Từ mặt hồ thình lình có một vật nhảy vọt lên, chúng tôi ngồi trên "thuyền xung phong" tuy đã có phòng bị trước song cũng không ngờ lại gặp phải tình huống này, ai nấy đều cầm chắc xẻng công binh, đồng thời giơ hết đèn pin.
Mấy cột sáng quét qua không trung, tôi ngẩng đầu lên nhìn theo cả bọn, không nhìn thì thôi, vừa trông thấy, trong lòng kinh hãi ngạc nhiên, miệng há hốc ra một lúc lâu vẫn không khép lại được. Kinh hãi bởi thứ vọt lên là một con "cá". Cá nhảy lên khỏi mặt nước là hiện tượng thường gặp, nhưng đây lại là một con cá chết dài đến gần ba mét, đã bắt đầu thối rữa, mùi tanh xông lên tận trời, bụng cá toác ra mấy cái lỗ lớn, đầu cá còn khuyết mất hơn nửa, để lộ phần xương trắng hếu.
Xác con cá chết ấy sau khi rời khỏi mặt nước lại dừng sững giữa không trung, khiến cả bọn chúng tôi không ai không sửng sốt kinh ngạc. Lúc này, hai cỗ quan tài sơn son đã theo dòng nước trôi đến gần hơn chút nữa, lại càng thấy rõ hơn, thì ra trên cái xác cá chết thối rữa ấy đầy những là nhặng đen to tướng. Những con nhặng to bằng móng tay, bám chặt vào thân cá, chúng bị giật mình liền nâng cả cái xác cá lên khỏi mặt nước, nhốn nháo hỗn loạn hồi lâu vẫn không chịu tản đi. Trên mình chúng bám đầy hơi xác thối và chất lân tinh, bay lượn trên không tựa như những con đom đóm phát ra ánh sáng leo lét, lại tựa hồ nghìn vạn con mắt quỷ chớp tắt biến ảo bất định.
Loại nhặng đen này có tên khoa học là "nhặng ăn xác lớn" tuy trong tên có chữ "nhặng", nhưng thực tế chúng là một loại "thi trùng", cực kỳ thích ăn thịt thối. Nhiều khi, ở những khu đồi loạn táng, thây xác lộ ra cũng sẽ xuất hiện bóng dáng của nhặng ăn xác. Nhưng giống vật này có tập tính hết sức đặc biệt, xưa nay không bao giờ đụng vào vật sống, cũng không tạo thành uy hiếp gì với người sống cả.
Hồi trước ở Phan Gia Viên, tôi từng được nghe một câu chuyện về giống thi trùng này. Chuyện kể rằng, thời trước giải phóng, có tên trộm vặt Mã Ngũ Tử hay làm trò đốt đèn trộm mộ, bình thường hắn chỉ đào những mộ nhỏ của địa chủ, phú hộ, lấy đồ trang sức vàng bạc tùy táng của mộ chủ đổi lấy đổ ăn thức uống, chưa từng phát tài to bận nào, cuộc sống cũng chỉ miễn cưỡng đủ ăn đủ mặc.
Cho đến một ngày nọ, Mã Ngũ Tử đi đào mồ ở một khu đồi loạn táng, vô ý tìm được một ngôi mộ thời Tống, bên trong có rất nhiều thứ đáng tiền. Mã Ngũ Tử sống ba mươi mấy năm trên đời, chưa bao giờ trông thấy nhiều minh khí như thế, có điều một mình hắn chẳng thể nào chuyển hết số báu vật này đi được. Nhưng hắn cũng biết chuyện này để đến tai người ngoài chắc chắn sẽ chuốc họa vào thân, nên chỉ gói ghém mấy món vàng bạc châu báu đáng giá nhất, những thứ khác đều để nguyên không đụng đến, định rằng sau này khi túng bấn sẽ quay lại đào lên cứu cấp.
Trước lúc bỏ đi, Má Ngũ Tử chợt trông thấy trong kẽ quan tài chui ra một con thi trùng, hắn bèn tiện tay tóm lấy, lúc ấy ma xui quỷ khiến thế nào, chẳng hiểu hắn nghĩ sao mà lại lấy trong người ra một mảnh giấy dầu vốn dùng đế gói thịt lợn bọc con thi trùng lại nhét vào trong kẽ tường, có lẽ muốn bịt cho nó chết ngạt trong ấy.
Sau đấy, Mã Ngũ Tử bỏ nghề trộm mộ, về nơi phố thị đem minh khí đổi lấy tiền tài mua nhà mua cửa, sống những tháng ngày giàu có sung túc, rồi lấy vợ sinh con. Khi con hắn được mười lăm tuổi, cả hai cha con đều nghiện đánh bạc, tục ngữ có câu "Đánh lâu thần tiên cũng phải thua", huống hồ chỉ là hai tên phàm phu tục tử.
Đánh bạc thắng thua như lấy tuyết lấp giếng, chẳng bao giờ đầy, cơn nghiện không sao dứt nổi, chơi đến khi hồn xiêu phách lạc, tán gia bại sản vẫn chưa chừa. Mã Ngũ Tử thấy trong nhà chỉ còn bốn bức vách, nhớ lại trong ngôi mộ cổ thuở trước vẫn còn rất nhiều đồ quý, bèn dẫn thằng con trai đi đào trộm lần nữa. Hai người lần mò vào bên trong mộ cổ, Mã Ngũ Tử thình lình nhớ ra mười mấy năm trước hắn từng bọc con thi trùng nhét vào kẽ tường, cũng không biết bây giờ đã tan thành bụi đất hay chưa? Nghĩ vậy, hắn liền tìm lại chỗ cũ, không ngờ mới tìm liền thấy ngay, bọc giấy dầu vẫn còn nguyên, mở ra xem thử, con thi trùng đã khô quắt lại, như sắp biến thành một mảnh giấy đến nơi nhưng các chi và lông vẫn sinh động như lúc còn sống.
Hai cha con Mã Ngũ Tử nói lòng hiếu kỳ, bèn cầm giơ lên trước mặt quan sát kỹ càng. Có điều hai cha con hắn quên mất một cấm kỵ của nghề trộm mộ, người sống không được phả hơi thở vào những vật chết rồi mà không thối rữa, vừa tiếp xúc với dương khí, con thi trùng kia đột nhiên sống lại, cắn một phát vào ngón tay Mã Ngũ Tử. Mã Ngũ Tử lập tức sùi bọt mép, toàn thân co giật, khi con hắn cõng về đến nhà, còn chưa kịp mời thầy thuốc tới thì hắn đã toi đời.
Nghe nói sau này hậu nhân của Mã Ngũ Tử kiếm ăn ở Bắc Kinh, làm giúp việc cho Kiều Nhị gia ở Lưu Ly Xưởng, chuyện này do chính miệng y kể lại, ở hai nơi tập trung và phát tán đồ văn vật là Phan Gia Viên vói Lưu Ly Xưởng cũng có rất nhiều người từng nghe, song mọi người đều bảo đấy là chuyện bịa, chẳng mấy người chịu tin, chỉ coi như chuyện vui lúc trà dư tửu hậu.
Riêng tôi lại cảm thấy chuyện này khá chân thực. Nếu chưa từng tự mình trải nghiệm, tuyệt đối không thể nói kỹ càng thế được. Thi trùng, thi lạp(1) đều là vật sinh ra trong mộ, những người tinh thông đạo biến hóa của phong thủy mới hiểu được sự bí ảo bên trong, năm ấy ở động Bách Nhãn, chính tôi đây cũng suýt bị thi trùng cắn chết. Chỉ có điều, thi trùng có rất nhiều loại, những giống như rận hút máu, nhặng ăn xác... đều là một trong sỗ ấy, vì vậy ở khu vực gần mộ cổ Địa Tiên trông thấy thi trùng cũng không có gì lạ, chỉ là không biết có phải loại Mã Ngủ Tử gặp năm xưa hay không? Các giống thi trùng tập tính khác nhau, có giống chỉ ăn xác chết, lại có thứ xơi cả vật sống nữa.
Trong những hang động loạn táng ở trước mắt chúng tôi đây, tuy có đầy lũ sâu kiến tụ tập, nhưng trước đó không ai ngờ ngay cả cá chết trôi trên mặt hồ cũng thu hút bọn thi trùng đến gặm nhấm nên đều bị kinh hãi một phen. Lúc này, chỉ thấy con cá chết đang lơ lửng trên không kia đột nhiên run rẩy, cả đàn nhặng ăn xác đột nhiên tản ra, cái xác cá đã thối rữa một nửa rơi xuống vùng nước cạnh chiếc quan tài sơn son, "bũm bũm, nước bắn lên tung tóe.
Tuyền béo chửi bậy mấy câu, vung xẻng hất nước, xua những con nhặng ăn xác đang lởn vởn trên không ra xa. Cậu ta dùng sức khá mạnh, làm cỗ quan tài bên dưới tròng trành một chặp
Giáo sư Tôn là thứ vịt cạn, sợ nhất là rơi xuống nước, mặt lập tức xanh mét như tàu lá chuối, vội vàng tóm lấy vòng đồng trên quan tài để ổn định trọng tâm, gào lên: "Chậm thôi chậm thôi... quan tài sắp bị cậu làm lật rồi!"
Tuyền béo khinh bỉ ngoảnh đầu lại đáp: "Xem ông sợ nhũn cả người ra thế kia, chắc hẳn không chịu ăn vằn thắn rồi, nhưng Cửu gia cứ yên tâm, lát nữa chẳng may gặp bọn ma nước kéo chân, Tuyền béo này sẽ mời ông xơi món mì dao phay trước." Tôi phát giác dòng chảy của hồ nước ngầm có dị biến, vội vàng nhắc nhở bọn họ thôi ngay trò gà nhà đá nhau, chú ý phía trước có dòng chảy xiết, lời vừa mới dứt, cỗ quan tài sơn son dùng tạm làm "thuyền xung phong" đã bị dòng nước cuốn đi, dần dần mất điểu khiển.
Tuyền béo ném lên không trung một quả pháo sáng, chỉ thấy tận cùng của hồ nước ngầm là một vách đá nghiêng nghiêng, trên vách đá đầy những nguồn suối, phân bố rải rác cái cao cái thấp, trong đó hai nguồn suối lớn được điêu khắc thành hình rồng có sừng, có hai dòng thác nhỏ như dải lụa từ trong đầu rồng tuôn ra, vừa khéo hợp thành thế "Song long xuất thủy". Giữa hai con rồng nước vươn ra một khối kiến trúc kỳ dị trông hơi giống lầu gác, chạm khắc hình bách thú bách cầm, toàn những loại trân cầm dị thú hiếm thấy trên thế gian, mang đậm sắc thái thần bí của vu tà cổ quốc, khiến tôi thoáng động tâm: "Đây chính là cửa vào của mộ cổ Ô Dương vương sao?"
Bên dưói lầu gác nguy nga có mấy cánh cửa đá mở rộng, vách tưòng bên trong lát bằng gạch lớn, rất giống mộ đạo, cửa mộ phân làm ba tầng, dãy cửa ở tầng thấp nhất đã bị nước hồ nhấn chìm quá nửa. Thế nước rất xiết, quan tài sơn dập dềnh trên mặt nước vừa đến gần, đã bị dòng nưóc cuốn vào bên trong.
Tôi biết Tôn Cửu gia và Út không biết bơi, ngộ nhỡ bị rơi xuống hồ nưóc tối tăm lạnh lẽo thì chưa chắc đã cứu lại được, thêm nữa quan tài cũng không phải là thuyền thật sự, chỉ cần hơi nghiêng đi một chút sẽ lật nhào ngay, tuyệt đối không thể trông mong ngồi trên quan tài trôi theo dòng nước mà vào được hang động. Nghĩ đoạn, tôi lập tức huýt sáo, ra hiệu cho cả bọn bỏ thuyền lên bờ.
Lúc này quan tài đã bị dòng chảy xiết trên mặt hồ lôi đi, tốc độ trôi tăng lên trong chớp mắt, chỉ thấy tiếng gió vù vù lướt qua bên tai, hai cỗ quan tài xoay vòng trên mặt nước, va đập chen chúc nhau chui vào cửa hang bên dưới lầu gác, bấy giờ cả bọn muốn nhảy xuống nước thoát thân cũng đã muộn, đành liều mạng một phen, nằm phục xuống quan tài nghe theo mệnh trời.
Trong tiếng kêu thảng thốt kinh hồn, quan tài xuôi theo dòng nước trôi trong mộ đạo, lao nhanh về phía trước khoảng hơn hai chục mét. Trong đường hầm thênh thang tối đen như mực, tôi không nhìn rõ tình cảnh xung quanh, tai nghe phía trước có tiếng nước chảy ầm ầm, đoán rằng phần giữa mộ đạo nhiều năm bị dòng nước xói mòn chắc đã sụt hẳn xuống, tạo thành một cái hố khá lớn giữa đường, dòng nước chảy qua mộ thất bên dưới, nếu bị cuốn cả người lẫn quan tài vào đó, e rằng cả bọn khó mà sống sót.
Ý niệm ấy vừa lóe lên trong óc, tôi không dám chần chừ thêm nữa, vội gọi Tôn Cửu gia và Út, bảo họ chuẩn bị nhảy xuống nước. Lúc này Shirley Dương ở sau lưng tôi sớm đã ném phi hổ trảo ra, móc vào vòm cuốn trên trần mộ đạo, cô từ phía sau ôm lấy thắt lưng tôi, hai người thả lỏng chân, cỗ quan tài sơn son lập tức bị dòng nước cuốn vào sâu bên trong mộ đạo tăm tối.
Trong mộ đạo nước ngập đến thắt lưng, tôi và Shirley Dương có phi hổ trảo cố định trọng tâm, một tay móc vào kẽ hở giữa các viên gạch mộ, vội vàng xoay người lại để kéo giáo sư Tôn
Lúc này, cỗ quan tài còn lại đang trôi qua bên cạnh, không ngờ dòng nước chảy quá xiết khiến tôi chụp hụt; ba người kia cũng không kịp vươn tay ra, vẫn nằm phục trên quan tài lướt qua ngay trước mặt tôi, tôi và Shirley Dương đồng thanh kêu lên một tiếng, lời còn chưa dứt, ba người bọn họ đã theo dòng nước rơi xuống chỗ sụt lún ở giữa mộ đạo.
Trước mắt tôi tối sầm lại, thầm nhủ phen này quá nửa là tiêu đời rồi, vội hét lớn gọi tên bọn Tuyền béo, nhưng bên tai chỉ nghe tiếng nước chảy ầm ầm, dù có người trả lời cũng bị át đi cả. Tôi hoảng hốt một phen rồi lập tức trấn tĩnh lại, tôi biết, lúc này có cuống lên cũng không ích gì, chỉ còn cách mau chóng xuống dưới tìm kiếm người nào sống sót mà thôi.
Tôi giơ đèn pin quan sát địa hình xung quanh, đoán rằng cửa mộ chúng tôi vừa đi qua đã nằm trong phạm vi quách điện của lăng mộ Di Sơn Vu Lăng vương. Điện chính và mật thất chứa quan quách đều ở bên trong khu vực kiến trúc ngắm này, chỉnh thể ngôi mộ được xây dựng theo kết cấu chồng chất, phía trước cửa quách điện chia làm ba tầng, hẳn còn một mộ đạo bị phong bế, chúng tôi đã từ khu vực động loạn táng bên dưới mộ đạo ấy tiến vào, trực tiếp "đăng đường nhập thất" rồi, nhưng nơi này lại không hề có dấu vết gì của "thôn Địa Tiên" cả.
Trước mắt việc tìm kiếm mấy người kia mới là cần kíp, tạm thời không rảnh suy đoán mộ cổ Địa Tiên giấu ở nơi nào, tôi và Shirley Dương bám vào tường mộ lội nước tiến lên, thấy hai bên mộ đạo có mấy gian phòng nhỏ, bên trong trống huếch, trên tường chỉ có những bức bích họa tàn khuyết. Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng hoang lương sau trận càn quét của một đám trộm mộ, thông đạo bên trong mộ có đan xen chằng chịt, mộ đạo có rất nhiều chỗ bị sụt lún. Đây cũng là một khuyết điểm rất lớn của lăng mộ theo kết cấu chồng chất này, vì vậy, từ sau đời Đường người ta không áp dụng bố cục này để xây mộ nữa.
Vì dòng nước trong mộ đạo chảy quá xiết, không sao đứng vững được, chúng tôi đành từ căn phòng ở mé bên đi vòng qua, khó khăn lắm mới đến được chỗ sụt lún giữa mộ đạo, dưới đất bùn gạch lẫn lộn, lộ ra một cái hố thoát nước đường kính đến mấy mét, nhìn thế nào cũng giống một cái hang trộm mộ từ mấy trăm năm trước sụt lún mà thành, rất có thể Quan Sơn thái bảo đã đào đường hầm từ bên dưới vòng qua tường mộ, sau này hang trộm mộ dần bị lún rồi ngập nước, mới thành ra tình cảnh hiện tại.
Bên dưới hang trộm mộ còn một tầng mộ thất nữa, bên trong tường nghiêng gạch vỡ, hết sức hỗn loạn, tôi liếc mắt nhìn xuóng, chỉ thấy tầng mộ thất bên dưới bị ngập quá nửa trong nước đen. Tầng đất dưới đáy mộ cổ chẳng lấy gì làm kiên cố, nước ngấm đổ xuống đều thấm xuống lòng đất, chợt thấy mặt nước ở góc mộ thất loang loáng ánh sáng, tôi vội định thần nhìn lại, phát hiện ra Tuyền béo đang cầm đèn pin nghiêng ngó.
Tôi thấy cậu ta không việc gì, mới yên tâm phần nào, hướng về phía ấy gọi: "Tư lệnh Vương Khải Tuyền, cậu không sao chứ? Tôn Cửu gia và Út đâu rồi?" Nhưng tiếng nước chảy ầm ầm, chính tôi cũng không nghe thấy mình đang nói gì, cúi nhìn mộ thất bên dưới thấy đọng nước khá sâu, tôi bèn tìm một chỗ nước không xiết lắm, rồi cùng Shirley Dương người trước kẻ sau bám vào phi hổ trảo tụt xuống.
Tôi lần dò đến bên cạnh Tuyền béo, chỉ thấy cậu ta cũng khá nặng, người bị thương mấy chỗ, nhưng trên đầu có mũ bảo hiểm leo núi, cùi chỏ đầu gối đều có miếng bảo vệ bằng da, lại rơi xuống nước nên cũng không có gì đáng ngại, bèn hỏi lại câu lúc nãy một lần nữa.
Tuyền béo lắc đầu lia lịa, nói: "Con bà nhà nó, sao trước mắt toàn sao bay tá lả thế này ? Vừa nãy dòng nước trong mộ đạo chảy xiết quá, tôi vốn định nhảy ra khỏi quan tài, nhưng thằng cha Tôn Cửu gia ấy sợ nước, suýt són cả ra quấn, cứ kéo rịt lấy tôi sống chết không chịu buông tay, kết quả bị lão ta hại cho cái đầu của đại gia suýt chút nữa thì rụt vào rồi, Út và Cửu gia là hai con vịt cạn... hình như rơi xuống nước cũng không chịu buông cái quan tài ra, nếu họ không ở trong mộ thất này, vậy thì... chắc là theo cỗ quan tài ấy trôi vào mộ đạo ở quanh đây rồi."
Tôi thấy Tuyền béo không sao, đoán chừng Tôn Cửu gia và Út chắc cũng không gặp chuyện gì ngoài ý muốn, có điều, tôi cảm thấy bên trong ngôi mộ cổ này dường như có gì đó không ổn lắm, trong sự trống rỗng âm lạnh lại toát lên một bầu không khí kỳ dị khó thể gọi tên, trước mắt cần phải nhanh chóng tìm lại những người kia, tránh để xảy ra chuyên bất trắc.
Bốn phía mộ thất đọng nước đều có cửa thông, trên một bức tường có vẽ bức bích họa hết sức cổ quái, là một người đàn bà béo mặt mũi lạnh tanh, tay nâng một lão già gầy guộc to bằng nắm tay trẻ sơ sinh, trong lúc luống cuống, tôi cũng khó mà nghĩ ra được bức bích họa này rốt cuộc diễn tả truyền thuyết gì, chỉ cảm thấy vô cùng yêu dị, vô ý liếc qua một cái đã thấy khó chịu, không thể không hướng ánh mắt tránh đi chỗ khác.
Trên mặt tưòng vẽ bức bích họa ấy, có một khung cửa hình vòm lớn nhất mở rộng, nước đọng sâu chừng một mét chầm chậm chảy tràn vào bên trong. Cỗ quan tài rơi xuống, rất có thể đã theo dòng trôi vào mộ đạo phía sau khung cửa này, vì mấy lối thông xung quanh đều khá hẹp. Chúng tôi đứng trước khung cửa hét gọi mấy tiếng, hồi lâu không thấy ai trả lời, bèn bật đèn chiếu gắn trên mũ bảo hiểm, lần lượt lấy vũ khí phòng thân, rồi lội nước lẫn dò vào bên trong.
Trong mộ đạo quanh năm ngập nước, trên tường gạch có ngấn nước rất rõ, mọc đầy một lớp rêu màu xanh đen, không khí trong bóng tối ẩm ướt nồng nặc, tầm nhìn dưới ánh đèn thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa, chúng tôi rời khỏi chỗ bị sụt lún đi một quãng xa, mãi vẫn chưa đi hết mộ đạo.
Kết cấu đặc thù của mộ cổ kiểu chồng chất và địa mạch phong thủy, khiến âm thanh trong mộ cổ chỉ có thể theo địa khí lan truyền từ dưới lên trên, chúng tôi ở giữa mộ đạo tối đen lạnh lẽo, hoàn toàn không nghe thấy tiếng nước ở chỗ sụt lún tầng trên kia nữa, chỉ nghe dòng nước chảy róc rách, xung quanh càng tĩnh lặng đến rợn người. Tôi lo lắng cho sự an nguy của Tôn Cửu gia, không khỏi nóng lòng sốt ruột, đang định mở miệng hét gọi tên người mất tích, chợt thấy trên trần mộ đạo cách đỉnh đầu mình chừng hơn một mét lại có một bức bích họa loang lổ tàn khuyết, phong cách rất giống với bức ở trong mộ thất khi nãy, cũng vẽ một người đàn bà vẻ mặt cứng đờ như tượng gỗ, cái miệng nhỏ há hốc, lưỡi lè ra, trên đầu lưỡi đỏ rực của bà ta có một lão già đang ngồi xếp bằng, tướng mạo như quỷ mị, có điều, thân hình lão ta chỉ nhỏ bằng hạt hồ đào.
Trong mộ đạo đầy rêu xanh và nước bẩn này, bức bích họa trông hết sức nổi bật, tôi bất chợt nhìn thẳng vào nó, không khỏi giật mình kinh ngạc, Tuyền béo đi đầu tiên cũng nói: "Nhất này, sao tôi thấy bức tranh kia quen mắt thế nhĩ? Nếu tư lệnh đây nhớ không lầm, hình như chúng ta từng thấy ở Long Lĩnh, Thiểm Tây rồi thì phải ? Hồi ấy, cậu còn bảo chỉ thời Đường mới có đàn bà béo tốt thế này..."
Tôi cũng có cùng cảm giác với cậu ta, khe khẽ gật đầu, chân vẫn không dừng bước, vừa đi vừa hỏi Shirley Dương bên cạnh, có phải cảm thấy bức bích họa kia rất quái dị hay không? Nhìn thế nào củng giống như một quý phu nhân thời Đường vậy.
Shirley Dương gật đầu: "Rất quái dị, màu sắc bức tranh vẫn như mới, nhìn trang phục thần thái của người đàn bà kia hẳn là người thời Đường, nhưng lão già trên lưỡi bà ta thì như là... như là ác ma vậy."
Shirley Dương nói, những bức bích họa có lẽ đều từ thời nhà Đường, rõ ràng không hề ăn nhập gì với bối cảnh lịch sử của mộ cổ Ô Dương vương, chắc hẳn là tang vật do địa tiên Phong Soái Cổ trộm trong các mộ khác đưa về, chỉ là không biết ông ta cố ý giấu chúng ở tầng mộ đạo thấp nhất này có ý đồ gì ? Cần phải đề phòng đoạn mộ đạo này có cạm bẫy.
Tôi nghe Shirley Dương nói lão già trong bức bích họa kia giống như "ác ma", trong lòng bất giác thận trọng thêm, tuy rằng cách gọi được Tây hóa này không gợi lên hình tượng cụ thể nào trong tâm trí tôi, nhưng tôi lại thấy dùng danh từ này để hình dung lão già trên lưỡi của quý phụ thời Đường kia thật hết sức thích hợp. Lão già gầy gò nhỏ bé ấy hai tai dựng ngược, mặt mũi đáng ghét, hệt như một con ác quỷ vừa chui ra từ mười tám tầng Địa ngục vậy.