Trong khi nhóm của Lã Vọng Thiên bôn ba tra án mấy ngày nay, thì những người ở lại phủ Khai Phong cũng bận rộn không kém.

Sau khi Hàn Thu Thủy trở về, cập nhật tình hình nghiên cứu, xây dựng loa phường, cũng như báo cáo về những điều mắt thấy tai nghe ở dưới địa phương, Nguyễn Đông Thanh chợt nhận ra hắn có chút chủ quan, cũng như có phần hơi ngây thơ. Tuy là hắn đã biết trước chuyện xã hội phong kiến sử dụng “ngu dân” để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, nhưng chung quy, cái “biết” này vẫn chỉ là một thứ rất trừu tượng hắn đọc trên sách vở, không tạo nên được cảm xúc gì nhiều. Còn hiện tại được thực sự trải nghiệm thực tế, hắn mới tinh tế cảm thấy phần nào sự bất lực cũng như cam chịu của dân chúng.

Đồng thời, Nguyễn Đông Thanh cũng bắt đầu ý thức được chuyện xây dựng loa phường cho dù có không lập tức gặp cản trở, thì cũng không chắc chắn sẽ không bị phản đối trong tương lai. Dẫu sao, trong xã hội phong kiến, giai cấp thống trị có thể đàn áp giai cấp bị trị, chúng quy cũng vì giai cấp bị trị không có kênh thông tin nào khác, chỉ có thể nghe và tin theo những kẻ thống trị họ. Mà loa phường hắn muốn xây dựng chính là một kênh thông tin mới, có khả năng phá vỡ hiện trạng này. Phá vỡ hiện trạng, cũng đồng nghĩa chọc vào tổ kiến mang tên “lợi ích nhóm” của sĩ tộc và quan lại địa phương...

Song, điều này không khiến Bích Mặc tiên sinh của chúng ta thay đổi quyết định muốn xây dựng loa phường. Chả qua là tự dưng hắn lại thêm một việc phải suy tính trước: “làm sao đối đầu với sự phản đối của những kẻ có lợi ích sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi loa phường” mà thôi.

Ngoại trừ chuyện này, mảng làm báo cũng nảy sinh vấn đề. Số là, do tất cả mọi người đều cho là Bích Mặc tiên sinh đã có tính toán kỹ lưỡng, nên không ai thắc mắc gì về quyết định in báo lên giấy của Nguyễn Đông Thanh. Thế nhưng khổ một nỗi, giấy ở Huyền Hoàng giới sản xuất nào có dễ dàng như thời hiện đại ở địa cầu? Phải biết ngay cả tại địa cầu thời phong kiến, giá giấy cũng rất đắt đỏ do sản xuất khó khăn. Thành thử, đối với người hiện đại như Nguyễn Đông Thanh, chuyện in báo trên giấy chả qua là sự hiển nhiên, không cần suy nghĩ. Dẫu sao, giá giấy mà người hiện đại chúng ta biết đến rẻ như bèo, giấy báo còn được dùng để gói xôi. Vậy nên, báo có bán rẻ thì cũng không lỗ. Nhưng nếu cứ làm vậy ở Huyền Hoàng giới thì lại khác biệt.

Số báo đầu tiên in ra không có quá nhiều vấn đề cũng là do những người phụ trách chuyện này toàn là cậu ấm cô chiêu, công tử tiểu thư không có gì ngoài điều kiện. Song, nếu cứ bán rẻ như cho không, với giá giấy đắt đỏ như vậy, về lâu về dài quả thực có chút không ổn. Tuy là đám người Hoàng Sở Sở, Lâm Cảnh Trung hiển nhiên sẽ không oán không trách, sẵn lòng bỏ tiền túi ra, nhưng Cố Thi Âm cũng đoán được Nguyễn Đông Thanh không muốn làm phiền, nợ ân tình của bọn họ như vậy.

Thế là, Cố sư gia đem chuyện này cáo tri cho Bích Mặc tiên sinh. Nguyễn Đông Thanh biết chuyện thì cũng giật mình. Kỳ thực chuyện này hắn cũng từng đọc qua. Thậm chí, Nguyễn Đông Thanh lơ mơ nhớ được quãng những năm chín mấy, hai ngàn, sau giải phóng tận hai mấy ba mươi năm, khi giá giấy đã rẻ rồi, mà nhiều người già vẫn còn giữ thói quen trân quý trân tàng giấy, chứ chả cần xa tới thời phong kiến. Đây đúng là sơ suất của hắn. Thế nên, số báo đầu tiên sắp chuẩn bị phát hành thì không nói, nhưng từ số báo sau trở đi, sẽ còn phải tìm vật liệu khác thay thế giấy nữa.

Song, việc này cũng đột nhiên khiến Nguyễn Đông Thanh tò mò. Nếu giá giấy đắt như vậy, thì cô hàng xóm của hắn tại Lão Thụ cổ viện có thân phận gì mà lại có nhiều giấy để chép sách đến như vậy? Tất nhiên, suy nghĩ này lập tức bị Nguyễn Đông Thanh gạt sang một bên khi liếc qua Hồng Đô. Người ta đến cả một con mèo máy tương lai còn móc ra được, so với chuyện đó, có vẻ chuyện này không đáng kể.

“Khoan đã! Nếu chuyện này đối với Hồng Vân thật sự là không đáng kể mà nói... Vậy thì có khi không cần tìm vật liệu thay thế giấy!”

Trong đầu Bích Mặc tiên sinh của chúng ta chợt lóe lên một ý tưởng. Thế là hắn liền gọi Hồng Đô lại, nhờ cô mèo máy về cổ viện một chuyến, cầu cứu Hồng Vân. Đầu tiên là hỏi xem cô hàng xóm của gã liệu có thể cung cấp giấy ổn định trong thời gian ngắn hạn trước mắt hay không, sau đó là mượn vài quyển sách về kỹ thuật chế tác giấy cho Hàn Thu Thủy nghiên cứu cho kế hoạch dài hạn. Dẫu sao, việc mà hắn giao cho nhóm của Hồng Đô làm cũng không quá gấp, lại đã có giải pháp tạm thời của Lã Vọng Thiên. Trong thời gian cô mèo máy đi đi về về, hai người Trường Triều Triệu Hán có thể tự xoay xở được.

Xét thấy những việc khẩn cấp cần giải quyết ngay đã tạm thời ổn ổn, Nguyễn Đông Thanh bèn mời Cố sư gia vào thư phòng thương nghị kế hoạch lâu dài về cải cách ruộng đất cũng như phương án đối phó với những phản đối có thể xuất hiện đối với loa phường.

Cũng chẳng rõ hai người đã nói với nhau những gì. Chỉ biết là khi Cố Văn rời đi thì dáng vẻ đầy đăm chiêu suy nghĩ. Sau đó, họ Cố cáo tri với Lã thiếu lâu chủ về lo ngại của Bích Mặc tiên sinh trong chuyện xây dựng loa phường, rồi khóa mình trong phòng nghiên cứu sổ sách, ghi ghi chép chép cả buổi.

Cùng thời gian này, có thêm một thông tin theo đường các tiểu thư công tử chạy đến thành Bạch Đế trợ giúp Bích Mặc tiên sinh loan ra ngoài, nghe đồn là tổng kết từ chính miệng Cố sư gia. Tin này như sau:

“Không cần lo lắng điểm phá, phá vỡ tính toán của Bích Mặc tiên sinh mà không nhắc nhở, thắc mắc với tiên sinh khi thấy những điều ngài ấy nói còn có điểm chưa thỏa đáng. Kế hoạch của Bích Mặc tiên sinh không dễ dàng bị phá vỡ như vậy. Ngược lại, tính toán của tiên sinh có khả năng cao đã bao gồm cả việc có người sẽ nhắc nhở, thắc mắc những chuyện này. Vậy nên, khi lên tiếng hỏi chả qua là thực hiện vai trò của bản thân trong tính toán của Bích Mặc tiên sinh mà thôi.”

Chuyện này ban đầu lúc mới truyền ra còn nhiều kẻ bán tín bán nghi. Song không lâu sau đó, lại có thêm một lời đồn về “dẫn chứng sống” Hoàng Sở Sở, khi trước từng hỏi một chuyện ai cũng nhìn ra nhưng không ai dám hỏi do sợ phá hỏng tính toán của Bích Mặc tiên sinh, vậy nhưng không những không bị tiên sinh quở trách, mà từ đó lại còn rất được ngài thưởng thức.

Hai chuyện này cùng ra, nói có sách mách có chứng, khiến Huyền Hoàng giới một lần nữa rung động. Không ít kẻ vì chuyện này mà bắt đầu rục rịch, lo lắng, sợ hãi trước khả năng tính toán của Bích Mặc tiên sinh.

Song, chúng nhân phủ Khai Phong thì chả ai hơi đâu đi quản mấy chuyện này, bởi Khai Phong tuần san số đầu tiên cuối cùng cũng đến ngày phát hành...

Vì là số báo đầu tiên, lại làm gấp, cho nên cũng chỉ có một mặt giấy. Tin chính chiếm sáu phần mười diện tích mặt báo là chuyện mười mấy phú hộ, gian thương bị bắt, cùng tội trạng tra cứu sơ bộ ra được, cũng như ngày sẽ công khai thăng đường xử án. Thậm chí, còn trưng cầu dân ý về mức án phạt, mời dân chúng những ai quan tâm chuyện này thì có thể đến phủ Khai Phong bỏ phiếu kín. Đi kèm với tin này là những thông tin chính thống về mức thuế sau điều chỉnh, cũng như quyết định giám sát kỹ càng quá trình thu thuế của phủ Khai Phong.

Theo kế hoạch đã thống nhất, Long U cho mấy người Hoàng Sở Sở, Lâm Cảnh Trung chia nhau thành các nhóm hai người, đến từng điểm bán báo, vừa bán vừa đọc các thông tin này cho đám người không biết chữ, coi như giải pháp tạm thời cho tới khi loa phường được xây dựng. Điểm bán báo được đám người quyết định là cạnh các quán nước, như vậy vừa có thể tận dụng ưu thế thông tin lưu động, thu thập sẵn một số tin tức có thể sử dụng cho các số báo trong tương lai, lại vừa có thể mượn miệng các bà hàng nước lan rộng các tin được đăng trong số báo đầu này luôn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện