Tôi đứng tần ngần trước cổng hồi lâu, biết nhà anh ta rất giàu, không nghĩ lại rộng lớn như vậy.

 - “Sao còn đứng đấy? Mau đi nhanh, đừng để công tử nhà ta phải đợi!” tên đầy tớ phía sau lên tiếng nhắc nhở.

Vội vàng xách túi tiến vào, cảnh tượng bên trong khiến tôi sững người. Kiến trúc nhà cửa bày trí thì đẹp đấy, nhưng kỳ lạ là cây cảnh, hoa cỏ lại bị sới tung hết lên.

 - “Ơ, chuyện gì xảy ra ở đây vậy công tử?” Tôi hỏi.

 - “Em trai ta làm đấy! Nó là đứa hay chơi bời, lêu lổng, tính tình lại nóng nãy. Hôm qua nó ra ngoài trấn, cùng đám con em quan lại khác phá phách. Chuyện đến tai cha ta nên ông ấy đã ra lệnh cấm túc nó dăm bữa, ai ngờ nó không biết hối lỗi liền đào hết cây quý của cha lên!” Hữu Chính kể lại với vẻ bất lực.

Tôi cũng thấy đồng cảm, thì ra là thời đại nào cũng có báo thủ, người em này có cá tính đấy, không biết mặt mũi trông như nào nhỉ? Vào đến gian nhà trước, Hữu Chính sai người sắp xếp cho tôi chỗ ở. Trước khi về phòng, hắn dặn dò:

 - “Tối nay ngươi cứ về nghỉ ngơi, mai ta sai người gọi đến thưa chuyện với mẹ. Có gì muốn nhờ vả thì nhờ nữ hầu đi bên cạnh giúp đỡ!”

 Tôi gật gật, gù gù quay người rảo bước theo em ấy về phòng. Trước hết phải tắm gội cái đã, trông thể để cả người bẩn thỉu như này đi ngủ được.

Phòng tắm đơn sơ, vỏn vẹn có cái lu sành và sào đồ bằng tre, còn có một cái lọ đựng chất gì đấy, ngửi kỹ thì ra là nước Bồ Hòn thêm hương hoa Lài. May mắn là tôi có mang cái túi theo, trong đấy có đồ cá nhân với một ít mỹ phẩm. Con gái mà không có mấy thứ này bên người thì bất tiện lắm.

Sắc trời sẩm tối, ngàn sao lấp lánh, ánh trăng treo trên đầu tỏa ra sáng xuyên qua các tán lá cây. Tôi lôi từ tay áo ra túi ấn ngọc, đưa lên nhìn đến ngẩn ngơ.

Nếu Cảnh Điền đã trưởng thành, hẵn sẽ là một thiếu niên anh tuấn, phong thái đĩnh đạc. Không biết đường đi đến hoàng cung có xa xôi hay không, tôi biết ấn ngọc này rất quan trọng với cậu ấy, phải đem trả lại nhanh nhất có thể. Năm đó tôi không tính cầm luôn, chỉ là thấy nó đẹp, mượn chơi một tí, chưa kịp trả thì bị đẩy quay trở về.

Tôi ở bên cạnh phòng Hạnh, lúc ngang qua thấy em tắt đèn tối om, con bé đã đắp chăn ngủ từ bao giờ. Đặt cái túi bị thấm nước lên bàn, lôi từng món đồ ra lau một lượt. Xong xuôi, tôi leo lên giường ngủ một mạch.

Sáng sớm khi vừa mở mắt, một khuôn mặt nhìn tôi đắm đuối. Thấy tôi đã thức, Hạnh như chột dạ lùi về sau.

 - “Làm cái gì thế hử? Mặt chị dính gì à?” Tôi chống cằm nghiêng người, bày ra kiểu dáng dụ dỗ gái nhà lành.

 - “ Vâng, có đấy ạ! Mặt chị dính nhan sắc ấy!” Hạnh hùa theo, giọng điệu ngả ngớn: “Da trắng nõn nà, mắt ngọc mày ngài, môi đỏ như nụ đào xuân. Trên người có mùi thơm dễ chịu tỏa ra. Nào có giống như tì nữ tụi em, chân tay thô ráp, da đen nhẻm đâu.”

 - “ Thế cho em bắt về làm thê tử này!” Tôi đưa tay ra trước, giọng còn ngả ngớn hơn Hạnh.

 - “Chị lại trêu, nếu em là đàn ông thì bắt chị về nhà lâu rồi!” Hạnh bày ra vẻ hờn dỗi.

Con bé này cũng dễ chọc ghẹo thật, cái mặt lúc dỗi trông đáng yêu phết. Vừa lúc đấy có gia đinh đến gọi tôi ra sảnh chính thưa chuyện. Trên đường đi đến, Hạnh hỏi tôi:

 - “Chị đẹp thế này mà công tử Chính không để ý đến sao?”

Tôi bật cười khanh khách nói: -“Hôm qua chị và anh ta mới gặp nhau lần đầu. Người ngợm chị lúc ấy lòa xòa, bẩn thỉu, tóc tai rũ rượi thì làm sao anh ta thấy mà để ý đến chị!”

Con bé gật gù như đã hiểu, sau đấy nhắc nhở đôi lời về xưng hô cũng như cách hành lễ sao cho phải, tránh lát nữa bị khiển trách.

Hạnh đưa tôi đến gian chính rồi lùi ra cửa đứng đợi. Bên trong sảnh đặt một bàn trà nhỏ và vài bình gốm sứ men xanh, tuy đơn giản nhưng tràn ngập không khí giàu sang.

Hữu Chính thấy tôi, động tác thưởng trà bỗng ngưng lại. Cảm xúc trên mặt giống như có chút thay đổi thoáng qua.

 - “Đây là cô nương mà con vừa nhắc với ta đây sao?” Phan thị quay qua nhìn anh ta hỏi, sau khi nhận được cái gật đầu liền vui vẻ, vẫy vẫy tay nói: -“ Nhà ngươi mau lại đây để ta xem rõ mặt!"

 Phan Liên- mẹ của Hữu Chính, xuất thân là con nhà võ tướng, 15 tuổi đã gả vào nhà quan tri huyện Trần Lâm làm vợ, hạ sinh được hai người con trai. Tính cách đoan trang, hiền thục lại giàu lòng nhân ái nên được quan yêu chiều hết mực.

Tôi bước đến cạnh Phan thị, bà trông hiền từ làm sao, ánh mắt ấy tựa như mẹ của tôi vậy.

 - “Chuyện của con thì vừa nãy ta đã nghe nói. Thôi thì cứ ở lại phủ ta mà làm việc cho tốt, sao này muốn thế nào thì tùy!” Nói đoạn, bà đảo mắt nhìn con trai cả đang uống trà.

 Hai đứa con trai của bà lại chẳng mảy may đến chuyện vợ con, đứa cả thì suốt ngày đèn sách, còn đứa út thì lúc nào cũng luyện đao kiếm rồi gây chuyện thị phi, làm bậc cha mẹ như bà phải lo lắng nhiều.

 - “Vậy chuyện đã coi như xong, con còn có việc nên không thể ngồi lại với mẹ thêm nữa! Mẹ cũng nghỉ ngơi sớm đi ạ.” Hữu Chính nói xong có đưa mắt nhìn về phía tôi rồi xoay người rời đi.

 Vài ngày sau đấy, tôi cũng không có gặp hắn, cũng chưa từng thấy người con út Hữu Thành. Tôi hầu hạ cũng không phải toàn thời gian, đến trưa thì đổi ca với các hầu nữ. Sau đấy có thể tùy ý làm những gì tôi muốn, kể cả ra khỏi phủ đi dạo.

Làm ở đây mỗi tuần sẽ được nhận tiền thưởng một lần. Phủ Trần cũng không bạc đãi người hầu, cơm ba bữa đầy đủ, tiền bạc cũng rất hào phóng.

 Hạnh bảo đã ở đây từ năm lên 7, khi biết làm việc đã được mẹ đem tới gửi gắm cho quản sự. Bà ấy biết Hạnh sống trong phủ sẽ được no ấm, bà ngoài kia đã quá vất vả, không muốn con cái phải chịu khổ cùng.

 Tôi sinh ra đã sống trong nhung lụa, bây giờ mới hiểu cảnh của những người dân nghèo khó, lao động chân tay vất vả đến nhường nào.

 Ở cái đất trọng nam, khinh nữ này thì chẳng biết bản thân sẽ bị đưa đẩy đến đâu. Thôi thì ở lại phủ đã là một điều may mắn lắm rồi, nếu sau này tích góp được ít tiền, tôi nhất định sẽ đi phiêu du tứ phương.

 Tôi đổi trang phục nam nhi do anh Thiện cho mượn, dùng phấn phủ lên làn da để trông đen hơn, tránh sự chú ý của nhiều người.

 Màu vải nhuộm trong các tiệm không quá bắt mắt như ở hiện đại, tôi từng đọc và xem qua hết thảy cách làm ra từng tấm vải và nhuộm vải thời xưa, đến giờ mới được tận mắt chứng kiến. Chất vải xưa và nay đúng là có nhiều khác biệt, loại thường có chút thô sơ nhưng vẫn được dệt cẩn thận.

 Được lúc thì tôi chợt nghe tiếng ồn ào phát ra từ con đường phía trước.

 - “Kẻ ăn cắp kia, mau trả túi tiền đây!” Một thiếu niên cùng vài tên hầu cầm gậy gộc đang đuổi theo tên trộm chạy về hướng tôi đứng.

 Tên trộm xô ngã các gian hàng và người trên đường, cố len lỏi tìm chỗ thoát thân. Tôi muốn giúp người ta lấy lại túi tiền nhưng sợ phiền phức mới xem trái phải có gì giúp hắn không.

 Mắt tôi dừng lại ở một đống cây tre đã

chặt gọn tấp bên cạnh. Không suy nghĩ nhiều, rút ra một cây dài nhất, quất vào chân khiến hắn ngã ra đường. Vừa hay thiếu niên đấy chạy đến nơi tẩn cho hắn một trận rồi giật lại túi tiền, người dân cũng giúp sức trói tên trộm giải lên quan.

Thấy mọi chuyện đã xong, quay lưng đi về thì bị một bàn tay chộp lấy vai tôi từ đằng sau. Theo quán tính, tôi túm cánh tay rồi vật người đấy ngã lăn ra đất, nhìn kỹ thì ra là thiếu niên hồi nãy đây mà.

 - “Này người huynh đệ, cậu có cần mạnh tay thế không?” Hắn đứng dậy, xoa lưng ca thán.

 -  “Thì ai bảo anh im lặng vỗ vai tôi, tôi theo phản xạ phòng thân nên mới làm thế!” tôi vội vàng đỡ hắn dậy, xem xét một lúc không thấy có vấn đề mới thở phào một hơi.

 - “Ta muốn cảm ơn cậu một tiếng, lúc nãy nếu không có cậu đây giúp đỡ thì ta khó bắt được tên trộm ấy!”

 - “Không có gì, chỉ là tiện tay giúp đỡ mà thôi!”

 - “Vậy nếu không chê thì đến quán ăn nhỏ của nhà ta phía trước kia, ta mời cậu một bữa!”

 Hắn ta chỉ tay về căn lầu gác tía cách 20m, tôi tròn mắt nghĩ thầm trong bụng: “Cái quán ăn hai lầu gác tía, treo đèn lồng bản lụa sa hoa kia mà nhỏ ư?”

 Lúc này là tầm 4 giờ chiều dựa theo hướng mặt trời, quán ăn cũng khá đông đúc, chủ yếu là con em quan lại quý tộc ngồi chè chén. Có vài ánh mắt nhìn tôi chê bai, họ nói tôi tầng lớp bần tiện, chẳng hợp xuất hiện ở chốn sa hoa như này.

 - “Ta tên Thiên Trị- 20 tuổi, mong được biết danh tính ân nhân để tiện bề xưng hô!”

 - “Tôi tên Thiện - 18 tuổi, làm sai vặt cho nhà quan tri huyện.”

 Hắn nghe đến thì tươi cười hớn hở nói:

-“Thì ra là người trong phủ công tử Chính, ta và huynh ấy cũng có giao tình nhiều năm. Xem ra nay gặp được đệ cũng coi như là có duyên.”

Chúng tôi đi thẳng lên lầu, trên này cũng như phòng Vip ở hiện đại vậy, không gian bày trí vô cùng lộng lẫy, chói mắt. Đồ ăn cũng nhanh chóng được đưa lên, sơn hào hải vị cũng rất phong phú.

 - “Đồ ăn nhiều quá, anh định biến tôi thành lợn à?” tôi nhìn trên bàn bày hơn 20 món mà chẳng biết từ chối làm sao.

 - “Nhiêu đây có đáng gì đâu, cậu xem món này chỗ ta làm có ngon không.”

Tay hắn gắp liên tục vào bát tôi, chẳng mấy chốc đồ ăn chất cao như núi. Lại sai người mang lên một vò rượu, mùi thơm phản phất khiến tôi cũng thấy thèm thuồng.

 - “Đây là rượu nếp được ủ lâu năm, thơm ngon hơn so với rượu gạo thường. Để ta rót cho đệ uống thử!”

 Đưa ly lên nhấp một ngụm, vị cay của rượu làm tôi nhăn mặt, nhưng cảm nhận được vị ngọt lại thích thú. Thế là chúng tôi chén chú chén anh đến lúc mặt trời lặn hẳn mới ngưng. Người tôi cũng hơi lâng lâng, cũng may là tửu lượng không đến nỗi nào, cũng giữ được chút lý trí mà ra về.

Thiên Trị đuổi theo, đặt vào tay tôi một miếng kim bài có khắc chữ Hán Việt, đứa không biết chữ ấy như tôi nhìn mãi chẳng ra cái gì, nhưng cũng đoán ra được trên đấy có ghi thông tin của hắn.

 - “Nếu sau gặp vấn đề gì khó khăn thì cầm theo kim bài này đến đây, ta sẽ dốc lòng giúp đỡ.”

 - “Vậy xin cáo từ tại đây!” Tôi chắp tay kính lễ rồi mau chóng quay về phủ.

Vừa bước vào đến bậc cửa thì chạm mặt Hữu Chính một tay cầm sách, tay kia để sau lưng. Tôi loạng choạng cúi người chào:

 - “Bẩm công tử, tôi mới về! Xin phép vào trong nghỉ ngơi ạ!”đang lách người đi qua thì tôi bị túm cổ kéo lại.

 - “Nhà ngươi uống rượu?”

 - “Dạ bẩm, có uống chút ít ạ!” tôi nhìn hắn ta như đang giận dữ, bản thân lại có chút luống cuống.

 Hữu Chính ánh mắt dò xét tôi một lượt rồi nghi hoặc hỏi:

 - “Ta nhớ nhà ngươi ở đất này đâu có ai thân thích, mới thế đã kiếm được bằng hữu rồi ư?”

 - “Dạ chiều nay tôi có giúp người ta chút chuyện, cũng coi như lập ít công lao, nên mới chè chén một tí!” tôi lí nhí đáp.

 Ánh đèn hắt vào, tôi thấy lông mày hắn nhíu chặt hơn, Chính làm như người cha đang răn dạy con cái, nói:

 - “Ngươi phận nữ nhi thì nên chú ý một chút, đừng lo chuyện bao đồng để tránh rước họa vào thân! Tự xem lại bản thân đi, chẳng ra thể thống gì!”

 - “Dạ tôi cải trang tốt lắm, công tử yên tâm đi! Không ai phát hiện ra đâu.” Tôi vỗ ngực tự hào đáp.

Hắn lắc đầu thở dài một hơi rồi cũng không hỏi tiếp nữa, tôi chân nọ đá chân siêu về phòng, thế nhưng chẳng biết thế nào vấp phải phiến đá lót đường ngã lăn quay. Nghe tiếng động, Hữu Chính bước tới đỡ tôi ngồi dậy. Đầu gối chảy máu khiến tôi đau đến phát khóc, nước mắt nước mũi tèm nhem.

 - “Đau quá, chắc tôi gãy chân mất rồi!” tôi ôm đầu gối gào lên.

 Hữu Chính nhìn bộ dáng say xỉn, nhếch nhác của tôi mà bất lực, đưa tay nâng cái chân lên xem.

 - “Ngươi uống rượu say, lèm bèm thật đấy! Chân của ngươi chỉ bị trầy một chút thôi, về phòng băng bó là ổn. Mới chưa gì đã ngã thành như này, nếu uống thêm nữa thì chắc là gãy thật!”

 - “Thế ư? Không bị gãy ư? Phúc tôi vẫn lớn lắm, khà khà...” khúc này như rượu đã ngấm, tôi bắt đầu cảm thấy mình nói năng trở nên hồ đồ, bóng dáng của Chính cũng lúc rõ lúc không.

 - “Ngươi đứng dậy được không? Để ta sai Hạnh dìu ngươi vào”

 Lúc này tôi còn biết cái đếch chi đâu? Đầu óc cứ quay cuồng, chỉ muốn nằm tại chỗ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện