền cuối cùng quay trở lại, mớn nước(1) sâu đến mức sóng đã dâng cao lên đến tận boong. Những tay chèo sống sót đã bỏ tàu và phải nhờ đến dây cáp cùng nhiều đôi tay để kéo tàu vào vị trí có thể sửa chữa. Cậu đây rồi, sợi dây quấn quanh cánh tay, đi theo tiếng gọi kéo tàu chiến không dễ gì hơn việc kéo một con cá voi mắc cạn. Tôi lê bước qua vùng nước sâu đến thắt lưng, nửa chạy nửa bơi để đến chỗ cậu và cũng nắm lấy sợi dây. Cậu liếc nhìn tôi, mỉm cười rồi quay lại nhìn sợi dây cáp.

(1) Mớn nước là độ chìm của tàu – khoảng cách theo chiều thẳng đứng, vuông góc với mặt nước, tính từ đáy tàu lên đến mặt nước.

Điều này khó hơn tưởng tượng. Cát dưới đáy nước không có độ bám tốt, sóng cũng không giúp ích được gì, chúng ập vào như nắm đấm khiến người ta đứng không vững. Con thuyền dường như không có dấu hiệu di chuyển nào dù chỉ một chút, và rồi, rất chậm, tôi không nhận thấy, nước rút xuống hông, rồi đến đầu gối tôi. Sợi dây làm sờn lòng bàn tay tôi, cuối cùng chân tôi rời khỏi mặt nước và bước vào cát ướt, rồi đến cát khô. Người thủy thủ buộc dây cáp vào cọc gỗ, tôi buông tay, ngồi xuống bãi biển, thở một hơi dài. Cậu nằm xuống cạnh tôi, dang rộng hai tay và nhắm mắt lại. Cậu có những mảnh gỗ vụn trên tóc, những vết nứt sắc nhọn. Tôi nhớ lúc cậu đi đến chiến hạm đã mặc bộ quần áo rực rỡ của lễ hội thu hoạch, bây giờ áo khoác buộc ngang eo, tua rua dính đầy máu, nhưng trên người không có vết thương. Tôi đưa tay giúp cậu phủi những mảnh gỗ vụn, cậu mở mắt ra, nắm lấy ngón tay tôi, bóp thật mạnh rồi buông ra.

Tôi hỏi cậu liệu điều này có được tính là một chiến thắng không.

Cậu ngồi dậy nhìn con tàu đang bốc khói, hồi lâu mới quay lại lắc đầu.

Nó thực sự không được tính. Đếm thiệt hại mất ba ngày, tôi chép kết luận của hội đồng vào một lá thư, nhét vào chai rồi gửi cá heo về đảo Icahn. Hầu như tất cả các con tàu quay về cảng đều cần sửa chữa, một nửa trong số đó không thể hạ thủy được nữa và phải tháo dỡ, ván gỗ dùng làm củi, đồ sắt được đưa đến thợ rèn để rèn lại rồi được sử dụng trên các tàu khác. Trong số những chiếc tàu không quay trở lại, có hai chiếc bị chìm và một chiếc bị cháy, may mắn là hầu hết thuyền viên đều đã trốn thoát, kế hoạch trục vớt thi thể vẫn chưa hoàn thành vào thời điểm tôi thả đàn cá heo ra ngoài.

Tôi đã đồng hành với cậu đến dự đám tang. Trong số những người thiệt mạng có hàng xóm và bạn bè cùng lớn lên với cậu. Tôi viết từ “đồng hành” vì ngôn ngữ của cậu không phân biệt giữa “được mời có mặt như một phần bản chất tự nhiên của ai đó”(2) và “có mặt cùng ai đó”. Tại đám tang, tôi thực sự rơi vào tình huống thứ hai. Một người quan sát trong sự lo lắng, một người ngoài cuộc thực sự, đứng ở rìa ngoài của đám đông, luôn chú ý đến việc mọi người đang làm và vội vàng bắt chước theo. Không có nghi lễ tương tự trên Icahn, tất nhiên chúng tôi nói lời từ biệt với người đã khuất, nhưng “đám tang” cuối cùng là chuyện giữa núi lửa, người quá cố và linh mục, gia đình không tham gia. Không ai ngoại trừ linh mục biết miệng núi lửa trông như thế nào và chúng tôi không được phép hỏi về nó, nhưng hầu hết mọi người đều không tò mò về nó.

(2) Nguyên văn là “受到邀请,作为某人的自然延伸到场”, mình không hiểu rõ nghĩa của câu này lắm nên đành để tạm như vậy, nhưng ý tác giả muốn nói thì có vẻ như kiểu “đồng hành” đầu tiên là chỉ những người thân, người có quen biết của người quá cố, kiểu thứ 2 thì chỉ là người đi theo một người nào đó đến dự thôi.

Có lẽ chúng tôi có thể mô tả nó theo cách này: Trên hòn đảo quê hương của tôi, cái chết là điều “riêng tư”. Ở Đảo Lớn, cái chết là một “đoàn”, dân làng tháp tùng (loại “đồng hành” đầu tiên kể trên) người đã khuất về “Đảo An Nghỉ” – đây không phải là một đại từ thi ca mà là một danh từ riêng, không ai dạy tôi, tôi chỉ tự suy luận ra từ cấu trúc ngữ pháp. Người ta phải đi bộ qua vùng bãi triều để leo lên nghĩa trang có cái tên đầy chất thơ này. Lúa mì, cây ăn quả, sắn, mía mọc bừa bãi trên sườn đồi, tôi tưởng là một sự ngẫu nhiên nào đó, nhưng sau này tôi mới biết đó là cố ý. Trên Đảo Lớn, hạt giống được chôn cùng người, trong mộ không có dấu vết nào khác ngoại trừ những cây con đâm xuống đất vào mùa xuân năm sau. Loại hạt giống do họ hàng gần lựa chọn, có người chọn loại trái cây mà người đã khuất suốt đời yêu thích, còn đa số thì chọn hạt ngũ cốc. Nếu người quá cố không có người thân còn sống thì rắc một nắm hạt lúa mì lên.

Thơ đóng vai trò trung tâm trong tang lễ. Người ta bắt đầu ca hát khi đào mộ, giọng nhẹ nhàng, lời bài hát bắt đầu lặp lại sau sáu dòng, tôi nghe hai lần và cuối cùng cũng có thể rụt rè hát theo. Sau gieo hạt giống là một bài hát khác, và tôi thích bài này hơn, một phần vì nó ngắn hơn, một phần vì chủ đề của nó chính là hạt giống. Nếu bài hát trước nói về cái chết thì bài hát này nói về cuộc sống. Những hạt giống thức dậy và lớn lên trong bóng tối, những ngày nắng kéo theo gió biển rồi mưa, những quả hoặc hạt lúa mì rơi xuống đất, trở về bóng tối, chờ đợi lần vỡ đất tiếp theo. Đoạn điệp khúc cuối cùng kết thúc, đám tang cũng kết thúc, mọi người nói chuyện nhẹ nhàng, ôm nhau, áp trán hoặc má vào nhau, chia nhau thêm trái cây và hạt rang rồi lần lượt ra về. Tôi đứng đó, nhìn theo bóng lưng của cậu, cho đến khi xung quanh gần như không có ai, tôi mới chậm rãi bước tới, nhìn chằm chằm vào chân mình, cố gắng không phát ra âm thanh nào, nhưng cậu đã sớm nhận ra và quay lại. Tôi nắm lấy bàn tay đang dang ra của cậu, và cậu kéo tôi lại, áp má cậu vào má tôi rồi hỏi tôi có phiền khi ở lại đây với cậu một lúc không.

Tất nhiên là cậu biết câu trả lời trước khi hỏi.

Chúng tôi ngồi cạnh một bụi dâu đen vì tôi nhớ mùi của bụi cây. Cậu đã kể cho tôi nghe về bạn bè của cậu, tất cả đều rất chi tiết, nên tôi thực sự không thể nhớ được họ. Nó không liên quan gì đến kỹ năng kể chuyện của cậu, cũng không phải vì tôi nghĩ bạn bè của cậu không quan trọng. Có lẽ vì cuối cùng tôi cũng hôn cậu nên khoảnh khắc này đã dâng trào và cuốn trôi những ký ức khác như một cơn giông bão. Suy cho cùng, ký ức của con người khác với việc ghi lại vụ thu hoạch lúa mì, chúng không những không chú ý đến năm và số lượng chính xác mà còn thường chồng chéo, ép chặt rồi biến dạng lẫn nhau. Nếu bạn kể lại, lỗi sẽ càng rõ ràng hơn, hãy tưởng tượng việc ép bùn ướt vào một cái khuôn đầy những góc nhọn và ống cong không đồng đều, bề mặt có thể trông mịn màng nhưng không thể vừa khít hoàn toàn. Ngôn ngữ là một cái khuôn không đáng tin cậy, nhưng có còn hơn không. Ngay cả bây giờ, ngồi đây, cầm bút, với tư cách là kẻ độc tài của trang giấy này, tôi lo lắng rằng đây không phải là cách tốt nhất để kể câu chuyện. Tôi lật đi lật lại những đoạn trước, tự hỏi liệu có cách nào kể câu chuyện hay hơn không.

Kết luận: Không. Tôi là một người ghi chép, không phải một nhà thơ, và tôi không có khán giả nào để làm hài lòng.

Ngũ cốc và quả mọng trong nghĩa trang khơi dậy sự tò mò không đáng có, tôi muốn hỏi cậu, việc nhặt đồ ăn trong nghĩa trang có phải là điều cấm kỵ không? Nếu vậy, nó có thể bị phá vỡ trong trường hợp nạn đói không? Do bầu không khí nên tôi chưa bao giờ nói ra. Không ngờ sau ngần ấy năm, tôi đã tìm được câu trả lời trong căn nhà đá nơi tôi hiện đang ẩn náu. Theo cuốn “Quần đảo du kí” viết cách đây 86 cái mùa hè, cư dân Đảo Lớn thường chôn cất người thân đã khuất của mình trên ruộng mía hoặc ruộng lúa mì do gia đình họ canh tác, nếu không sở hữu đất đai thì họ sẽ bị chôn ở ngư trường. Ở đây tác giả còn thêm một ghi chú bằng cỡ chữ nhỏ hơn: “Ngoại trừ ngư dân và pháp sư, tất cả cư dân trên Đảo Lớn đều có đất riêng.” Vì vậy, tôi suy luận rằng phong tục gieo hạt đã phát triển theo cách này, và rằng tại một thời điểm nào đó trong quá khứ không được ghi lại, có lẽ vì bệnh dịch hạch, một lãnh đạo hội đồng đã quyết định rằng tất cả các xác chết nên được chuyển đến một hòn đảo bên ngoài vùng thủy triều. Người chết không còn được phép yên nghỉ trong vườn cây ăn quả và ruộng đồng nữa nên người ta mang cây ngũ cốc và cây ăn quả đến cho họ. Từ quan điểm này, không có lời nguyền hay điều cấm kỵ nào gắn liền với cây trồng trên Đảo An Nghỉ. Tôi cá là cậu không biết lịch sử này, tôi chép nó vào một tờ giấy khác để khi gặp lại tôi sẽ kể cho cậu nghe.

Thi thể của những người lính phương Bắc cũng được vớt lên, không ai chịu kéo lên bờ nên chất đống trên những chiếc tàu chiến vội vã bị bỏ đi. Không biết những người này tin vào điều gì, hội đồng đã triệu tập một pháp sư tóc bạc, người đã định cư trên Đảo Lớn từ nhiều mùa hè trước và đã trốn về phía bắc ngay khi ngửi thấy mùi buộc tội pháp sư. Hội đồng đã ủy quyền cho ông ta thực hiện “bất kỳ nghi thức thích hợp nào” để “xoa dịu linh hồn người chết.” Thế nên người ta từ xa trên bờ nhìn pháp sư chèo thuyền tam bản(3), dùng cành cây quất vào nước biển rồi vẫy những cành ướt về phía tàu chiến. Gió thỉnh thoảng thổi lên tiếng hát của ông ta nhưng không ai hiểu được ông ta đang hát gì. Cuối cùng, theo mô tả của những người có mặt lúc đó, những lưỡi lửa đột nhiên phóng lên ở đầu cành, rung rinh như có ý chí, quấn quanh chiếc tàu chiến bị hư hại, lan ra với tốc độ của ngọn lửa pháp sư rồi nuốt chửng toàn bộ con tàu và những xác chết bên trong.

(3) Thuyền tam bản hay còn gọi là xuồng ba lá, là một loại thuyền gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc, có đáy tương đối bằng phẳng và dài từ 3,5 đến 4,5 m. Đôi khi trên thuyền tam bản có dựng những lán nhỏ làm nơi trú tạm trên sông nước.



Chúng tôi không nhận ra điều này, chúng tôi quá bận hôn và làm tình. Xin lỗi, tôi có thể tưởng tượng cậu sẽ cau mày khi đọc dòng này. “Làm tình” là một từ hiếm khi được sử dụng trong văn viết. Mọi người không ngại nói nó bằng lời và họ thực sự rất muốn làm như vậy. Tuy nhiên, các nhà thơ tử tế thường chọn cách thay thế uyển ngữ. Tôi viết cả một đoạn về nghiên cứu lịch sử của nghĩa trang, tôi nghĩ chắc là để hoãn việc sử dụng động từ nóng bỏng này. Tóm lại, đây là lần đầu tiên chúng tôi đến một hòn đảo cô độc, xung quanh là cuộc sống xào xạc, phủ đầy bùn lầy và những đám cỏ vàng úa. Đó không phải là những gì tôi tưởng tượng, không phải những gì cậu tưởng tượng, nhưng tất cả chúng ta đều đồng ý rằng nó tốt hơn những gì chúng ta tưởng tượng, bởi vì nó là sự thật, và kể từ đó, nó có thể lặp lại được. Chiều tối, nước biển lặng lẽ dâng lên dữ dội đến bãi triều, chúng tôi chạy đua với sóng, nước bắn tung tóe khắp nơi. Khi chúng tôi thở hổn hển đến được bờ bên kia, nước đã ngập từ mắt cá chân đến ngực, và Đảo An Nghỉ đã co lại thành một cái bóng gồ ghề, co ro một mình trong làn nước biển mờ ảo. Khi chúng tôi bước đi dưới bóng cây đung đưa, chúng tôi không thể không dừng lại và hôn nhau. Khi đi ngang qua bến tàu, tàu chiến đang bốc cháy sắp chìm, chỉ còn sót lại một đoạn nhỏ trên mặt nước, không rõ là mũi tàu hay đuôi tàu, ngọn lửa đung đưa yếu ớt trong bóng tối dâng trào. Cậu và tôi dừng lại, ôm nhau, nhìn ngọn lửa cho đến khi nó bị sóng biển tiêu diệt.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện